Chồng chéo văn bản hướng dẫn Luật Lao động năm 2012

Thứ Bảy, 04/06/2016, 08:58
Sau 3 năm thực hiện Luật Lao động năm 2012 có đến vài chục Nghị định và rất nhiều Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, chất lượng của các nghị định cần phải xem xét lại, bởi rất chồng chéo khiến cho doanh nghiệp “không biết đường nào mà lần”...


Quá nhiều văn bản hướng dẫn

Bộ Luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013, bao gồm 17 Chương và 242 Điều. Qua triển khai thực hiện đã nảy sinh nhiều vấn đề gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: “Thông tư 23 Hướng dẫn một số điều về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ra ngày 23-6-2015 thì ngày 16-11-2016 lại tiếp Thông tư 47  Hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP. Nếu ngay từ đầu ban hành bao quát đầy đủ và thật trọng hơn thì doanh nghiệp đỡ khổ”, ông Cẩm bức xúc.

Sẽ sửa Luật Lao động để bảo vệ quyền lợi người lao động và tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Đưa ra ý kiến về lương tối thiểu vùng, nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi: Cơ sở nào để nói cho rằng lương tối thiểu đủ sống? Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện nay của Việt Nam cao hơn các nước khác, chưa kể việc tính bảo hiểm sắp tới sẽ nâng nền đóng lên thì lại càng khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, năm 2016 việc tăng lương tối thiểu cùng với việc nâng nền đóng BHXH bao gồm lương và phụ cấp có tính chất lương đã khiến tình hình kinh doanh của công ty ông cũng như nhiều công ty trong hiệp hội gặp nhiều khó khăn. Hiện nhiều doanh nghiệp đã trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu, việc xây dựng chính sách tiền lương chung cần trên mục tiêu nuôi dưỡng để các doanh nghiệp khỏe mạnh, khi đó họ mới có thể tăng lương bền vững cho người lao động.

Hơn nữa, theo lộ trình, Việt Nam sẽ được công nhận là một nền kinh tế thị trường; khi đó thu nhập của người lao động hãy để thị trường điều tiết dựa trên thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Nhà nước chỉ quy định sao cho mức lương đó không ảnh hưởng tới điều kiện sống tối thiểu của người lao động.

Một vấn đề nữa được các doanh nghiệp đề nghị đó là nới thời gian làm thêm giờ. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, hạn làm thêm giờ của Việt Nam khắt khe hơn rất nhiều so với các nước và vùng lãnh thổ khác như Nhật Bản 360 giờ/năm, Malaysia 104 giờ/tháng, Đài Loan 46 giờ/tháng… Việc này sẽ làm giảm tính cạnh tranh, khiến Việt Nam không thể phát triển các ngành công nghiệp, chế tạo…

“Ở doanh nghiệp của tôi, nếu không làm thêm thì người lao động chỉ 4 triệu đồng/tháng, nhưng nếu làm thêm thì lương bình quân 7 triệu đồng/tháng. Thực tế, làm thêm là nguyện vọng của người lao động, vì nếu họ không làm thêm thì thời gian buổi tối họ cũng tìm công việc bưng bê nào đó để có thêm thu nhập”, ông Dương nói.

Sẽ sửa Luật Lao động 2012

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, việc sửa đổi Luật Lao động 2012 nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian qua, đảm bảo tính đồng bộ giữa Luật Lao động và các luật khác mới được ban hành và phục vụ cho quá trình hội nhập quốc tế, tham gia Hiệp định TPP.

Dự kiến đầu năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ thực hiện công tác soạn thảo và điều chỉnh luật trên cơ sở được Chính phủ giao nhiệm vụ. Khi chỉnh sửa và bổ sung xong, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê duyệt vào cuối năm 2017.

Theo ông Huân, những kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được xem xét và đưa vào sửa đổi luật. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Lao động sẽ phải tuân thủ 8 công ước quốc tế cơ bản về lao động mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh việc sửa đổi sẽ có nhiều nội dung bổ sung. Trong đó có nội dung quy định về hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo tinh thần Hiệp định TPP mà Việt Nam đã tham gia.

Hiện nay, nhiều nội dung về hoạt động của tổ chức đại diện trên còn chưa được nêu rõ: Cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép hoạt động, quy chế hoạt động, cơ chế tài chính, phạm vi và thẩm quyền hoạt động… Đây là quy định hoàn toàn mới mà ban soạn thảo cần xây dựng mới.

“Qua triển khai thực hiện Luật Lao động năm 2012, nhiều vấn đề phát sinh và có thể được sửa đổi và bổ sung như: Quy định cụ thể hơn về lương tối thiểu vùng cho phù hợp với thực tế doanh nghiệp và mặt bằng của thị trường lao động; thời gian làm thêm; bổ sung các quy định liên quan tới bảo hiểm xã hội”, ông Huân khẳng định.

Hà Hiếu
.
.
.