Nhiều biện pháp mạnh trong phòng chống dịch Zika và sốt xuất huyết

Thứ Ba, 22/03/2016, 15:14
Đó là một trong những giải pháp mang tính kiên quyết được nêu trong Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế vừa được gửi tới các Giám đốc sở Y tế, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành địa phương và trung ương, thực hiện việc tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng và triển khai công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết (SXH).

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh do vi rút Zika vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngày 8-3-2016, Tổ chức Y tế thế giới đã triệu tập cuộc họp lần thứ hai của Ủy ban khẩn cấp thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế đánh giá ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa các trường hợp mắc chứng đầu nhỏ với vi rút Zika và nhận định dịch bệnh này vẫn tiếp tục là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế. 

Đến nay, đã có 54 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Nguy cơ dịch bệnh do vi rút Zika xâm nhập và lan truyền đối với Việt Nam là rất lớn do có sự giao lưu đi lại, du lịch, người lao động trở về từ vùng có dịch. Đồng thời, muỗi truyền bệnh do vi rút Zika cũng chính là muỗi truyền bệnh SXH hiện đang lưu hành phổ biến ở Việt Nam.

Trong chuyến đi thị sát trực tiếp ngày 5-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu người dân tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh mỗi ngày dành 30 phút diệt lăng quăng, chống dịch SXH.

Trong năm 2015 dịch SXH bùng phát và chưa có dấu hiệu giảm vào những tháng đầu năm 2016 tại một số tỉnh, thành phố. Một trong những nguyên nhân SXH khó khống chế là do bộ phận lớn người dân chưa có ý thức tự tiến hành diệt muỗi và lăng quăng (bọ gậy) để chủ động phòng chống dịch bệnh.

Do đó, GĐ Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông phòng bệnh do vi rút Zika và bệnh SXH. Trong đó, tổ chức phát động chiến dịch "Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika và SXH", nhằm vận động mọi người dân tham gia vào hoạt động của chiến dịch, hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước như đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng, thả cá ăn lăng quăng vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không dùng nhưng có khả năng chứa nước, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; dùng kem xua muỗi, ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày để phòng muỗi đốt.

Bộ trưởng tự tay thả cá 7 màu, hướng dẫn người dân phương pháp diệt lăng quang.

Phát các video clip, các thông điệp truyền thông hướng dẫn người dân về các biện pháp diệt loăng quăng phòng chống bệnh do vi rút Zika, bệnh SXH trên các phương tiện truyền thông như : đài truyền hình, đài phát thanh của địa phương, tại các cuộc họp thôn ấp, tổ dân phố, cuộc sinh hoạt tập thể có đông người tham gia. Đặt các khuyến cáo về biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Zika tại khu vực cửa khẩu để hành khách đi về từ vùng dịch chủ động theo dõi sức khỏe và khai báo khi cần thiết.

Đồng thời với việc phát động chiến dịch, tiến hành ký cam kết giữa GĐ Sở Y tế và UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn theo mô hình đã triển khai tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 5-3-2016) nhằm nêu cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tổ chức các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương. 

Lễ phát động người dân tự phòng diệt muỗi lăng quang phòng chống dịch Zika và sốt Xuất huyết tại Bình Chánh ngày 5/3

Theo chỉ đạo, việc tổ chức phát động đối với các tỉnh đã đăng ký cần triển khai ngay trong tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2016, trước khi mùa mưa đến. Phối hợp tốt với chính quyền, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo rõ, các GĐ Sở y tế các địa phương tham mưu cho chính quyền địa phương tiến hành xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của địa phương.

Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả việc giám sát, chủ động lấy mẫu gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur khu vực để tiến hành xét nghiệm khẳng định các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika nhằm phát hiện các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để khoanh vùng, xử lý dịch kịp thời. Đồng thời triển khai tốt công tác phân tuyến, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, tránh hiện tượng quá tải đối với các bệnh viện tuyến trên.

H.Nga
.
.
.