Trò chuyện Chủ nhật

Phòng, chống dịch phải linh hoạt, hiệu quả, nới lỏng nhưng không chủ quan

Chủ Nhật, 23/04/2023, 07:47

Năng lực phòng, chống của Việt Nam hiện nay ra sao nếu xuất hiện một đợt dịch mới hay biến chủng mới? Các bệnh viện “kích hoạt” thế nào sau một thời gian dài dịch “trầm lắng” và khả năng đáp ứng vaccine ra sao nếu dịch tăng mạnh? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.   

COVID-19 liên tục tăng cao trong 1 tuần trở lại đây gây lo ngại trong cộng đồng trước nguy cơ làn sóng dịch mới. Liệu dịch có bùng phát như thời điểm năm 2021 và đầu năm 2022 hay không khi biến chủng chủ đạo vẫn là Omicron có tốc độ lây lan nhanh. Năng lực phòng, chống của Việt Nam hiện nay ra sao nếu xuất hiện một đợt dịch mới hay biến chủng mới? Các bệnh viện “kích hoạt” thế nào sau một thời gian dài dịch “trầm lắng” và khả năng đáp ứng vaccine ra sao nếu dịch tăng mạnh? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.      

Phòng, chống dịch phải linh hoạt, hiệu quả, nới lỏng nhưng không chủ quan -0
PGS.TS Trần Đắc Phu.

PV: Thưa ông, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao trong thời gian qua, nguyên nhân do đâu và có đáng lo ngại hay không?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Những ngày qua số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu tăng trở lại là vì sau một thời gian tiêm vaccine, miễn dịch giảm. Bên cạnh đó, miễn dịch của người đã nhiễm cũng giảm nên họ tiếp tục có nguy cơ mắc lại. Người dân tăng giao lưu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây COVID-19 lây lan. Cuối cùng là việc người dân chủ quan, lơ là không thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh.

Số ca mắc COVID-19 tăng giảm là chuyện không ngạc nhiên và không nằm ngoài dự đoán. Trên thế giới cũng thường xuyên xuất hiện các làn sóng ca mắc COVID-19 như làn sóng dịch mới đang xảy ra tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore… Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa công bố hết tình trạng y tế công cộng khẩn cấp đáng quan ngại đối với dịch COVID-19 do tình hình dịch chưa ổn định. Số ca mắc như hiện nay vẫn chưa phải số liệu thực tế vì người nhiễm COVID-19 nhưng không xét nghiệm hoặc xét nghiệm dương tính nhưng không báo với cơ sở y tế và tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, để bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay là số ca tử vong tăng như đợt dịch của TP Hồ Chí Minh và miền Nam trước đây, tôi nghĩ là không xảy ra. Theo ghi nhận chung, phần lớn ca mắc đợt này nhẹ, không có sự tăng nặng hoặc tăng tính nghiêm trọng của bệnh.

PV: Như ông đánh giá, miễn dịch cộng đồng đang giảm, vậy có nên tiêm vaccine mũi 5 cho người dân hay không? Khả năng đáp ứng vaccine của Việt Nam hiện như thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Số liệu Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên cả nước không đồng đều, có địa phương tỷ lệ tiêm chủng vẫn thấp, đặc biệt là mũi 3, 4. Thời gian qua, có nhiều người chưa tiêm vaccine mũi bổ sung (mũi 4), hoặc thời gian tiêm mũi 3 đã lâu nên miễn dịch kém đi. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, những người đã tiêm vaccine hoặc đã từng nhiễm bệnh hầu hết có miễn dịch – do vaccine hoặc do mắc phải. Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc bệnh biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng. Theo khuyến nghị mới, cần tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai, lực lượng y tế tuyến đầu) bởi nếu miễn dịch của các đối tượng trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong. Những đối tượng ưu tiên này cần tiêm mũi bổ sung và Bộ Y tế đang tập trung khuyến cáo tiêm để bảo vệ những đối tượng này.

Việt Nam vẫn có đủ vaccine để tiêm cho người dân. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vẫn tiếp tục phân bổ vaccine cho các địa phương. Mới đây nhất đã phân bổ cho Hà Nội hơn 10.000 liều và Hà Nội đã đưa xuống 30 quận, huyện để tiêm cho người dân.

Phòng, chống dịch phải linh hoạt, hiệu quả, nới lỏng nhưng không chủ quan -0
Người dân cần đeo khẩu trang ở nơi đông người để phòng dịch.

PV: Theo ông, đây có được coi là làn sóng mới của COVID-19 hay không? Liệu có xảy ra tình trạng quá tải hệ thống y tế nếu ca mắc tiếp tục tăng mạnh? Trong trường hợp xuất hiện biến chủng mới, năng lực đáp ứng của chúng ta ra sao khi thuốc, vật tư y tế vẫn còn thiếu tại nhiều bệnh viện?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Đây cũng có thể coi là một làn sóng dịch mới. Nhưng biến chủng đang có ở Việt Nam vẫn là biến chủng Omicron, đây là biến chủng lây lan nhanh, phần nào có sự lẩn trốn miễn dịch nhưng chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng tăng nặng. Đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron của SARS-CoV-2 đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế. Những nơi có tăng ca nặng là do số mắc tương ứng. Một số khu vực ghi nhận số ca mắc tăng cục bộ, tăng số ca nặng là do tăng số ca mắc tương ứng. Đặc biệt hiện nay sự hiểu biết nhiều về COVID-19, cùng đó năng lực phòng, chống dịch tăng lên, cách đáp ứng tăng lên và đặc biệt là linh hoạt hơn. Việt Nam cũng đã phủ vaccine với tỉ lệ rất cao và hiện vẫn đang kiểm soát tốt được dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu để số mắc quá cao thì vẫn có thể gây quá tải hệ thống y tế. Mặc dù tỷ lệ số chuyển nặng và tử vong không tăng, nhưng con số mắc nặng và tử vong tuyệt đối tăng lên vẫn có thể gây quá tải hệ thống y tế và dẫn tới không kiểm soát được dịch. Chính vì vậy chúng ta không lơ là, chủ quan với điều này. Hệ thống y tế dự phòng có những “tổn thương” nhất định sau đợt dịch COVID-19 vừa qua nên cũng cần rút kinh nghiệm và tạo những động lực mới để phòng, chống dịch tốt hơn. Trong trường hợp xuất hiện biến chủng mới, với hệ thống phòng dịch vốn có được kích hoạt lại, bằng kinh nghiệm thực tiễn, tôi hy vọng chúng ta vẫn ứng phó được.

PV: Sau một thời gian dài ca mắc COVID-19 giảm mạnh, nhiều cơ sở y tế không còn tiếp nhận F0, nay ngành Y tế cần phải chuẩn bị những gì để kích hoạt lại hệ thống điều trị?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Trước sự gia tăng của COVID-19, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh COVID-19 nhằm phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, của đơn vị theo nguyên tắc “4 tại chỗ” như: Phân công số giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 cụ thể tới từng đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 khi dịch bệnh có thể xảy ra diễn biến phức tạp.

Các bệnh viện chủ động nâng cao năng lực điều trị, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phối hợp với bộ phận điều phối ôxy y tế của tỉnh, TP để bảo đảm cung ứng ôxy y tế cho nhu cầu điều trị người bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 cho nhân viên y tế. Tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên để xin ý kiến về chuyên môn, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên. Đối với các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển và bảo đảm an toàn đối với người bệnh chuyển viện.

Bộ Y tế đang phối hợp với các chuyên gia để rà soát lại hướng dẫn điều trị COVID-19 phù hợp với tình hình mới. Điều này là quan trọng trong tình huống số ca mắc tăng cao, tăng ca nhập viện, để bệnh viện các tuyến áp dụng vào công tác điều trị. Đặc biệt tôi lưu ý, người dân cần được tư vấn bởi cán bộ y tế khi cần thiết để được hướng dẫn cách phòng bệnh khi cách ly và điều trị tại nhà cũng như khi nào cần đến cơ sở y tế để điều trị.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Y tế cần làm gì để vừa phòng, chống dịch hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Theo tôi, ngành y tế cũng phải đánh giá nguy cơ như thế nào, liệu có xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, gây diễn biến nặng, các triệu chứng nguy hiểm hay có thể vô hiệu hóa vaccine đang sử dụng hay không? Từ đó, để có cảnh báo cho người dân, đưa ra các phản ứng phù hợp mà không bị bất ngờ, chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Bản thân virus chưa mất đi mà vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng. Trong bối cảnh các quốc gia mở cửa để phát triển kinh tế và nhu cầu giao lưu đi lại giữa các vùng, các quốc gia ngày càng tăng; bên cạnh đó là các sự kiện tập trung đông người dẫn đến nguy cơ dịch lây lan gia tăng ca nhiễm cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ngành Y tế cần kiểm soát không để dịch bùng phát mạnh, đặc biệt không được để gây quá tải hệ thống y tế.

Trong phòng, chống dịch COVID-19 phải linh hoạt, thực hiện nguyên tắc nới lỏng nhưng không buông trôi, thả lỏng và vẫn kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó. Nếu chúng ta đánh giá nguy cơ không đúng thì không kiểm soát được dịch bệnh nhưng nếu đánh giá nguy cơ cao quá, dẫn tới đáp ứng thái quá, lại cấm đoán, gây tổn hại đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân hoặc đầu tư cho chống dịch quá tốn kém trong khi còn rất nhiều dịch bệnh khác cũng đang phải phòng, chống. Vì vậy, không nên quá lo lắng nhưng cũng đừng chủ quan lơ là. Điều quan trọng cần làm là cần bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước COVID-19 như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine COVID-19 và lực lượng y tế tuyến đầu.

PV: Nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, dự báo sẽ gia tăng sự đi lại, giao lưu, tụ tập của người dân khi có nhiều sự kiện du lịch, lễ hội diễn ra. Ông có khuyến cáo gì cho người dân lúc này?

GS.TS Trần Đắc Phu: Đây là nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bối cảnh COVID-19 đang tăng như hiện nay. Vấn đề này cũng đáng lo ngại nếu dịch bùng phát trở lại.

Vì vậy, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như mang khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại khu vực đông người để tránh lây lan dịch bệnh. Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cộng đồng, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch…). Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B và các bệnh lây qua đường hô hấp khác. Ai có triệu chứng cũng nên xét nghiệm có phải đang mắc COVID-19 hay không để phòng tránh bệnh cho người khác. Cuối cùng là người dân cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế.

Tuy hiện nay chúng ta đang ở cấp độ dịch 1- tất cả đều màu xanh. Cấp độ này không chỉ đánh giá trên số ca mắc mà còn dựa trên ca nặng, độ bao phủ vaccine và đáp ứng đảm bảo thu dung điều trị. Nhưng không vì thế mà người dân, chính quyền các địa phương chủ quan, lơ là, không đẩy mạnh truyền thông phòng dịch và không tiêm vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Trần Hằng (thực hiện)
.
.
.