Cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước: Đừng để “ván đã đóng thuyền” rồi kêu

Thứ Tư, 27/09/2017, 19:55
Cổ phấn hóa (CPH) chậm, thất thoát tài sản, vốn nhà nước, còn nhiều “lùm xùm” liên quan về vấn đề xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là xác định giá trị đất đai là thực tế mà quá trình tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đang “vướng” phải. 

Câu chuyện 1 lần nữa “nóng” tại buổi họp báo chuyên đề Tình hình CPH DNNN năm 2017 và Kế hoạch tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020 được Bộ tài chính tổ chức ngày 27-9.

Đừng để “ván đã đóng thuyền” rồi kêu

Câu chuyện được dư luận quan tâm nhiều nhất vẫn là CPH Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) được báo chí phản ánh gần đây, buộc Thủ tướng chỉ đạo rà soát lại việc xác định giá trị doanh nghiệp. 

Cụ thể, 2 vấn đề được “mổ xẻ” trong quá trình CPH của VFS là việc định giá 0 đồng và nhà đầu tư là một công ty không liên quan gì đến nghệ thuật. Nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) mua lại hãng phim truyện là để thâu tóm đất vàng.

Nhiều „lùm xùm” xunh quanh việc CPH VFS.

Trả lời câu hỏi của PV về việc giá trị hơn 5.000m² “đất vàng” của Hãng phim truyện được định giá 0 đồng do là đất thuê, ông Đặng Quyết Tiến Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết là theo quy định, có thể định giá 0 đồng, với điều kiện đúng quy hoạch. 

“Quy hoạch có thể là thuê trả tiền thuê đất hàng năm, trả 1 lần hoặc giao đất nếu trường hợp quy hoạch làm bất động sản. Chẳng hạn nếu quy hoạch làm công viên cây xanh, người ta có thể vẫn thuê đất và trả tiền hàng năm, nhưng sẽ không có giá trị gì khi cổ phần hóa, vì không ai mua cả. Nhưng nếu quy hoạch là đô thị thì lại khác”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cho biết thêm với Hãng phim truyện, quy hoạch phải rõ ràng khu đất đó được sử dụng làm gì, quy hoạch như thế nào thì phải sử dụng như vậy: nếu là xưởng phim thì mãi mãi làm xưởng phim; còn nếu quy hoạch thành phố Hà Nội thay đổi làm đô thị thì mới được xây chung cư, khách sạn. Việc vận hành thực hiện CPH ra sao do bộ Văn hóa thể thao và du lịch thực hiện - cái này đang thanh tra nên phải đợi kết luận thanh tra”.

Riêng về vấn đề lựa chọn cổ đông chiến lược được cho là không phù hợp, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng một phần nguyên nhân cũng do cán bộ, nhân viên VFS. CPH VFS, tài sản là con người, giá trị ở con người nên phải chọn người biết sử dụng tài sản đó. CPH là quá trình đưa người lao động làm chủ doanh nghiệp. Người lao động phải chọn đúng người để làm đại diện cho mình. 

Ở VFS, chọn chủ đầu tư rồi tức là “ván đã đóng thuyền”, mua bán xong rồi các nghệ sĩ mới lên tiếng, như vậy là làm khó cho cơ quan quản lý và cả nhà đầu tư. 

“Trước khi CPH có buổi phổ biến phương án CPH cho cán bộ công nhân viên chức, phương án nói rõ cổ đông chúng ta là ai, thế mạnh gì để người lao động có ý kiến, nếu không đồng thuận phải dừng lại. Nếu chọn cổ đông không đúng thì phải có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo cấp trên, báo cáo rồi mà vẫn chọn thì là sai. Còn lúc có quyền tại sao chúng ta không nói? Vai trò của công đoàn, của người lao động trong CPH có thời gian dài chúng ta quên mất. Thực tế này cho thấy phía người lao động cũng không mặn mà, phía cơ quan quản lý, ban chỉ đạo CPH cũng không hiểu tâm tư anh em”, ông Tiến chia sẻ thêm.

Đẩy nhanh tiến độ, ngăn chặn thất thoát vốn

Thực tế đang chỉ ra nhìn từ VFS cho thấy, quá trình CPH thất thoát một lượng tài sản cũng như vốn nhà nước vào tay tư nhân. Do vậy ông Đặng Quyết Tiến cho biết, khi xây dựng dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về CPH DNNN đã có nhiều nội dung, văn bản hướng dẫn kỹ  để doanh nghiệp thực hiện, ngăn chặn tối đa tình trạng thất thoát. 

Theo đó dự thảo  quy định các DN thuộc diện CPH có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập và hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan trước thời điểm quyết định CPH; thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013. 

Đặc biệt, nhằm hạn chế tình trạng các ông chủ bỏ tiền chỉ vì đất, dự thảo đã bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược. 

Theo đó, nhà đầu tư chiến lược phải có các điều kiện như: Có đủ tư cách pháp nhân; có năng lực tài chính và có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất phải có lãi, không có lỗ lũy kế; có cam kết bằng văn bản khi đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược trong việc: tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh chính và thương hiệu của DN CPH trong thời gian ít nhất 3 năm.

Nhà đầu tư chiến lược không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn 3 năm và phải có phương án hỗ trợ DN sau CPH trong việc chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực...; các nghĩa vụ bồi thường khi vi phạm cam kết đã ký. 

Một vấn đề nữa được quan tâm tại các cuộc họp đó là câu chuyện hoàn thành thoái hết vốn Sabeco và Habeco trong năm 2017. Theo kế hoạch đặt ra từ việc cổ phần hóa DNNN trong năm 2017, phải thu về cho ngân sách Nhà nước khoảng 60 nghìn tỷ  đồng, tuy nhiên, đến nay mới chỉ thu về được khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Việc bàn giao các DN đã CPH về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn chậm. Thời gian tới Bộ Tài chính sẽ đẩy nhanh tiến độ thoái vốn DNNN trong quý 4-2017.

Ông Đặng Quyết Tiến cũng cho biết thêm, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công thương đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện bán toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco, đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 1-12-2017. 

Trường hợp đến ngày 30-9-2017, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco, trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Sabeco và Habeco sang SCIC để đảm bảo việc thoái vốn nhà nước. Cùng với đó, sẽ  tiếp bán 3,33% cổ phần của SCIC tại Vinamilk trong năm nay.

Trong tháng 9-2017, các đơn vị thoái được 125 tỷ đồng, thu về 195 tỷ đồng, bao gồm thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác (ngoài 05 lĩnh vực nhạy cảm) được 342 triệu đồng, thu về 6,9 tỷ đồng; thoái vốn ở SCIC: SCIC đã bán vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 125 tỷ đồng, thu về 188 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 3.838 tỷ đồng, thu về 15.998 tỷ đồng (bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong 9 tháng đầu năm 2017). 

Cụ thể, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm được 105 tỷ đồng, thu về 105 tỷ đồng. Thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác (ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm) được 2.210 tỷ đồng, thu về 3.463 tỷ đồng. Thoái vốn ở SCIC: SCIC đã bán vốn tại 28 doanh nghiệp với giá trị là 1.522 tỷ đồng, thu về 12.428 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả số thoái trong năm 2016 của Vinamilk với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng).

Lệ Thúy
.
.
.