Yêu cầu lập Hội đồng chuyên môn về trường hợp tai biến sản khoa ở Bệnh viện Thống Nhất

Thứ Năm, 27/09/2018, 20:20
Chiều ngày 27-9, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế Đồng Nai báo cáo trường hợp tai biến sản khoa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thống Nhất vào ngày 21-9.


Theo đó, những ngày qua, báo chí đã phản ánh về vụ tai biến sản khoa tại BVĐK Thống Nhất dẫn đến tử vong trẻ sơ sinh và tình trạng nguy kịch của sản phụ Phạm Thị Thanh H. Vì thế, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Đồng Nai chỉ đạo BVĐK Thống Nhất rà soát lại toàn bộ quy trình. 

Ngoài ra BVĐK Thống Nhất cần thành lập Hội đồng chuyên môn theo quy định để đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí của BV với trường hợp sản phụ H. Nếu có sai phạm trong vụ việc, cần xử lý nghiêm theo qui định.

Trong khi chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, diễn biến của ca đẻ cũng như qui trình chăm sóc và xử trí trong trường hợp cụ thể này trước ngày 28-9.

Công văn hỏa tốc của Bộ Y tế

Trước sự quan tâm của dư luận, Sở Y tế Đồng Nai đã chủ động thông tin chính thức về vụ việc. Theo ông Lê Văn Trung – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, vụ tai biến sản khoa đã xảy ra tại BVĐK Thống Nhất trong ngày 21-9. 

Vụ việc được gia đình sản phụ thông tin lên mạng xã hội nhưng đến trưa ngày 25-9, Sở Y tế mới nhận được đơn về vụ việc với nội dung phản ánh về tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế, liên quan đến trường hợp cháu bé sơ sinh tử vong, còn sản phụ nguy kịch. 

Người đứng đơn là ông Phạm Chí Thiện (33 tuổi), là anh ruột của sản phụ Phạm Thị Thanh Hương (28 tuổi, trú tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai).

Theo đơn, sản phụ nhập viện vào lúc 17h ngày 20-9. Trong khi chờ đợi, người nhà hỏi y bác sĩ thì nhận được thái độ gắt gỏng và quát tháo “cứ chờ đi khi nào sinh rồi gọi”… 

Đến 7h ngày 21-9 gia đình mới nhận được tin sản phụ sinh em bé nhưng rất nguy kịch. Sau đó, bé được chuyển lên BV Nhi Đồng Nai rồi chuyển tiếp lên BV Nhi Đồng 2 và khoảng 13h thì em bé tử vong. 

Trong khi đó, tình trạng của sản phụ sau sinh cũng rất nguy kịch, bị co giật nên gia đình đề nghị chuyển lên TP. Hồ Chí Minh nhưng BV không đồng ý. Sau khi bệnh nhân ổn định BV mới cho chuyển lên BV Chợ Rẫy với chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết, phổi phù… Khi chuyển đến BV Chợ Rẫy, các bác sĩ ở đây còn hỏi gia đình “Sao để bệnh nghiêm trọng mới chuyển đến”? 

Vì thế, gia đình sản phụ bức xúc và làm đơn gửi Sở Y tế Đồng Nai đề nghị điều tra làm rõ việc em bé tử vong và sản phụ bị nguy kịch.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Loan – Phó Giám đốc BVĐK Thống Nhất, cũng là người trực tiếp cấp cứu sản phụ, thì sản phụ H. có người quen là hộ sinh trưởng nên đã được gửi gắm chu đáo và nhân viên cũng đã có sự quan tâm đặc biệt, chứ không có thái độ gắt gỏng. 

Song do thai phụ được chẩn đoán tiền sản giật, bẩm sinh lại chỉ có một quả thận, khi vào viện đã bị sốt 38 độ, chứng tỏ đã bị nhiễm trùng. Sau khi sinh, do tình trạng nặng nên em bé sơ sinh đã được chuyển lên BV nhi Đồng Nai, BV Nhi đồng  TP. Hồ Chí Minh, còn sản phụ chỉ sau khoảng 1 tiếng đã bị co giật và sốc bất thường, nên được chẩn đoán là bị sốc nhiễm trùng mà khi chụp mới biết là bị viêm phổi. Trước đó sản phụ không chụp vì sợ ảnh hưởng thai nhi.

Về việc không cho bệnh nhân chuyển sớm, theo BS. Loan, do bệnh nhân đang thở máy hỗ trợ nên bác sĩ đã hội chẩn với gia đình và gia đình cũng đã có cam đoan để bệnh nhân ở lại khi nào ổn mới chuyển viện. 


Thanh Hằng
.
.
.