Liên thông BHYT tuyến tỉnh: Người dân phấn khởi, bệnh viện lo quá tải
- Hỗ trợ kinh phí tham gia bảo hiểm y tế cho người cao tuổi
- Quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế luôn được bảo đảm theo quy định
- Nhiều lợi ích khi người dân tham gia bảo hiểm y tế
Đây cũng là thách thức rất lớn với các bệnh viện tuyến quận huyện, các đơn vị rất cần có sự phối hợp nhịp nhàng.
Lúng túng khi không còn…trái tuyến
Kể từ ngày 1/1/2021, theo khoản 6 Điều 22 Luật bảo hiểm y tế (BHYT), người dân tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh không đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến (còn gọi là liên thông BHYT tuyến tỉnh), không phân biệt nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) BHYT thuộc tỉnh, thành nào trên phạm vi cả nước.
Đây thật sự là tin vui cho mỗi người dân nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với các bệnh viện của thành phố, vốn là bệnh viện tuyến tỉnh nhưng có chức năng là các bệnh viện tuyến cuối của khu vực phía Nam theo phân công của Bộ Y tế.
Do tất cả các bệnh viện thành phố đều đã tự chủ chi thường xuyên (trừ Bệnh viện Nhi đồng thành phố do mới đi vào hoạt động và Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Nhân Ái, Khu điều trị Phong Bến Sắn do đối tượng phục vụ thuộc diện được ngân sách hỗ trợ chi phí KCB), và nhất là phương thức giao dự toán chi của cơ quan BHXH nên việc nếu để hiện tượng gia tăng đột ngột số lượng bệnh nhân nội trú sẽ gây khó khăn không nhỏ cho các bệnh viện.
Các bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức cứu sống một trường hợp bệnh nhân bị đâm thấu tim. |
Đại diện Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện bệnh viện có khoảng 900 giường bệnh. Khi chưa thông tuyến tỉnh BHYT, bệnh viện này đã luôn trong tình trạng quá tải. Hiện nay mỗi ngày bệnh viện phải chuyển khoảng 20 bệnh nhân điều trị nội trú sang các bệnh viện khác điều trị vì bệnh viện không cho bệnh nhân nằm đôi.
Do vậy, khi triển khai thông tuyến tỉnh BHYT, bệnh nhân đến bệnh viện điều trị đông hơn, áp lực của bệnh viện sẽ tăng lên. Và khi bệnh viện hết giường bệnh thì bệnh viện buộc phải chuyển bệnh nhân sang bệnh viện khác điều trị nhiều hơn.
Với những bệnh viện có không nhiều bệnh nhân đến điều trị, khi thông tuyến BHYT tỉnh, những bệnh viện này mới chuẩn bị thêm như cơ số thuốc, trang thiết bị… Còn hiện Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh không thể tiếp nhận thêm số bệnh nhân điều trị nội trú nên bệnh viện không cần chuẩn bị gì thêm.
Theo ông Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, ngày 1/1 tới, bệnh nhân BHYT sẽ được thông tuyến tỉnh nhưng hiện lãnh đạo Bệnh viện này chưa lường hết được tình hình bệnh nhân tỉnh sắp tới đến điều trị ở bệnh viện sẽ tăng lên như thế nào.
Trước đây, nhiều bệnh nhân ở tỉnh vẫn lên Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh để điều trị nội trú trái tuyến thì giờ không còn trái tuyến nữa. Lâu nay, Bệnh viện Ung bướu đã thường xuyên quá tải. Nếu bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu tiếp tục tăng sẽ gây khó khăn cho bệnh viện này.
Hiện Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh có nguồn nhân lực đầy đủ vì đang chuẩn bị cho Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cơ sở 2. Tuy nhiên, cơ sở 2 vẫn chưa triển khai đồng bộ, chưa triển khai điều trị nội trú.
Ông Tuấn cho biết, hiện Bệnh viện Ung bướu cũng như nhiều bệnh viện khác trong thành phố đang đợi những hướng dẫn cụ thể của Sở Y tế và BHXH TP Hồ Chí Minh về thông tuyến tỉnh bệnh nhân BHYT.
Nhiều thách thức cho tuyến dưới
Khi thông tuyến tỉnh BHYT, bệnh nhân rõ ràng được hưởng những điều kiện điều trị bệnh tốt hơn, được quyền chọn lựa theo đúng nhu cầu.Tuy nhiên, bệnh viện tuyến tỉnh chắc chắn phải tự thay đổi, phải đầu tư về con người, về quy trình, về kỹ thuật để thu hút người dân ở lại địa phương điều trị.
Theo dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT của các bệnh viện TP Hồ Chí Minh trong những năm qua, bình quân số lượt điều trị nội trú của người bệnh vượt tuyến BHYT (từ các tỉnh khu vực phía Nam) tại các bệnh viện chiếm khoảng 3%, và chi phí khám, chữa bệnh của nhóm này chiếm khoảng 5% tổng chi KCB BHYT. Nếu như trước đây bệnh nhân nội trú vượt tuyến sẽ được BHXH thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú thì nay theo quy định mới người bệnh nội trú vượt tuyến sẽ được hưởng 100%.
Như vậy, chưa kể số lượt bệnh nhân nội trú vượt tuyến sẽ tăng khi bắt đầu liên thông KCB BHYT tuyến tỉnh thì đã cần điều chỉnh tăng dự toán chi KCB BHYT cho các bệnh viện thành phố, chưa kể số lượt bệnh nhân ở các tỉnh sử dụng KCB dịch vụ theo yêu cầu, chuyển sang sử dụng thẻ BHYT khi bắt đầu liên thông.
Số lượt điều trị nội trú tại các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa thành phố sẽ tăng là khó tránh, để có thể đánh giá cụ thể số lượt gia tăng, Sở Y tế và BHXH TP đã và đang có kế hoạch sơ kết tình hình KCB BHYT trên địa bàn để chủ động, đề xuất điều chỉnh dự toán chi KCB BHYT cho phù hợp.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, y tế thành phố sẽ tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh BHYT cho người dân, tránh gây áp lực và yêu cầu nhập viện tại các bệnh viện thành phố khi chưa thật cần thiết.
Trong đó, đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả như: Tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ KCB, xây dựng và cập nhật phác đồ điều trị, cụ thể hoá chỉ định nhập viện cho từng trường hợp cụ thể...
Một thuận lợi mà y tế thành phố đã có lâu nay, đó là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố thường xuyên thực hiện hỗ trợ kết nối từ xa với các trạm y tế về chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cấp cứu người bệnh nguy kịch qua quy trình báo động đỏ liên viện.
Hình ảnh người dân đến trạm y tế khám, chữa bệnh được kết nối trực tuyến với các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện thành phố khi bác sĩ của trạm y tế cần được tư vấn chuyên môn đã thật sự mang lại niềm tin cho người dân.
Liên thông BHYT tuyến tỉnh thật sự trở thành một thách thức về năng lực điều trị nội trú của các bệnh viện quận, huyện khi mà tất cả bệnh viện quận, huyện đã tự chủ chi thường xuyên. Do đó, đòi hỏi các bệnh viện quận, huyện phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong phát triển nhân lực cũng như danh mục kỹ thuật của bệnh viện đáp ứng nhu cầu mô hình bệnh tật của người dân.