Mở rộng đường 39B, tỉnh Thái Bình chậm tiến độ: “Tắc” thi công vì dân chưa thông

Chủ Nhật, 19/06/2016, 09:19
Dự kiến thông xe kỹ thuật cuối năm 2015 nhưng đã quá thời hạn tới nửa năm mà công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn bị ách tắc, hàng chục hộ dân vẫn gửi đơn tới các cơ quan chức năng.


Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường 39B do UBND tỉnh Thái Bình đầu tư xây dựng là dự án trọng điểm, khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh, tạo thuận lợi giao thương, đặc biệt là thông thương hàng hóa các huyện ven biển với cảng Diêm Điền, TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc…

Dự án triển khai từ năm 2009, dự kiến thông xe kỹ thuật cuối năm 2015. Nhưng đã quá thời hạn dự kiến tới nửa năm mà công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn bị ách tắc, hàng chục hộ dân vẫn gửi đơn tới các cơ quan chức năng.

Nộp thuế một đằng, đền bù một nẻo

Cho đến thời điểm này, dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường 39B đã triển khai thực hiện trên toàn tuyến gần 30km từ thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương đến thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Đoạn qua huyện Thái Thụy dài 15,6km đi qua 9 xã, thị trấn cũng đã làm gần xong. Đi trên con đường mới phẳng lì, rộng rãi, thỉnh thoảng người ta lại bắt gặp những đoạn đường như bị ai đó “bóp” lại, chỉ thi công được một bên đường. Đó là những đoạn đường nằm trên địa bàn 4 xã: Thái Thọ, Thái Thịnh, Thái Tân và Thái Xuyên.

Nằm trên trục đường 39B chạy qua, xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy hiện vẫn còn gần 20 hộ chưa bàn giao mặt bằng cho dự án như gia đình ông Nguyễn Văn Hướng, Phạm Văn Tuấn, Lê Văn Tý... 

Lý do mà hầu hết các hộ dân đưa ra vẫn là việc họ chưa thống nhất với phương án GPMB của chính quyền địa phương. Phản ảnh với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Văn Hướng, thôn Độc Lập, xã Thái Thọ cho biết: Mảnh đất mà 4 anh em ruột ông Hướng đang sử dụng có diện tích tương ứng lần lượt là 175,9m²; 157,8m², 164,3m² và 173,3m². 

Năm 1997, bà Phạm Thị Min là mẹ ông Hướng mua 1 thửa đất ở với diện tích 152m², giáp lưu đường 39B. Quá trình sử dụng đất, qua thanh tra diện rộng năm 1998, UBND xã Thái Thọ xác định bà Min lấn chiếm đất và phải nộp tiền để sử dụng đất. 

Sau khi nộp đủ tiền theo quy định của UBND xã Thái Thọ, bà đã chia lô mảnh đất cho 4 người con ruột sử dụng trong đó có ông Nguyễn Văn Hướng. Tháng 4-2011, Ban GPMB xã Thái Thọ và huyện Thái Thụy đã tiến hành đo đạc và kiểm đếm diện tích đất thu hồi phục vụ dự án cải tạo, nâng cấp và mở rộng đường 39B, trong đó diện tích đất thu hồi của 4 anh em ông Hướng lần lượt là 45,4m², 43,2m², 45,4m² và 48,8m². Tuy nhiên, 4 gia đình chỉ được nhận được tiền đền bù tài sản trên đất mà không có tiền đền bù diện tích đất bị thu hồi.

Phản ánh tới Báo CAND, gia đình ông Hướng cho rằng, UBND xã đã thu tiền sử dụng đất thì khi thu hồi họ phải được đền bù đất chứ không chỉ là đền bù tài sản trên đất như phương án đã được xác lập. Thắc mắc của gia đình ông Hướng cũng tương tự như nhiều gia đình khác nằm trong diện GPMB phục vụ thi công đường 39B.

Nhiều hộ dân tại xã Thái Thọ chưa thống nhất với phương án giải phóng mặt bằng của chính quyền địa phương.

Dân chưa thông vì cái…“lưu đường”

Đoạn đường trước cửa ngôi nhà cấp 4 của ông Vũ Đức Sơ, ông Đỗ Văn Tân, Vũ Cao Hương ở thôn Đông Thịnh, xã Thái Thịnh nham nhở vì mới được làm một nửa phía bên kia. Phía bên này, chỉ nhìn những tấm biển treo lủng lẳng trên cây si trước cửa nhà ghi “đất chưa được đền bù” thì ai cũng hiểu cả. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4, ông Vũ Đức Sơ cho biết:

“Diện tích đất tôi đang sử dụng là 192m² mua từ năm 2003 gồm 2 lô liền kề của ông Phạm Ngọc Đỏ và ông Vũ Thanh Hồng. Gia đình tôi đã thực hiện chuyển nhượng đúng với thủ tục Nhà nước và đã hoàn tất các thủ tục cũng như nộp thuế đất đầy đủ. Tuy nhiên, Quyết định số 2105/QĐ-UBND huyện Thái Thịnh về việc thu hồi đất để GPMB giao đất lại nêu rõ là thu hồi 26,3m² đất, trong đó đất sử dụng hợp pháp là 1,3m² và đất sử dụng không hợp pháp là 25m²”. 

Ông Sơ tính diện tích đất bị thu hồi là 88,88m² và khẳng định ông sử dụng đất hợp pháp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ có mâu thuẫn này là do mâu thuẫn trong các văn bản mang tính pháp lý trên chính một mảnh đất. 

Ông Sơ cung cấp các biên lai nộp thuế đất và biên bản xác minh hiện trạng sử dụng đất năm 2003 của UBND xã có ghi: “Phía Bắc giáp đường 39B”. Tuy nhiên, tại Quyết định giao đất làm nhà ở của UBND huyện Thái Thụy cho ông Vũ Xuân Hồng và Phạm Ngọc Đỏ năm 1995 thì ghi rõ: “Giáp đường 39B, cách tâm 13m”. Ông Sơ lấy biên bản xác minh hiện trạng sử dụng đất năm 2003 để khiếu nại.

Không chỉ riêng hộ nhà ông Sơ ở xã Thái Thịnh thắc mắc về “tâm tuyến đường, một số hộ dân khác ở xã Thái Thọ cũng phản ánh bức xúc về “lưu đường”, bởi họ cho rằng tại các biên bản bàn giao đất có ghi ranh giới giáp “lưu đường 39B”. 

Theo người dân, giáp lưu đường 39B là “giáp mép đường đá hiện tại” – nghĩa là đất của họ phải được tính từ mép đường cũ, không có diện tích lưu không. Bởi vậy, họ phải được đền bù diện tích tính từ mép đường cũ. Về vấn đề này, UBND huyện Thái Thụy đã có Công văn số 723/UBND-TTQĐ ngày 30-8-2014 xin ý kiến Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Bình. 

Sở Giao thông Vận tải khẳng định, Quyết định số 673/QĐ-UB ngày 30-11-1993 của UBND tỉnh quy định bổ sung bề rộng mặt đường và lưu không các công trình thủy lợi. “Lưu không đường được cán bộ giao thông, thủy lợi, địa chính các xã sử dụng khi ghi biên bản giao đất cho các hộ dân bên đường giao thông. Lưu không đường là phần đất hành lang bảo vệ các công trình đường bộ mà trên phần đất này không thực hiện giao quyền sử dụng đất cho các hộ và nghiêm cấm xây dựng nhà cửa, lều quán, kho tàng, công trình. 

“Về cụm từ “lưu đường 39B” là do sơ suất hoặc viết tắt của cán bộ khi viết biên bản thực hiện giao đất cho các hộ, lưu đường 39B thực chất dùng để chỉ hành lang bảo vệ đường 39B” – công văn trả lời của Sở Giao thông Vận tải Thái Bình nêu.

“Lưu đường 39B” chính là cụm từ gây tranh cãi, không thống nhất giữa người dân và người thực thi nhiệm vụ GPMB khiến cho một số hộ dân phản ứng, bức xúc vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi. Ngay khi biết tin phóng viên Báo CAND có mặt tại địa phương để tìm hiểu vấn đề này, hàng chục người dân đã tập hợp cùng phản ánh và đề nghị được giải quyết quyền lợi. Vậy những thắc mắc của người dân đã được giải quyết ra sao?

Việt Hà - Nguyễn Hương
.
.
.