Trái ngọt từ can thiệp hỗ trợ sinh sản hiện đại

Thứ Ba, 31/05/2022, 08:10

Hàng nghìn cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đã từng thất vọng, đau khổ nhiều năm trên hành trình tìm con cuối cùng đã có được những đứa con yêu của chính mình bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản tiên tiến trên thế giới. Bằng các kỹ thuật hiện đại, vô sinh, hiếm muộn đã không còn là căn bệnh “tuyệt vọng” với nhiều người.

Đặc biệt, những loại vô sinh khó như nam giới bị vô tinh (không có tinh trùng), giờ đã có phương pháp phẫu thuật Micro TESE - vi phẫu tìm tinh trùng trong tinh hoàn, sau đó thụ tinh với trứng của vợ, sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

Hạnh phúc làm cha ở tuổi 47

Chúng tôi gặp vợ chồng anh Trần Khắc Đạt (SN 1974, thị trấn Đoan Hùng, Phú Thọ) và chị Tống Thị Thu Hà (SN 1981) tại Hội thảo tổng kết “Tuần lễ Vàng Uơm mầm hạnh phúc 2022” và kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức sáng 29/5. Bế con gái xinh xắn trên tay, anh Đạt cười tươi nói:“ Hạnh phúc này khó tả lắm vì 47 tuổi tôi mới được làm cha”. 

Anh Đạt chia sẻ, trước khi đến với chị Hà, cả hai đều đã qua một lần đò. Cuộc hôn nhân đầu của anh cách đây hơn 20 năm. Khi vợ mang thai 6 tháng, anh mắc quai bị dẫn đến biến chứng viêm tinh hoàn. Đi khám bác sĩ chẩn đoán anh bị vô tinh – không có tinh trùng trong tinh dịch. Cuộc hôn nhân đổ vỡ sau đó không bao lâu, anh mang mặc cảm, tự ti định sống nốt phần đời còn lại một mình. Nhiều năm sau, khi anh gặp chị Hà lúc ấy là cô giáo tiểu học, chị đã có con riêng 13 tuổi, họ quyết định kết hôn. “Khi ấy, chúng tôi đều chung ý định chỉ sống dựa vào nhau vì nghĩ rằng mình không bao giờ có con được”, anh Đạt kể.

chị thu hà - anh khắc đạt (phú thọ) hạnh phúc bên cô con gái nhỏ sinh ra nhờ ttton.jpg -0
Niềm hạnh phúc của anh Trần Khắc Đạt và chị Tống Thị Thu Hà bên con gái yêu sau nhiều năm hiếm muộn.

Nhưng biến cố bất ngờ xảy ra, năm 2016 họ kết hôn thì 1 năm sau, mắt của con gái chị Hà bỗng dưng bị mờ. Đưa con đi khám mới phát hiện cháu bị u não giai đoạn muộn và cháu đã mất không lâu sau đó. Cú sốc khiến chị Hà suy sụp, đau khổ, nhiều năm sau mới vượt được qua.

Nhớ lại những tháng ngày đó, chị kể: “Cuộc sống lủi thủi chỉ còn hai vợ chồng. Tình cờ tôi đọc được nhiều bài báo viết về những cặp vợ chồng hiếm muộn đi thụ tinh tại Bệnh viện Nam học và đã tìm được đứa con của chính mình. Ý muốn có con cứ thôi thúc, tôi nói với chồng nhưng anh không tự tin. Thường ngày anh đã sống rất khép kín, nên tôi hoàn toàn chủ động đưa chồng đến viện. Hành trình đó rất gian nan. Chúng tôi xác định nếu lần này không thành công thì sẽ xin tinh trùng để có mụn con”, chị Hà chia sẻ.

Anh Đạt được ThS.BS Đinh Hữu Việt - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trực tiếp thăm khám. “Mừng nhất khi BS Việt nói tôi còn khả năng làm cha bằng phương pháp mổ Micro TESE - vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng. Lên bàn mổ, tôi run lắm vì cùng mổ sáng hôm đó có ca bên cạnh không tìm được “tinh binh” nào. Lúc đầu chưa tìm thấy, tôi chỉ muốn khóc, nhưng khi BS Việt bảo có rồi, 1,2,3…19 con, tôi khóc ngay trên bàn mổ”, anh Đạt xúc động kể.

BS Việt đã lần tìm từng “con giống” ẩn sâu bên trong tinh hoàn và đã tìm được 19 con tinh trùng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cho chị Hà. Sau khi sàng lọc, chỉ có 10 con khỏe mạnh, bệnh viện đã tạo được 10 phôi cho vợ chồng họ. Lần đầu đặt phôi, chị Hà đã “trúng số” được thai đôi. “7 ngày vợ thử đã thấy 2 vạch mờ, tôi không tin là sự thật, cứ nghĩ đây là mơ thôi”, anh Đạt vui vẻ kể.

Do lớn tuổi nên chị Hà mang thai rất vất vả. Tuần thứ 7 thì hỏng mất 1 cháu. Sau 9 tháng thai nghén, ngày 28/6/2020, bé Trần Ngọc Phương Diễm chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của cha mẹ. “Nghe con khóc ở phòng hộ sinh mà bố cứ chạy quanh chỉ muốn tiến vào bế con. Lúc nhìn thấy con, nắm tay vợ thật chặt, tôi mới tin mình có con thật rồi”, anh Đạt bồi hồi kể lại.

Thắp lên bao hy vọng

Nam giới vô sinh do mắc hội chứng Klinefelter (một rối loạn di truyền ở nam giới, dẫn đến tình trạng vô tinh không do tắc nghẽn) khá phổ biến (chiếm khoảng 3%) và thường được xếp vào những “ca khó” trong can thiệp hỗ trợ sinh sản và nam khoa. Có người phải xin con nuôi, hoặc xin “con giống” từ ngân hàng tinh trùng.

Theo BS Việt, với những trường hợp vô sinh này, phương pháp vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng Micro TESE gần như là phương pháp duy nhất để tìm tinh trùng và sử dụng tinh trùng ấy để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của người vợ. Có thể hình dung đây là phương pháp can thiệp sâu để bác sĩ “bới” toàn bộ tinh hoàn để “bắt” từng con tinh trùng. Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã thực hiện phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng cho 150 bệnh nhân Klinefelter, tỷ lệ tìm thấy tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm là 51,3%; có khoảng 30 em bé khoẻ mạnh đã chào đời. Do đó, bệnh nhân Klinefelter hoàn toàn có hy vọng có con nhờ phương pháp Micro TESE, mở ra rất nhiều hy vọng cho các ông bố “vô tinh”.

Tại hội thảo, chúng tôi còn gặp hàng trăm cặp vợ chồng vô sinh từng điều trị hiếm muộn tại bệnh viện đã có được “trái ngọt” là những đứa con khỏe mạnh. Điển hình là vợ chồng chị Phạm Thị Bích  - anh Nguyễn Quốc Hưng (Lai Châu) phải mất 13 năm ròng “tìm con” với rất nhiều trăn trở đã có 1 bé gái kháu khỉnh. Hay gia đình chị Nguyễn Thị Huệ - anh Hà Khánh Cương (Thái Nguyên) đều mang gen Thalassemia đã sinh được con khỏe mạnh, không mắc bệnh di truyền của bố mẹ.

Đặc biệt hơn là vợ chồng anh Nguyễn Văn Tám – Nguyễn Thị Lan (Phú Thọ) hiếm muộn 18 năm do chị Lan tắc vòi trứng, chồng tinh trùng yếu đã sinh được bé gái đáng yêu vào tháng 10/2021. Ngoài ra, còn hàng chục cặp vợ chồng vô sinh nghèo không có tiền điều trị, đã được bệnh viện miễn phí toàn bộ thụ tinh trong ống nghiệm, nhiều người trong số đó đã có “trái ngọt” là những đứa con khỏe mạnh.

BS Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc chuyên môn bệnh viện chia sẻ, bệnh viện đã triển khai các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để mang lại hạnh phúc cho các vợ chồng hiếm muộn như: Hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động tích hợp Trí tuệ nhân tạo để theo dõi và đánh giá quá trình hình thành, phát triển của phôi; kỹ thuật bơm gel chống dính vào buồng tử cung sau phẫu thuật kết hợp với liệu pháp hormone. Kỹ thuật này giúp cải thiện đáng kể hiện tượng tái dính sau phẫu thuật, tỷ lệ thành công cao, lên tới 70% - 80; kỹ thuật vi phẫu Micro TESE… Các kỹ thuật này đem đến tỷ lệ thành công lớn, đặc biệt là đối với các ca sảy thai liên tiếp nhiều lần, tử cung bất thường… mang đến rất nhiều hy vọng được làm cha, làm mẹ cho các cặp vợ chồng vô sinh.

Trần Hằng
.
.
.