Đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ còn kéo dài qua năm 2016
- Sốt xuất huyết đang ở thời kỳ “đỉnh dịch”/ Sốt xuất huyết tại TP HCM đã ‘mấp mé’ ngưỡng báo động dịch/ Số ca mắc sốt xuất huyết, tay - chân - miệng tăng vọt
Phân tích về diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết (SXH) đang lây lan rộng, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhận định tại cuộc họp của Bộ Y tế làm việc với Sở Y tế thành phố về tình hình SXH chiều 6/10: Trong nhiều năm, số ca mắc SXH tại TP Hồ Chí Minh luôn chiếm tỉ lệ 30% của khu vực phía Nam, như vậy nếu SXH ở thành phố tăng thì cả khu vực cũng sẽ tăng theo và ngược lại.
Ngoài ra, 90% số ca mắc SXH trên toàn quốc là thuộc khu vực phía Nam. Vì thế, nếu việc phòng chống SXH tại TP Hồ Chí Minh và phía Nam không tốt, dịch sẽ tiếp tục lây lan rộng, và “đuôi dịch” sẽ còn kéo dài sang tới năm 2006.
Đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ còn kéo dài qua năm 2016. |
Chỉ đạo tại cuộc họp với ngành y tế thành phố vào chiều 6/10, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải giảm tối đa số ca mắc và tử vong do SXH. Nhất là công tác truyền thông phải hiệu quả. Kiểm tra thực tế cho thấy, tại một số quận, huyện, người dân lơ là, không hưởng ứng phòng chống dịch. Mặc dù dịch SXH tại TP Hồ Chí Minh không bùng phát mạnh nhưng lại lan từ ổ dịch này qua ổ dịch khác. Công tác dự phòng càng cần phải được coi trọng.
Thành phố đã “mạnh tay” hơn trong việc phòng chống SXH như thành lập các đội diệt lăng quăng tại phường, xã; truyền thông nguy cơ đến từng hộ gia đình trong vùng có ổ dịch; đã bắt đầu tiến hành xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm trong công tác phòng dịch. Nhưng với việc tuyên truyền, cần phải thay đổi cách làm. Thay cho các hoạt động hô hào quần chúng, thì việc cần làm ngay, đó là tuyên truyền phải đi đôi với cam kết, vận động đi đôi với xử lý và xử phạt.
Phát động chiến dịch toàn thành phố loại bỏ các vật phế thải, và có chế tài xử phạt rõ ràng với các cơ sở vi phạm. Song song đó, các bệnh viện phải cố gắng giảm tải để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo, giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.