Giải quyết khiếu nại tố cáo: Hãy nghe dân nói!

Thứ Năm, 25/05/2017, 08:43
Ban tiếp công dân Trung ương là cơ quan giải quyết khiếu nại tố cáo cuối cùng, cao nhất nên người dân tìm đến với nhiều hy vọng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, người dân rất dễ nổi khùng và thất vọng khi chưa giải tỏa được hết bức xúc. Bởi thế, áp lực đè nặng lên vai của cán bộ tiếp dân. Và, chuyện hành hung cán bộ tiếp dân ở đây không phải là hiếm.


Khổ như… cán bộ tiếp dân

Cách đây vừa tròn 1 năm, vào tháng 5-2016, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương bị một nhóm công dân tỉnh Bạc Liêu đi khiếu nại, tố cáo dài ngày bao vây, dọa nạt và hành hung gây thương tích ngay tại Trụ sở. 

Vụ việc này được coi là trường hợp điển hình về nỗi khổ của cán bộ giải quyết khiếu nại tố cáo. Nhóm công dân này lưu trú khoảng 2 tháng tại trụ sở và đã được bố trí cán bộ tiếp giải quyết nhiều lần. 

Thậm chí, Ban tiếp công dân Trung ương còn trực tiếp cùng lãnh đạo tỉnh đối thoại với nhóm người dân đó tại địa phương. Tuy nhiên, nhiều người chưa đồng ý với cách giải quyết của chính quyền địa phương nên tiếp tục khiếu kiện. Đỉnh điểm của nỗi bức xúc, họ trút thẳng vào ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân ngay trụ sở tiếp dân Trung ương.

Bà Trần Thị Thu Hiền (bên trái), cán bộ tiếp dân tại trụ sở Ban tiếp công dân Trung ương từng bị người dân đánh gây thương tích. 

Có mặt tại trụ sở, sau một năm xảy ra vụ việc trên, chúng tôi nhận thấy công tác đón tiếp người dân đến khiếu nại, tố cáo được bố trí, sắp xếp hợp lý hơn, đảm bảo an toàn hơn cho các cán bộ tiếp dân. Tại  phòng tiếp đón, bà Trần Thị Thu Hiền cập nhật dữ liệu, hướng dẫn người dân. 

Trò chuyện với bà Hiền, người đối diện có thể nhìn thấy vết sẹo trên trán của bà. Đó là dấu vết của một cuộc hành hung cách đây hơn 3 năm. Nhắc lại vụ việc, bà Hiền vẫn nhớ như in. Đúng tại căn phòng này, đang trong giờ tiếp dân, bà Hiền vừa tiếp nhận xong một vụ việc, quay lưng lại phía cửa thì đột ngột bị một người dân cầm dao lao vào chém. Bà Hiền phải đi cấp cứu với vết thương trên trán và đỉnh đầu.

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc công dân xô xát, đánh và đe dọa cán bộ tiếp công dân. Khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, tuyên truyền và vận động thì họ có thái độ bức xúc, thậm chí có hành vi chống đối, tấn công lực lượng bảo vệ. Có khi cán bộ tiếp dân còn bị công dân chửi bới, lăng mạ. Thậm chí có người mang xăng dầu đến, dọa tự thiêu… 

Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Tiếp dân 1 cho biết, riêng ông đã 3 lần phải dùng bình xịt chữa cháy để cứu người dân đến khiếu kiện. Có trường hợp, người dân đi lại nhiều lần gửi đơn, khiếu nại, tố cáo, dù Ban tiếp công dân Trung ương đã cử cán bộ giải thích rõ ràng, hướng dẫn về cấp có thẩm quyền giải quyết… nhưng người dân vẫn cố tình ăn chực nằm chờ, tạo sức ép tại cấp Trung ương. 

Theo quy định, giải quyết khiếu nại tố cáo được thực hiện ở hai cấp là cấp huyện và cấp tỉnh. Thế nhưng, với lượng công dân khiếu nại tố cáo nhiều ở cấp Trung ương, thậm chí là gây sức ép cho cán bộ tiếp công dân ở Trung ương cho thấy, một phần do người dân không tin tưởng cách giải quyết ở cơ sở, phần nữa là do các vụ việc đã bị đẩy từ cơ sở lên cấp trên. Có thể là do tâm lý sợ trách nhiệm và cả sự tắc trách, vô cảm của cán bộ giải quyết trong thực hiện công việc được giao.

Đẩy lên trên vì sợ… trách nhiệm

Ở huyện An Dương, Hải Phòng có một nhóm công dân bị xếp vào diện khiếu kiện đông người, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Nhóm người này còn tìm lên Trung ương đề nghị giải quyết. 

Người đại diện cho 14 hộ dân đi khiếu kiện là bà Phạm Thị Hoài ở xã An Đồng, huyện An Dương. Vụ khiếu kiện phát sinh từ việc chính quyền lập dự án, chia lô bán đất. Nhiều người dân đã nộp tiền mua đất, hoàn thiện các nghĩa vụ tài chính, nhưng 12 năm người dân không được giao đất. Thậm chí có tình trạng đất để lâu bị lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép… 

Trình bày với chúng tôi, bà Đặng Thị Hoài cho biết: “Chúng tôi được coi là phần tử quá khích đi khiếu kiện. Chính quyền địa phương không muốn chúng tôi lên cấp trên khiếu kiện. Nói thật, bản thân chúng tôi cũng không muốn lên tận Trung ương kêu cứu vì đường xa, đi lại tốn kém, mà chúng tôi hầu hết là phụ nữ, say xe. Cực chẳng đã mới phải đi vì chính quyền cơ sở có giải quyết cho chúng tôi đâu?!”.

Đúng như phản ánh của bà Hoài, tìm hiểu vụ việc này chúng tôi càng thấu hiểu tâm tư của người dân. Dữ liệu về vụ việc được lưu trên hệ thống máy tính của Ban tiếp công dân Trung ương. 

Thời gian bà Đặng Thị Hoài đến gửi đơn kêu cứu, tố cáo nhiều và kéo dài. Máy tính hiển thị, trong 4 năm liên tiếp, từ 2013 đến 2016 bà Hoài đều được tiếp giải quyết khiếu nại, có năm lên nhiều lần. 

Ông Phan Văn Hải trực tiếp tiếp bà Hoài 3 lần. Phòng tiếp dân Trung ương có lần làm văn bản chuyển đơn đến UBND TP Hải Phòng, có lần hướng dẫn người dân về gặp Ban tiếp công dân thành phố, lần tiếp công dân có Phó phòng tiếp dân TP Hải Phòng… Tuy nhiên, năm lần bảy lượt những người dân lên Trung ương rồi quay trở lại thành phố và huyện An Dương, cho đến tận thời điểm này, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Do không tích cực giải quyết ngay từ cấp cơ sở và vụ việc để kéo quá dài nên càng phát sinh phức tạp, khiếu kiện đương nhiên bị đẩy dần lên cấp trên. Đó là thực tế diễn ra ở nhiều địa phương. 

Sự chây ỳ giải quyết, sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong giải quyết khiếu nại chính đáng của người dân là nguyên nhân diễn ra các vụ khiếu kiện phức tạp, đông người. Thậm chí có trường hợp, vụ việc chỉ được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng tích cực giải quyết khi phát sinh vấn đề nghiêm trọng, gây bất ổn xã hội. 

Điển hình như vụ đất đai ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng liên quan đến ông Đoàn Văn Vươn; hay như vụ giữ người trái pháp luật ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội; vụ người dân bị máy xúc chèn lên người trong khi đang thi công ở Hải Dương ở dự án thu hồi đất năm 2015… 

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền vận động của các cấp, của địa phương chưa có hiệu quả. Có những trường hợp, địa phương giải quyết đúng, nhưng người dân chưa hiểu nên vẫn tiếp tục lên cấp trên khiếu nại tố cáo. Lỗi ở đây là do cán bộ cơ sở không giải thích rõ cho người khiếu nại, tố cáo, không tạo được sự đồng thuận để người dân thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo. 

Hoặc như, có những quyết định của tòa án không thuộc thẩm quyền địa phương hay chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết. Tuy nhiên, do không được giải thích cặn kẽ nên công dân vẫn tiếp tục có đơn lên cấp cao hơn.

Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Tiếp dân 1- Ban tiếp công dân Trung ương:

“Việc giải quyết khiếu nại tố cáo cho người dân từ cơ sở chưa được chú trọng, có nơi làm nhưng qua loa. Trình độ cán bộ cơ sở vì sức ép này nọ nên không kiên trì, thậm chí có trường hợp hống hách, hách dịch với dân, giải quyết cho xong việc. Có trường hợp người dân bức xúc, phản ánh với chúng tôi rằng, cán bộ ở địa phương nói: “Các ông cứ đi đâu thì đi, cuối cùng cũng vẫn về đây”. Những trường hợp như vậy không hiếm”.

Việt Hà
.
.
.