Tái định cư thủy điện - Hành trình đằng đẵng tìm “an cư”

Nghịch lý nhà cao, đường to vẫn đói nghèo

Thứ Sáu, 26/12/2014, 10:08
“Nhà cao đường to mà không tổ chức được sản xuất vì dân mãi không thoát được đói nghèo” đó là tình trạng không hiếm thấy tại nhiều khu tái định cư thủy điện

Kể từ khi thủy điện Hòa Bình được khởi công vào năm 1979 cho đến nay, hàng trăm nghìn hộ dân trên toàn quốc phải hi sinh mảnh đất chôn nhau cắt rốn, di chuyển cả mồ mả cha ông để xây dựng cho đến nay là gần 500 công trình thủy điện. Trong hành trình 35 năm đó, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ để người dân tái định cư ổn định cuộc sống mới, vươn lên thoát nghèo với giấc mơ “tốt hơn nơi ở cũ”, nhưng đến tận bây giờ, dù đã trải qua vài ba thế hệ, nhiều hộ dân tái định cư vẫn phải sống khó khăn trên lòng hồ thủy điện; trong cảnh tù mù không điện lưới, không nước sạch, không đất canh tác.

Chuyên đề Tái định cư thuỷ điện – hành trình đằng đẵng tìm “an cư” sẽ phản ánh thực tế này, góp phần tìm những giải pháp căn cơ giải bài toán về kế sinh nhai cho người dân tái định cư thuỷ điện.

Từ những cơn “ngộ độc” tiền dai dẳng

Chúng tôi quay trở lại thủy điện Huội Quảng – Bản Chát (Than Uyên – Lai Châu) đúng vào ngày huyện tổ chức lễ phát động di dân tại bản Mè (xã Ta Da). 47 hộ dân tộc Khơ Mú sẽ di dời đến nơi ở mới để chuẩn bị cho việc tích nước thủy điện Huội Quảng. Chính ở khu vực này, vào tháng 6 vừa qua, người dân bất bình vì chưa hiểu chính sách tái định cư đã kéo lên Ban Quản lý dự án, trụ sở huyện, các cơ quan công sở... để phản đối. Sự việc kéo dài cả tháng mới chấm dứt, sau khi một số đối tượng kích động bị bắt, chính quyền tổ chức đối thoại với dân để giải thích thì đến nay mới tạm lắng.

Khi chúng tôi có mặt, cả bản đang hỗ trợ 2 trong số 20 hộ dân di dời đến hết năm 2014 này. Ngoài thanh niên, phụ nữ hò nhau bê gỗ, dỡ nhà... dưới suối, các bà các mẹ cũng khẩn trương mổ lợn làm cỗ. Dựng nhà xong còn phải mổ trâu. Tục lệ của người dân ở đây là vậy. Rất “nhanh nhạy” với thị trường, sương chỉ vừa tan đã thấy mấy hàng thịt lợn, hàng tạp hóa, quà vặt cho trẻ con xuất hiện, “tranh thủ” người dân còn tiền đền bù.

Người dân bản Mè đang dỡ nhà để phục vụ tích nước thủy điện Huội Quảng.

Cán bộ BQL dự án của huyện cho biết, không ít hộ dân còn nợ tiền “cắm sổ”, vì chỉ cần biết là được giải ngân, họ đã nô nức đi mua xe máy, tivi. Riêng điện thoại thì… phổ cập, mỗi người một cái. Nhiều hộ còn mua thịt, mua hàng chịu, cắm sổ lĩnh tiền ở chỗ người bán. Đến lúc giải ngân thì gọi người đó mang sổ đến, cùng lĩnh rồi trả nợ luôn.

Tình trạng này không hề xa lạ, hệt như khu tái định cư thủy điện Tuyên Quang (huyện Na Hang), hay các khu tái định cư khác mà chúng tôi đã có dịp đến. Cá biệt có hộ khi lĩnh được tiền, trả nợ đến hàng chục triệu tiền thịt. Mấy năm nay, chính sách đền bù tái định cư được vận dụng thoáng hơn, thay vì bố trí đất sản xuất, nếu người dân muốn có thể lĩnh tiền mặt và tự đi mua thửa đất mình muốn. Bởi vậy, tiền đền bù ngày càng nhiều. Cá biệt ở Than Uyên, có những hộ được đền bù tiền tỷ. Nhằm tránh tình trạng bà con “ngộ độc” tiền (như cách dùng từ của cán bộ ở đây), huyện đã thực hiện việc đưa cán bộ ngân hàng theo khi giải ngân, giải thích cho bà con về lãi suất, chế độ, để bà con gửi tiền vào ngân hàng, vừa tránh tiêu phí, lại tránh bị ăn trộm...

Trên nền đất sẽ là bản Mè mới, chúng tôi giật mình phát hiện cô bé chừng mươi tuổi mà chúng tôi đang chia kẹo có mái tóc ép. Trong túi em, chiếc điện thoại đang hát ì ồ một bài hát “tuổi teen” nào đấy có thể nghe thấy trên đường phố Hà Nội. Ban đầu, đến cả anh Nguyễn Văn Ngọc, Phó BQL dự án huyện, vẫn thường xuyên vào bản còn cười tôi mắt “quáng gà”, vì bản xa thế này, em bé thế kia không thể biết ép tóc như người thành phố được. Thế nhưng, đến khi gặp thêm một cậu nhóc tóc cạo, mái nhuộm đỏ hoe và một cô bé khác gật đầu xác nhận ép tóc, chúng tôi mới dám tin. “Văn minh” đến với người dân bản Mè nhanh một cách giật mình như vậy, khi mặt bằng bản mới còn chưa định hình, còn chưa có đường điện, đường nước. Vì vậy mà nỗi lo cho chặng đường dài trước mắt cũng trở nên nặng nề hơn.

“Thị xã tái định cư” Mường Lay.

Nhiều năm vẫn chưa “an cư lạc nghiệp”

Khác với bản Mè, người dân thị xã Mường Lay (Điện Biên) đã tái định cư  được 4, 5 năm. Là thị xã duy nhất tái định cư đô thị, tham vọng của Mường Lay là sẽ chuyển đổi nghề cho người dân sang phi nông nghiệp và dịch vụ.

Bởi chẳng còn tấc đất nào, nên cũng không còn cách nào khác. Nỗi lo sinh nhai của Mường Lay hiển hiện tới mức, ngồi trên chiếc xe khách chở lưa thưa vài người qua thị xã, một khách qua đường cũng phải thốt lên “chẳng còn miếng ruộng nào, dân biết làm gì”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Xuân Linh - Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết, tiếng là thị xã nhưng Mường Lay chỉ gồm 3 xã, thị trấn với khoảng 12.000 dân, tăng khá nhiều so với con số 9.000 khi mới thành lập. Theo ông Linh, Mường Lay hiện hầu như không có hộ nghèo, bởi tính thu nhập đầu người vẫn cao hơn mức chuẩn 500.000 đồng/tháng. Tỷ lệ đất bố trí được cho người dân rất thấp, chỉ khoảng 1.000 – 1.300m2/hộ, được một nửa so với hạn mức 2.000 – 2.500m2 mà Chính phủ quy định, phần lớn trong số này là đất bán ngập, chỉ canh tác được một vụ. Vừa qua, Mường Lay đã thí điểm trồng 2 vụ, hi vọng thêm thắt được chút lương thực, thì chỉ trước khi thu hoạch khoảng mươi ngày, EVN cho tích nước hồ, thế là ngập trắng mất hơn 10ha. 

Trao đổi với anh Lò Văn Thường, Trưởng bản Quan Chiêng mang lại cho chúng tôi nhiều trăn trở. Gia đình anh Thường có 2.000m2 đất bán ngập, trồng một vụ được 14, 15 bao thóc, chỉ đủ cho người, cho lợn gà ăn. Tiền tiêu phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá trên lòng hồ của anh. “Những năm đầu, có ngày kiếm hàng triệu. Bây giờ thì hết rồi, cá tôm cũng hết rồi” - anh Thường cho biết. Thì cả một thị xã hơn chục nghìn dân thiếu đất, đương nhiên không chỉ có anh Thường sống bằng con tôm con cá trên hồ. Người dân đã nghĩ đến nuôi cá lồng, nuôi tôm, đây cũng đã từng là giấc mơ của chính quyền Mường Lay và tỉnh Điện Biên, hi vọng đời sống người dân có thể đổi mới từ đây. Nhưng hồ thủy điện chỉ đầy nước có 6 tháng, cá tôm chưa kịp lớn hồ đã trơ sỏi, đi bộ qua được, lồng bè vỡ hết. Muốn chăn nuôi lợn gà thì đất chật, mỗi hộ có 300m2 nhà, cố cũng chỉ được vài con ăn vặt. Đầu tư nuôi trên rừng thì vốn phải lớn…

Chuyển đổi nghề thì Chính phủ hỗ trợ đào tạo qua 3 tháng, thêm 5 triệu đồng mua dụng cụ, chẳng đủ để học nghề gì, mua cái gì. Hướng dẫn dân trồng nấm rơm thì nấm chết, cũng có hộ thành công khi thí điểm, nhưng chưa thấy hộ nào ứng dụng vào kiếm sống, bởi nấm cũng chưa biết bán cho ai. Vài năm nữa, khi xây dựng cơ bản của cả khu vực Tây Bắc này xong xuôi, thì nghề làm thợ cũng thất thế. Đã có thời, người ta kỳ vọng vào du lịch lòng hồ, bởi mùa nước, thị xã sở hữu những hồ thủy điện tuyệt đẹp. Thế nhưng với 6 tháng mùa cạn, DN đăng ký đầu tư rồi cũng lặng lẽ rút lui. Cả Mường Lay quay quắt trong nỗi lo lắng cho tương lai, khi người thì tiếp tục sinh ra, mà đất đai, mà tôm cá thì ngày càng cạn kiệt, gạo hỗ trợ của Chính phủ cũng không còn nữa.

Trong buổi làm việc với ông Hoàng Văn Nhân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, ông đúc kết một câu nghe nhói lòng: “Nhà cao đường to mà không tổ chức được sản xuất vì dân mãi không thoát được đói nghèo”.

Tỷ lệ giao đất sản xuất cho người dân quá thấp so với yêu cầu

Theo báo cáo giám sát mới đây của Quốc hội về dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu – 2 trong số các dự án thủy điện lớn nhất cả nước, tồn tại lớn hơn cả là công tác giao đất nông, lâm nghiệp cho người dân. Đối với dự án thủy điện Sơn La, đến nay mới có 1.966 hộ được giao đất lâm nghiệp trên tổng số 18.726 hộ, đạt tỷ lệ rất thấp - gần 10,5%.

Tại Lai Châu, tỷ lệ này vỏn vẹn là con số 0 tròn trĩnh. Riêng Điện Biên thực hiện tốt hơn với 5.021/8.549 hộ, đạt tỷ lệ 58,7%. Đối với đất nông nghiệp, tỷ lệ sáng sủa hơn với Sơn La đạt 94,9%, Lai Châu đạt tới hơn 300%, nhưng Điện Biên lại chỉ đạt 16,4%. Tổng giá trị giải ngân của dự án hỗ trợ đất sản xuất cho người dân tái định cư ở cả 3 địa phương đều không đạt.

Đối với dự án thuỷ điện Lai Châu, tuy tiến độ xây dựng cơ bản đạt được kế hoạch, nhưng một lần nữa, việc di dân tái định cư lại bị chậm trễ. Tổng số hộ tái định cư là 1.925 hộ, nhưng mới hoàn thành di chuyển 1.386 hộ. Theo Quy hoạch chi tiết, tổng diện tích đất phải giao cho các hộ là 19.953ha, nhưng hiện Lai Châu mới giao được số lẻ là 963ha. 

Nhóm PV KTXH
.
.
.