Bất an từ các điểm thu mua phế liệu không phép ở Đà Lạt

Thứ Hai, 06/08/2018, 08:22
Nhiều cơ sở thu mua phế liệu tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) mặc dù không có giấy phép kinh doanh nhưng vẫn thản nhiên hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ, ô nhiễm môi trường, gây nhiều bức xúc cho người dân sinh sống quanh những địa điểm này. 

Theo đó, tại đường Phan Bội Châu thuộc khu trung tâm TP Đà Lạt, mặc dù chiều dài chỉ khoảng 300m nhưng có tới hai điểm thu mua phế liệu tồn tại từ nhiều năm qua. Bao quanh hai cơ sở này là hệ thống nhà hàng, khách sạn dày đặc, dân cư, du khách tập trung đông bậc nhất TP Đà Lạt. 

Một số người dân sinh sống cạnh hai cơ sở phế liệu trên cho biết, trước những tiếng ồn lớn và nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, họ đã kiến nghị chính quyền di dời hai cơ sở này đi nơi khác nhưng tới nay vẫn chưa thể thực hiện.

Một cơ sở kinh doanh phế liệu nằm sát bờ hồ Mê Linh, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.

Hai cơ sở thu mua phế liệu trên là của gia đình bà Nguyễn Thị Thủy và bà Bùi Thị Tân. Theo UBND phường 1, TP Đà Lạt, cả hai đều không có giấy phép kinh doanh theo quy định. Qua kiểm tra, các cơ sở cũng không có tiêu lệnh, nội quy, bình phòng cháy chữa cháy, không có đề án bảo vệ môi trường.

Tại đường Mê Linh, phường 9, trong vòng 400m nhưng cũng có tới 3 cơ sở thu mua phế liệu hoạt động từ nhiều năm qua. Các cơ sở này đều có diện tích nhỏ, nằm lọt trong khu dân cư đông đúc, hằng ngày thu mua và tập kết nhiều loại phế liệu rất dễ xảy ra cháy nổ, như giấy, nhựa, bìa carton, vỏ xốp, cao su, đồ kim loại… 

Dù vậy, công tác phòng chống cháy nổ tại hầu hết những cơ sở này đều bị xem nhẹ. Vấn đề vệ sinh, bảo vệ môi trường cũng chưa được chủ các điểm thu mua phế liệu quan tâm đúng múc. 

Có cơ sở, cả chục loại phế liệu được tập kết sát bên hồ Mê Linh, khi trời mưa nước từ bãi “ve chai” chảy xuống lòng hồ gây nguy cơ ô nhiễm tới nguồn nước.

Theo thống kê của UBND phường 9, TP Đà Lạt, địa phương này đang có 9 cơ sở kinh doanh phế liệu. Hầu hết các cơ sở đều không đảm bảo các quy định của pháp luật trong việc kinh doanh, thu mua các sản phẩm là phế liệu. Tương tự, địa bàn phường 5, TP Đà Lạt, hiện có 4 cơ sở kinh doanh phế liệu. Cả 4 cơ sở đều vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường và các điều kiện kinh doanh khác.

Theo Công an TP Đà Lạt, hiện Đà Lạt có 57 cơ sơ thu mua phế liệu, tập trung nhiều nhất ở các phường 6,7,8,9. Các cơ sở thu mua phế liệu trên đang tồn tại rất nhiều bất cập. Nhiều cơ sở không có giấy phép hoạt kinh doanh theo quy định. 

Đa số không có giấy xác nhận về bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường và không có giấy xác nhận đảm bảo an toàn về công tác phòng cháy chữa cháy. 

Ngoài ra, hầu hết các điểm thu mua phế liệu còn nằm xen kẽ trong khu dân cư, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của các hộ xung quanh. Đặc biệt, trong số 57 cơ sở thu mua phế liệu thì vẫn còn 19 cơ sở chưa được cấp giấy phép kinh doanh. 

Một số cơ sở có giấy phép nhưng hoạt động không đúng ngành nghề, có biểu hiện tiêu thụ tài sản do người phạm tội mà có. Không ít cơ sở lượng phế liệu thu mua hàng ngày lớn, quá tải so với khu chứa hàng nên nhiều thời điểm xếp hàng hóa lấn chiếm lề đường, có nguy cơ mất an toàn về phòng chống cháy nổ. 

Nổi cộm là cơ sở thu mua phế liệu của ông Nguyễn Sương, bà Nguyễn Thi Vân, ông Huỳnh Tấn Ý (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh), cơ sở của ông Nguyễn Duy Quân (đường Nguyên Tử Lực), cơ sở của gia đình ông Nguyễn Hồng Sáng (đường Trần Khánh Dư), bà Nguyễn Thị Mai (đường Hùng Vương)…

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Châu, Phó Trưởng Công an TP Đà Lạt, Công an thành phố vừa tham mưu, đề xuất UBND TP Đà Lạt lập đoàn kiểm tra liên ngành, tổng kiểm tra các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn, trong đó chú ý tới giấy phép kinh doanh, việc chấp hành các quy định về phòng chống cháy nổ, vấn đề môi trường, đặc biệt là việc chấp hành các quy định về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tàng trữ, thu mua các loại tài sản do người khác phạm tội mà có… 

Công an TP Đà Lạt cũng đề xuất UBND TP Đà Lạt quy hoạch các điểm làm kho bãi tập kết và kinh doanh phế liệu ở xa khu dân cư, không gây ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, môi trường, đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy. 

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất UBND TP Đà Lạt thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở không có biện pháp khắc phục các sai phạm để đảm bảo các điều kiện kinh doanh, gây ảnh hưởng xấu đến ANTT…”, Thượng tá Nguyễn Văn Châu cho biết.

KHẮC LỊCH
.
.
.