Bài 1: Nỗi đau người lính thời hậu chiến
- Tập trung giải quyết chính sách người có công với cách mạng thuộc lực lượng Công an
- Tăng cường hướng dẫn giải quyết chính sách người có công
- Vẫn còn sự máy móc trong vận dụng chính sách người có công
Năm 2017, cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Năm 2017 cũng là năm Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quyết tâm sẽ giải quyết tồn đọng hơn 5.000 hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thương binh, liệt sỹ đang nằm trong… ngăn tủ.
Hàng nghìn cựu chiến binh vẫn chưa được hưởng ưu đãi, cuộc sống vẫn vô cùng vất vả, thiếu thốn. Thậm chí, ôm hồ sơ đi đề nghị, họ lại phải ôm về trong bất lực vì thiếu giấy nọ, giấy kia… Lúc ra trận, không ai nghĩ đến hưởng chế độ sau này, nhưng sau chiến tranh, họ cần phải được đãi ngộ xứng đáng. Làm thế nào để những người đã cống hiến xương máu vì độc lập không bị thiệt thòi?
Ông Đào Hồng Chương vẫn mòn mỏi chờ được hưởng chế độ thương binh. |
Chúng tôi tìm về tỉnh Thái Bình, nơi hồ sơ đề nghị hưởng chế độ bị tồn đọng nhiều nhất trên cả nước. Ở đó, vẫn có những giọt nước mắt ngậm ngùi của người cựu chiến binh già. Vẫn có nỗi đau hiển hiện trên thân thể những đứa con thân yêu của những người lính…
Mòn mỏi chờ chế độ
Ngôi nhà của ông Đào Hồng Chương nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ, gọn gàng nằm ven thông Đồng Tỉnh, xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Nhà có 5 người, nhưng giờ này chỉ mỗi ông ở nhà chuẩn bị cơm nước cho cậu con út. Suốt thời gian vừa qua, vợ chồng ông phải chia nhau chăm sóc cô con gái thứ 2 bị ung thư xương điều trị tại Bệnh viện K Trung ương.
Nhắc đến con gái, mắt ông rưng rưng, giọng nói đầy hoang mang: “Cháu bị cắt một bên chân rồi. Mấy hôm nay cháu yếu lắm!”.
Chẳng biết trong cơ thể ông có dính chút gì của chất độc hóa học trong chiến tranh hay không, nhưng cả nhà chẳng ai bị ung thư, giờ con gái lại mắc. Thế nên, ông càng lo hơn cho sức khỏe cô con gái lớn và cậu út. Lần giở tập giấy tờ đã nhuốm màu thời gian, người lính đầy vẻ khắc khổ ấy đưa chúng tôi trở về những ngày cả nước dồn sức chiến đấu bảo vệ biên cương.
Ông Chương trầm ngâm hồi tưởng: “Sau khi được đào tạo tại Trường Hạ sỹ quan thông tin, tỉnh Hà Nam, tháng 3-1983, tôi lên đường tham gia nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Tôi thuộc quân số của Đại đội 20, Trung đoàn 156, Sư đoàn 339 (cũ) nay là Trung đoàn 8, Sư đoàn 8. Tháng 5-1983, khi đang trên đường hành quân, do bị phục kích, mảnh đạn B40 văng vào ngực phải khiến tôi bị thương và phải điều trị tại Viện Quân y Trung đoàn 8 ở Phnôm Pênh. Lần thứ 2, một mảnh đạn cối văng vào đầu gối và mắt cá chân trái của tôi khi đang hành quân tại Bát Tam Bang vào mùa khô năm 1984-1985. Sau khi bị thương, tôi được đưa đến điều trị tại Viện Quân y Bua Sáp, Campuchia”.
Tháng 12-1988, đơn vị ông rút quân về nước và đóng tại thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Tháng 12-1990, đơn vị giải tán, ông Chương phục viên và trở về địa phương mang theo 2 mảnh đạn ở ngực trái và đầu gối chân phải. Hiện nay, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương ở ngực và ở đầu gối lại tái phát đau nhức.
“Có những lúc tôi ho cả ra máu. Đi khám chiếu chụp phim thì mảnh đạn găm trong ngực gần cuống phổi vẫn còn. Còn ở đầu gối, chỉ lấy tay sờ là thấy mảnh đạn”, ông Chương kể.
Tờ giấy xác nhận của Thủ trưởng Trung đoàn 8 do Trung tá Trần Lam ký ngày 24-12-1995 cũng ghi rõ “trong thời gian chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Campuchia bị thương nhưng chưa được đi giám định thương tật vì lý do đơn vị giải tán”.
Được sự hướng dẫn của chính quyền xã, thời gian gần đây, ông Đào Hồng Chương cùng 4 cựu binh khác trong xã đã làm hồ sơ đề nghị xác nhận chế độ thương binh chỉ mong phần nào xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến cũng như sự công nhận xứng đáng dành cho những hy sinh, mất mát của ông.
Thế nhưng, “chỉ vì sự không rõ ràng số phiên hiệu quân nhân” - (ông Đào Hồng Chương - PV) mà đến nay hồ sơ xác nhận của ông Đào Hồng Chương vẫn chưa được giải quyết.
“Lần đầu tiên, tôi làm hồ sơ xác nhận chế độ thương binh là năm 2014. Sau đó hồ sơ bị trả lại. Cuối năm 2016, xã có gọi tôi lên bảo làm hồ sơ theo Thông tư 28 tức là diện mất giấy tờ nhưng tôi có bị mất giấy tờ đâu. Tất cả giấy tờ tôi có đầy đủ, chỉ có số hiệu quân nhân bị mờ nên không rõ 82 hay 83 thôi”, vừa cầm tập hồ sơ, ông Đào Hồng Chương, thôn Đồng Tỉnh, xã Thái Dương, huyện Thái Thụy vừa kể lại sự việc với PV Báo CAND.
Và, chỉ vài ngày sau khi gặp ông tại nhà, chúng tôi nhận được tin từ ông Đinh Văn Quang, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Thái Dương, cô con gái thứ 2 bị ung thư của ông đã mất. Người thương binh ấy đã để lại một phần sức khỏe nơi chiến trường, giờ lại đau đớn mất đi một phần máu thịt.
Đối với ông và cả gia đình, có lẽ niềm an ủi và mong chờ hơn cả là ông được nhà nước công nhận chế độ thương binh, vừa để động viên tinh thần, vừa giúp ông bớt đi phần nào thiệt thòi.
Những ước nguyện cuối đời
Chúng tôi đã làm việc với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và được biết, đơn vị đang hướng dẫn ông Chương làm lại hồ sơ từ đầu.
Thật trớ trêu, câu nói đùa mà thật: “Mọi người bảo tôi đi phẫu thuật bỏ mảnh đạn ở chân và ngực đi, đề phòng nguy hiểm. Nhưng tôi bảo, cứ để đấy làm kỷ niệm. Nhưng mà cũng may, còn mảnh đạn mới có bằng chứng để đề nghị xác nhận thương binh, chứ nhiều người khác không còn gì trên cơ thể thì lấy gì chứng minh?”.
Lời tâm sự của ông như một nỗi đau mong sẽ chạm đến những người làm chính sách ngày hôm nay. Còn rất nhiều, rất nhiều những trường hợp khác rơi vào hoàn cảnh ấy.
Trong nhiều năm qua, Ban Pháp luật Bạn đọc của Báo CAND cũng đã tiếp nhận và tìm hiểu nhiều trường hợp đề nghị giúp đỡ giải quyết chính sách thương binh hoặc truy tặng liệt sỹ. Nhiều trường hợp dù cố gắng, nhưng chúng tôi không thể đáp ứng nguyện vọng của họ bởi vướng mắc từ nhiều phía.
Năm 2015, bà Nguyễn Thị Chiến ở thôn An Tập, xã An Mỹ tìm đến tòa soạn Báo CAND. Bà không kìm được cơn xúc động, kể lại câu chuyện của anh trai là ông Nguyễn Văn Thuật trong nước mắt nhạt nhòa.
Bà Nguyễn Thị Chiến cầm đơn đi gõ cửa cơ quan chức năng đề nghị công nhận liệt sỹ cho anh trai. |
Nhiều năm trước, ông Nguyễn Minh Thường là em trai ông Thuật lặn lội cầm đơn đi gõ cửa các cơ quan chức năng xin chứng nhận liệt sỹ cho anh. Đến khi ông Thường bị tai biến, bà Chiến là em út lại thay anh cầm đơn đi kêu.
Theo lời kể của bà Chiến, ông Thuật, SN 1933, đi kháng chiến chống Pháp tháng 3-1951, vào đơn vị C5, D10, F320. Lá thư cuối cùng gia đình nhận của ông Thuật là vào tháng 2-1954 rồi bặt tin.
Sau đó gia đình gửi đơn lên Bộ Quốc phòng và Sư đoàn 320 thì được trả lời bằng một giấy báo quân nhân “mất tích”, cấp cho gia đình 76,86 đồng cùng bằng Gia đình vẻ vang. Gia đình bà Chiến vẫn còn giữ một số giấy tờ gốc, nhưng sau nhiều lần đề nghị, đến nhiều cấp có thẩm quyền, câu trả lời cho đề nghị xác nhận liệt sỹ vẫn còn bỏ ngỏ.
“Ông anh tôi (ông Thường) chỉ mong trước khi nhắm mắt, anh Thuật được công nhận liệt sỹ. Còn tôi, giờ cũng 70 tuổi rồi, biết theo đuổi đến bao giờ để thực hiện ý nguyện của anh và cũng để tìm lại danh phận cho người anh đã mất”.
Nỗi đau hậu chiến vẫn hiển hiện ở nhiều nơi trên đất nước này. Mỗi trường hợp lại có một hoàn cảnh khác nhau, vướng mắc khác nhau. Những cán bộ giải quyết chế độ, vinh danh những người có công với cách mạng vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Cho đến tận bây giờ, hậu quả của chiến tranh vẫn chưa dừng lại.
Thượng tá Trần Văn Thương, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cho biết, dù biết nhiều trường hợp cựu chiến binh có tham gia chiến đấu và bị thương, có người hi sinh, nhưng do bị mất toàn bộ giấy tờ, hoặc trường hợp đơn vị giải tán, không còn lưu hồ sơ nên khó khăn làm thủ tục đề nghị hưởng chế độ. |
Ông Đào Hồng Chương vẫn mòn mỏi chờ được hưởng chế độ thương binh.