"Nhà báo dỏm" được cấp giấy giới thiệu đi hù dọa để bán báo và làm quảng cáo

Thứ Năm, 14/07/2016, 10:42
Khó tin, nhưng hoàn toàn có thật, không chỉ dư luận mà tại Đà Nẵng nhiều nạn nhân, doanh nghiệp đã từng bị “nhà báo” dỏm này hù dọa, vòi tiền và lừa đảo đã không khỏi bức xúc. Đó là trường hợp của đối tượng Nguyễn Hải Thành (48 tuổi, trú phường Bình Thuận, quận Hải Châu, TP  Đà Nẵng).

 


Cơ quan điều tra vào cuộc lật tẩy "nhà báo dỏm"

Ngày 14-7, Cơ quan CSĐT Công an Công an quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) cho biết, đối tượng  Nguyễn Hải Thành và vụ việc mạo xưng nhà báo có dấu hiệu lừa đảo xảy ra trên địa bàn quận Liên Chiểu hiện đã được Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận để xử lý. Công an TP Đà Nẵng cũng đang phối hợp với phòng Quản lí báo chí Xuất bản sở TT&TT Đà Nẵng cung cấp hồ sơ cho Cục Báo chí- Bộ Thông tin Truyền thông xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 22-6, đối tượng Nguyễn Hải Thành đã đến “làm việc” tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), tại đây Thành có xô xát, cãi vã với một người khác, vì nguyên cớ người này tố giác Thành lừa đảo, quỵt nợ 20 triệu đồng. Sự việc đã gây ồn ào tại trụ sở của Ủy ban nên lãnh đạo UBND Hòa Khánh Nam mời lực lượng Công an đến giải quyết.

Tại cơ quan CSĐT, trong lúc bị tố giác là “kẻ lừa đảo, gạt tiền”, đối tượng Thành lại tỏ ra “không phải dạng vừa”. Thành tự xưng là nhà báo, quen biết rất nhiều lãnh đạo X, Y, Z, và là phóng viên của Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại (DN&TT) Việt Nam đang đi “tác nghiệp”. Nhưng khi các điều tra viên yêu cầu Thành cung cấp thẻ nhà báo, “giấy giới thiệu phóng viên” đã phát hiện điểm đáng ngờ: Thành không có thẻ nhà báo, còn thời hạn cấp giấy giới thiệu lên đến 1 năm. 

Khi liên hệ với Tạp chí DN&TT thì ở đây thừa nhận có cấp cho “phóng viên Nguyễn Hải Thành”. Tiếp tục liên hệ với ông Lê Trường Sơn (theo giấy giới thiệu cấp cho phóng viên Thành đề là “Tổng biên tập” (thực chất ông Sơn chỉ là Phó TBT Tạp chí DN&TT - PV), lại nhận được một cuộc hẹn sẽ vào Đà Nẵng làm việc, sau đó PhóTBT Sơn tiếp tục thông báo là “không vào được”.

Qua kết quả điều tra, xác minh ban đầu, nhận thấy “nhà báo” Thành có nhiều bất thường và khuất tất, Công an quận Liên Chiểu đã báo cho cơ quan chức năng để giải quyết theo thẩm quyền.

Giấy giới thiệu của ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng biên tập (Phó TBT) Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại  cấp cho “phóng viên dỏm” Nguyễn Hải Thành.

Chân dung kẻ "khoác danh" 

Ngay sau vụ việc xảy ra, và khi Công quan quận Liên Chiểu phối hợp với Cơ quan CSĐT, Sở TT&TT TP Đà Nẵng vào cuộc điều tra làm rõ, chân dung  thật sự của “nhà báo” Nguyễn Hải Thành đã bị vạch trần. 

Nguyễn Hải Thành tuy hộ khẩu tại phường Bình Thuận, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, đã có 1 vợ và 2 con, nhưng sống kiểu nay đây mai đó. Ngay tại phường này, Thành và “kịch bản vụng” của ông ta đã từng bị lực lượng Công an phường vạch mặt. Vào năm 1997 bỗng nhiên Thành báo cáo khẩn cấp lên Công an phường rằng gia đình bị mất trộm nhiều tài sản có giá trị. Ngay khi Công an vào cuộc điều tra, thì chính Thành lại là tác giả dựng lên "vụ trộm". Sau vụ việc, Thành được đưa đi giáo dưỡng theo quy định. Rồi chỉ sau đó một thời gian ngắn, Thành lại tiếp tục chịu án phạt tù 12 tháng về hành vi cố ý gây thương tích.

 Mãn hạn, trở về địa phương một thời gian sau đó, bỗng nhiên Thành tự nhận danh xưng “nhà báo”. Đã có rất nhiều trường hợp phản ánh, “nhà báo” Thành vào các cơ quan ban ngành thị uy để ép mua báo, làm quảng cáo… Qua xác minh, được biết do quen biết và mau mồm miệng nên Thành xin được chân Cộng tác viên (CTV) cho một số Tạp chí và tờ báo chưa có văn phòng đại diện, hoặc phóng viên thường trú tại Đà Nẵng. Lợi dụng vai trò CTV và cầm trong tay tờ giấy giới thiệu của một số tạp chí, tờ báo này, Thành đã đi khắp nơi,  tự xưng nhà báo, để  thị uy làm quảng cáo hoặc vòi vĩnh "các đối tác"... Địa bàn hoạt động của Thành không chỉ riêng tại Đà Nẵng, mà theo thông tin của Cơ quan điều tra tiếp nhận được, thì một số địa phương như tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thành cũng “tác nghiệp” với tình trạng tương tự.

 Đáng nói, từ năm 2005 đến năm 2011, Nguyễn Hải Thành được Báo Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL) nhận vào làm cộng tác viên chuyên khai thác quảng cáo. Thành đã ký một số hợp đồng Báo Xuân Nhâm Thìn cho Báo ĐS&PL, ký hợp đồng với một số đơn vị nhưng sau đó Thành đến lấy tiền mặt rồi…xù luôn. Sau đó, Báo ĐS&PL không cho làm nữa thì Thành “nhảy” qua làm CTV cho một số tờ báo khác.

Đi đâu Thành cũng “nổ” chạy được việc, quen biết nhiều nên dễ dàng xử lý một số sự cố. Trong đó, vào tháng 1-2013, thông qua người thân, chị Phạm Thị Q. Ch (trú phường Bình Thuận, Q. Hải Châu- tốt nghiệp sư phạm ngành âm nhạc) gặp Thành, nghe Thành nói rằng ở quận Liên Chiểu ưu tiên cho một "suất giáo viên". Tưởng thật, chị Q. Ch. đã nhờ Thành xin vào làm giáo viên âm nhạc. Lúc đầu, Thành nói mất 30 triệu đồng nhưng nói thấy khó khăn nên lấy 20 triệu đồng để “lo việc”. 

Ngày 15-1-2013, chị Ch. giao cho Thành 10 triệu đồng và đến ngày 7-2-2013, Thành yêu cầu giao tiếp 10 triệu đồng còn lại. Thành viết giấy vay tiền có nội dung: vay 20 triệu đồng, hoàn trả vào ngày 14-4-2013. Chờ mãi đến tháng 5-2013, vẫn chưa thấy ai gọi đi dạy, chị Q.Ch. điện thoại hỏi nhưng không liên lạc được. Nghi ngờ bị Thành lừa đảo, chị Ch. đã làm đơn tố giác gửi Công an phường Bình Thuận (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhờ can thiệp.

Tại cơ quan Công an, Thành không thừa nhận đây là khoản tiền nhận chạy việc mà cho rằng đây là khoản vay bình thường đồng thời hứa sẽ trả mỗi tháng từ 3 đến 4 triệu đồng. Nhưng theo lời chị Q.Ch hiện giờ vẫn chỉ là… lời hứa.

Ảnh minh họa: Sự dễ dãi, sai phạm trong việc phát hành thẻ phóng viên và giấy giới thiệu cho CTV đã “gián tiếp” tạo cơ hội cho những “Nhà báo dỏm” lợi dụng để mượn danh hù dọa, lừa đảo doanh nghiệp và người dân.

Trở lại vụ “lùm xùm, bị đòi nợ 20 triệu đồng” của Thành ngay tại UBND phường Hòa Khánh Nam vào ngày 22-6 vừa qua, nạn nhân ông Đặng Văn Chanh (40 tuổi, trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đã tố cáo: Khoảng năm 2012, gia đình ông Chanh giải tỏa, có một lô đền bù theo quy định. Tình cờ, Thành biết được nguyện vọng của gia đình ông Chanh muốn đổi lô đơn thành lô gốc để tiện cho việc xây dựng và kinh doanh sau này. Ngay lập tức, Thành tìm đến và nổ có quen biết với Ban Giải tỏa đền bù và có thể “can thiệp giúp” cho một suất lô gốc hai mặt tiền, với giá phải chi cho Thành 60 triệu đồng để “quan hệ”. Tin lời,  ông Chanh ứng trước cho Thành trước 20 triệu đồng, chờ khi đổi được thì đưa tiếp số tiền còn lại.

Thế nhưng, chờ đợi nhiều tháng nay vẫn chưa có kết quả, sốt ruột xuống Ban giải tỏa đền bù hỏi thì ông Chanh nhận được câu trả lời là: Họ cho biết và không thể đổi được. Biết bị lừa, ông Chanh đã nhiều lần điện thoại, tìm gặp Thành để đòi tiền. Nhưng không những không chịu trả cho nạn nhân, nhiều lần Thành còn hù dọa, cho người xua đuổi ông Chanh mỗi khi ông đến nhà đòi tiền. Cho đến khi tình cờ bị ông Chanh bắt gặp tại UBND phường Hòa Khánh Nam. Bi hài ở chỗ, khi gặp ông Chanh, sợ bị đòi tiền, Thành đã chạy vào trốn trong trụ sở phường rồi lu loa lên... Buộc ông Chanh phải gửi đơn tố cáo về hành vi lừa đảo của Thành đến cơ quan chức năng...

Hiện phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an TP. Đà Nẵng đã phối hợp với phòng Quản lí báo chí Xuất bản sở TT&TT Đà Nẵng cung cấp hồ sơ về "nhà báo dỏm" Thành cho Cục Báo chí- Bộ Thông tin Truyền thông xử lý theo quy định.


Hoài Thu- Trí Công
.
.
.