Đua nhau “vẽ” dự án để khai thác đất trái phép
- Mua cát khai thác trái phép ở lòng hồ thủy điện bán kiếm lời
- Tràn lan nạn khai thác trái phép đất ruộng ở miền Tây
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, do nhu cầu về vật liệu xây dựng, đất san lấp mặt bằng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh quá lớn, trong khi nguồn cung lại ít nên đã xảy ra tình trạng doanh nghiệp “vẽ” dự án để khai thác, tận thu đất, cát trái phép.
Thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế lợi dụng việc thực hiện các dự án xây dựng trang trại, cải tạo hồ thủy lợi… để khai thác tận thu đất dẫn đến nhiều hệ lụy.
Điển hình như, HTX Sản xuất - Thương mại và dịch vụ Sông Bồ (gọi tắt HTX Sông Bồ), tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, vào tháng 8/2018, được UBND xã Phong Sơn chỉ định trúng gói thầu xây lắp thuộc dự án nạo vét, cải tạo 2 hồ thủy lợi Đập Trại và Hồ Sen, do UBND xã Phong Sơn làm chủ đầu tư.
Để thực hiện dự án nạo vét 2 hồ thủy lợi trên với tổng diện tích gần 9ha, HTX Sông Bồ được phép nạo vét, khai thác tận thu 43.000m³ đất. Dù được cơ quan chức năng cho phép nạo vét ở độ sâu tối đa 0,49m, nhưng thực tế tại hiện trường dự án nạo vét thủy lợi Hồ Sen, nhiều vị trí đã bị đào sâu hơn 2m, vượt 4 lần so với quy định, để lấy đất bán cho các dự án san lấp và nhà máy làm gạch trên địa bàn.
Ông Trịnh Xuân Nhân, Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho biết, dự án cải tạo 2 hồ thủy lợi của HTX Sông Bồ đã được gia hạn đến tháng 8/2021, song đến nay đơn vị này mới nộp khoản phí gần 120 triệu đồng và vẫn còn nợ xã khoản kinh phí cấp quyền khai thác khoáng sản.
Theo ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên-Huế, dự án nói trên là công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp 4, đơn vị thi công phải có chứng chỉ năng lực thi công xây dựng công trình tối thiểu là hạng 3 do Sở cấp.
HTX Sông Bồ chưa có chứng chỉ này nên cơ quan chức năng đang làm rõ việc được chỉ định thầu phần xây lắp có đúng quy định và đảm bảo chất lượng hay không.
Đơn vị thi công tận thu đất tại dự án cải tạo hồ thủy lợi Hồ Sen, xã Phong Sơn. |
Bên cạnh là việc xin phép cơ quan chức năng lập dự án trang trại để… khai thác tận thu tài nguyên đất đem bán thu lợi. Cụ thể, tháng 10-2018, UBND huyện Phong Điền phê duyệt phương án đầu tư xây dựng trang trại cho hộ bà Mai Thị Trinh (trú ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền) trên diện tích 3ha đất ở thôn Hòa Xuân, xã Phong Xuân.
Dự án trang trại này được chủ đầu tư “vẽ ra” gồm ao nuôi cá, chuồng nuôi heo, nhà điều hành, diện tích đất trồng cây lâu năm… thực hiện trong 1 năm nhằm mục đích chuyển đổi vùng đất đồi hiệu quả thấp sang mô hình kinh tế cho thu nhập cao hơn, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Đến tháng 4/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp quyền cho chủ trang trại được khai thác hơn 34.000m³ đất ở độ sâu trung bình 2,2m để vận chuyển ra khỏi khu vực dự án nhằm cải tạo đất đào trên 2 hồ với diện tích hơn 1,7ha. Trong đó có gần 15.500m³ đất sét làm gạch, còn lại là đất làm vật liệu san lấp.
Theo phản ánh của người dân địa phương, quá trình khai thác, vận chuyển đất tại dự án này không chỉ gây bụi, ô nhiễm môi trường, hư hỏng đường liên thôn mà nhiều điểm trong khu vực dự án khai thác quá độ sâu, bị cơ quan chức năng lập biên bản và yêu cầu khắc phục.
Sau khi khai thác đất, khu vực dự án này đã để lại hố sâu đầy nước, nhưng bà Trinh lại không hoàn thổ mà xin cơ quan chức năng điều chuyển mục đích thực hiện dự án với lý do trang trại nằm gần điểm quy hoạch xây dựng cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ không hiệu quả (!?).
Qua tìm hiểu được biết, hiện ở địa bàn huyện Phong Điền có 11 dự án nạo vét, cải tạo các hồ thủy lợi theo hình thức xã hội hóa được chính quyền địa phương giao cho doanh nghiệp thực hiện.
Lợi dụng những dự án này, các doanh nghiệp đã khai thác đất bán thu lợi trên danh nghĩa “cải tạo”, gây thất thoát tài nguyên và để lại nhiều hệ lụy môi trường về sau. Tại các xã Thủy Bằng, Thủy Phương, Dương Hòa, Phú Sơn thuộc thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Các doanh nghiệp đã “vẽ” nên những dự án trang trại theo mô hình V-A-C-R (vườn – ao – chuồng – rừng); dự án cải tạo đất đồi trồng cây ăn quả lâu năm… đầy hứa hẹn nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế mà chỉ mục đích chủ yếu để khai thác, tận thu lấy đất dôi dư.
Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã phối hợp với các cơ quan liên quan phát hiện, lập biên bản 9 vụ việc khai thác đất, cát trái phép để xử lý theo quy định pháp luật.