Tái định cư thủy điện - Hành trình đằng đẵng tìm “an cư”

Bài 2: Nghịch lý dân nghèo vì thủy điện

Thứ Bảy, 27/12/2014, 11:50
Thủy điện “mọc” lên ở địa phương nào, câu chuyện tái định cư cho các hộ dân vùng lòng hồ thủy điện lại “sốt xình xịch” lên ở đó. Và người dân, luôn là những người chịu thiệt thòi dù họ đã hy sinh nơi ở, ruộng nương để nhường đất cho thủy điện. Đặc trưng mỗi vùng miền mỗi khác, nhưng nỗi lo đói nghèo lại là bài toán chung chưa có lời giải.
>> Nghịch lý nhà cao, đường to vẫn đói nghèo

Ở đã khổ, đi càng khổ hơn

Khu vực miền Trung, tình hình cũng không mấy khác biệt so với các khu tái định cư (TĐC) thủy điện ở miền Bắc. Đơn cử thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An) hàng ngàn người dân di dời để nhường đất làm thủy điện vẫn đang có cuộc sống hết sức bấp bênh, thiếu thốn.

Thủy điện Bản Vẽ là một trong số ít thủy điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung với công suất 320MW, tổng mức đầu tư 6.740 tỷ đồng, phải di dời hơn 3.000 hộ dân của 33 bản. Trong gần một năm trời, hàng ngàn hộ dân đã thâu ngày, trắng đêm tháo dỡ nhà cửa, vận chuyển đồ dùng sinh hoạt theo đường bộ và dọc lòng Sông Lam về nơi tái định cư. Về nơi ở mới, người dân được cấp đất sản xuất, hỗ trợ tiền để làm nhà. Lần đầu tiên trong đời, nhiều hộ đồng bào dân tộc được nhận khoản tiền lớn nên cũng lại tình trạng “đua nhau” mua sắm xe gắn máy, ti vi, tủ lạnh… Sau vài năm, khi những đồng tiền hỗ trợ để ổn định sinh hoạt, sản xuất bị tiêu hết, người dân vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ mới ngáp ngắn, ngáp dài nhìn nhau chẳng biết làm gì.

Đã 10 năm trôi qua, nhưng đến nay hậu tái định cư thủy điện Bản Vẽ vẫn luôn làm nóng các hội nghị, hay các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An. Bởi hiện nay, 15 bản mới ở khu TĐC vẫn chưa khai hoang đất sản xuất trồng lúa. Đói nghèo, lạc hậu vẫn đang bủa vây lấy hàng ngàn người khi ánh điện đã bừng sáng từ lòng hồ thủy điện.

Còn ở Nam Trung Bộ, công trình thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng trên thượng nguồn sông Tranh, tỉnh Quảng Nam, thuộc địa phận 8 xã của hai huyện Bắc và Nam Trà My. Trong số tổng mức đầu tư 4.150,4 tỷ đồng để xây dựng thủy điện thì vốn đầu tư đền bù và tái định cư đã chiếm phần không nhỏ, 488,5 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, huyện có 1.196 hộ, với 6.329 nhân khẩu của 4 xã phải giải tỏa, di dời dân vào các khu TĐC gồm: Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác và Trà Tân. Trong đó, có 414 hộ dân, với 2.639 nhân khẩu, được TĐC ở 11 điểm theo kế hoạch; số còn lại TĐC tự do… Nhưng đến thời điểm này cuộc sống người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn. Điển hình như xã Trà Đốc, đời sống của bà con Ca Dong ở đây vô cùng khó khăn vì thiếu đất sản xuất, hằng tháng vẫn phải nhận gạo trợ cấp của Nhà nước để cứu đói…

“Để có đất sản xuất, bà con mình đi xa lắm. Đi qua mấy quả núi, cách làng đến chín, mười cây số đường rừng. Còn các công trình nước sinh hoạt thì hư hỏng hết không sử dụng được nữa, bà con lại phải uống nước suối, nước khe…”, ông Hồ Cao Quý, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã trải lòng.

Huyện Nam Trà My (Quảng Nam) có 4 xã chịu ảnh hưởng do việc thực hiện dự án thủy điện Sông Tranh 2, gồm: Trà Leng, Trà Dơn, Trà Mai và Trà Tập, trong đó chủ yếu là 2 xã Trà Dơn, Trà Leng. Sau khi đến ở tại các khu TĐC, không chỉ thiếu đất mà các thửa đất mới cấp còn xấu nên trồng lúa năng suất thấp khiến một số hộ rơi vào cảnh thiếu ăn trong mùa giáp hạt. Tình trạng thiếu đất sản xuất đã dẫn đến hậu quả người dân phải phá rừng để mưu sinh. Nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng đã xảy ra, nên tới cuối năm 2012, UBND tỉnh Quảng Nam đang phải làm thủ tục để chuyển đổi 750ha đất rừng, trong đó có 1 phần không nhỏ diện tích đất rừng phòng hộ sông Tranh để lấy đất sản xuất cho người dân.

Nghịch lý thủy điện đến, số hộ nghèo tăng lên    

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, vào tháng 5/2012, thủy điện A Lưới chính thức vận hành đã khiến 1.310 hộ dân sống trên địa bàn các xã như Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Quảng, Phú Vinh, Sơn Thủy và Nhâm được liệt kê vào danh sách “vùng lòng hồ thủy điện”. “Ở cũng khổ mà đi lại càng khổ hơn!”, đó là câu “cửa miệng” của đồng bào Pa Cô ở các xã miền núi của vùng sơn cước này mỗi khi nghe nhắc đến thủy điện A Lưới. Và có lẽ, chịu nỗi “thống khổ” lớn nhất do thủy điện A Lưới gây ra là gần 100 hộ dân ở các thôn Tầm Mú, Pật Đuh, Cần Nông, Pa Riêng (thuộc xã Hồng Quảng) khi nhà cửa, đất vườn của họ thường xuyên bị thủy điện làm ngập lụt cục bộ.

“Hậu quả lớn nhất mà thủy điện A Lưới gây ra cho xã là gia tăng số hộ nghèo khi có đến 71 hộ nghèo, chiếm 24% trên tổng số 400 hộ dân toàn xã”, ông Hồ Văn Ngực, cán bộ địa chính xã Hồng Quảng nói trong lo lắng.

Tương tự, đời sống của người dân tại các khu TĐC thủy điện ở Tây Nguyên cũng không hề “sáng sủa”. Để nhường chỗ cho công trình thủy điện Đồng Nai 3, đầu năm 2010, hơn 577 hộ dân của xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã phải rời nơi ở đến các khu TĐC.

Ông Klớ, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Plao cho biết: “Mặc dù theo quy hoạch, mỗi nhà được xây dựng trên diện tích 400m² đất ở, 600m²đất vườn và 1ha đất sản xuất, song đã gần 4 năm trôi qua, đến nay mới chỉ có 312/577 hộ được nhận đất sản xuất, trong đó có 141 hộ mới chỉ nhận được hơn 4.000m² nên diện mạo của khu TĐC chưa có nhiều thay đổi”.

Ông Phạm Đặng Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, Đắk Nông cho rằng, nguyên nhân dẫn đến 1/3 hộ dân vẫn chưa được cấp đất sản xuất là do chủ đầu tư thiếu nhiệt tình trong việc phối hợp với chính quyền địa phương kiểm kê, giải thửa, đền bù cho các hộ dân và các cơ quan có đất canh tác trong vùng TĐC trước đó. Khu TĐC có tổng cộng 432 căn nhà thì trong đó 2/3 nhà được xây dựng trên địa hình đồi dốc. Trong khi đó tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng tại khu TĐC Đắk Plao đã xảy ra trong nhiều năm qua. Khi đầu tư xây dựng khu TĐC, Ban Quản lý dự án Thủy điện 6 chỉ đầu tư xây dựng vỏn vẹn 3 giếng khoan với công suất 260m²/ngày đêm để cung cấp nước sinh hoạt. Nhưng kể từ khi xây dựng xong và bàn giao cho xã quản lý, đến nay chỉ có 2 giếng nước hoạt động một cách cầm chừng, lúc có lúc không.

Cũng lâm tình cảnh tương tự, hơn 10 năm về trước, hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã phải nhường đất, nhường nhà cho công trình thủy điện Buôn Kốp (do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư). Và cũng ngần ấy thời gian, hầu hết những hộ dân này phải sống vất vưởng, thiếu thốn đủ đường tại khu TĐC. Từ một thôn có cuộc sống khá sung túc, sau ngần ấy thời gian chuyển về khu TĐC, số hộ nghèo trong thôn đã tăng dần lên theo cấp số nhân.

“Chuyện cái ăn, cái mặc và làm gì để người dân bớt nghèo, bớt khổ sau khi chuyển đến khu TĐC đang làm đau đầu chính quyền địa phương. Những bất cập trên đã được chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên cấp trên để có biện pháp tháo gỡ nhưng chỉ nhận được câu trả lời… đã ghi nhận”, ông Hoàng Quang Tía, Chủ tịch UBND xã Ea Na cho biết.

Theo số liệu của UBND tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng TĐC tập trung thuộc các dự án thủy điện thuộc quy hoạch bậc thang hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn còn rất lớn. Trong đó, các khu TĐC thủy điện A Vương có 80,5% hộ nghèo, 6% hộ cận nghèo. Các khu TĐC thủy điện Đắc Mi có 93,3% hộ nghèo, còn lại là hộ cận nghèo. Nhiều năm qua, vẫn chưa có hộ dân TĐC nào của dự án thủy điện Đắc Mi thoát nghèo. Kết quả điều tra xã hội học của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam thực hiện cách đây chưa lâu, có đến 98,5% hộ dân tại các khu TĐC công trình thủy điện được hỏi cho rằng, diện tích đất sản xuất được cấp không đáp ứng nhu cầu sản xuất; 93,4% người dân thiếu lương thực vào thời điểm giáp hạt. Đánh giá về đời sống của mình, chỉ có 12,2% số hộ tự nhận ổn định, 42,9% nhìn nhận là tạm ổn định và có đến 43,9% lo lắng bởi đời sống bấp bênh.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, toàn vùng có 118 dự án thủy điện đã hoàn thành, 75 dự án đang thi công đã làm ảnh hưởng đến 25.300 hộ dân, trong đó 5.650 hộ phải di dời. Các thủy điện này cũng chiếm dụng 452ha đất ở, gần 23.000ha đất sản xuất và hơn 17.000ha rừng tự nhiên. Đi đầu trong việc chiếm dụng đất, gây xáo trộn đời sống người dân là các thủy điện Plei Krông, Buôn Tua Srah, Đồng Nai 3 và An Khê - Ka Nak.

Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: “Quan điểm của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên là kiên quyết loại bỏ các công trình, dự án thủy điện hiệu quả thấp, ảnh hưởng nhiều đến tài nguyên rừng, đất nông nghiệp và đời sống người dân”.

Vì thiếu đất sản xuất, nhiều hộ dân tái định cư  thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My, Quảng Nam) bỏ hoang nhà xây kiên cố để về rẫy cũ dựng nhà sinh sống.

Nhóm PVKTXH
.
.
.