Xử lý nghiêm các nhà thuốc không kết nối liên thông

Thứ Bảy, 04/01/2020, 09:02
Theo kết quả thống kê của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), đến nay đã có 15.178 nhà thuốc thực hiện kết nối liên thông với "Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia", chiếm trên 80% các nhà thuốc trên toàn quốc. Đối với quầy thuốc, theo lộ trình, đến 1-1-2020 phải thực hiện kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia, nhưng qua khảo sát của phóng viên, tình trạng bán thuốc không kê đơn vẫn diễn ra phổ biến.


Chủ hiệu thuốc tự kê đơn tràn lan

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), đến nay, 63 tỉnh/thành phố trong cả nước đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc. 

Các địa phương đã phối hợp với các cơ sở cung ứng phần mềm trên địa bàn tổ chức tập huấn, cài đặt phần mềm, cấp tài khoản hướng dẫn cụ thể chi tiết cho các cơ sở cung ứng thuốc. Hiện, các tỉnh, thành phố đã cài đặt và cung cấp tài khoản liên thông cho 24.922 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có 15.178 nhà thuốc đã thực hiện kết nối liên thông với "Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia".

Cần tăng cường kiểm tra việc bán thuốc kê đơn tại các nhà thuốc.

Theo khảo sát của phóng viên tại Hà Nội, quy định nhà thuốc không đăng ký tài khoản liên thông kết nối với “Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia” sẽ bị đóng cửa dường như mới chỉ là hình thức. Việc kiểm tra mới thực hiện chủ yếu ở một số nhà thuốc bệnh viện, trong khi đó hàng nghìn nhà thuốc ngoài bệnh viện vẫn chưa có lực lượng kiểm tra, do vậy mà hiệu quả chưa cao.

Mặc dù đăng ký tài khoản liên thông kết nối với hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia” đã vài tháng nay, nhưng theo anh H., chủ nhà thuốc trên phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ thì theo quy định, bán thuốc theo đơn phải triển khai trên hệ thống, tuy nhiên, nếu theo đơn có khi cả tuần chỉ được vài đơn. Do vậy, việc bán thuốc không kê đơn tại nhà thuốc này diễn ra thường xuyên. 

Quan sát tại đây trong một thời gian ngắn, chúng tôi thấy nhiều người ốm nhẹ tới đây mua thuốc, kể bệnh tình, dược sỹ tự “kê đơn” kháng sinh. Không riêng kháng sinh mà bất kể bệnh gì, chỉ cần kể triệu chứng, người bán đều tự kê đơn cho người mua. Đây có lẽ cũng là thói quen với nhiều người, khi hắt hơi, sổ mũi lại ngại tới bệnh viện, tự mua thuốc uống.

Tại một nhà thuốc trên phố Nguyễn Du, Hà Nội, khi tôi vào mua thuốc, không có đơn, chỉ kể bệnh, người bán cũng tự kê đơn cho tôi. Tôi thắc mắc tại sao đã đăng ký kết nối liên thông với "Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia" nhưng không thấy nhà thuốc hỏi đơn mà vẫn bán thuốc cho khách, người bán thuốc cho biết: “Lát em mới vào máy tên thuốc của chị”. Nghĩa là đơn thuốc được người bán tự kê và tự nhập máy tính.

Cách đây 4 tháng, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra việc thực hiện kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc. 

Tại nhà thuốc của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, đoàn kiểm tra của Sở Y tế phát hiện, nhà thuốc của bệnh viện mới thực hiện kết nối, cập nhật dữ liệu của 292/401 danh mục thuốc. Nhà thuốc này cũng chưa cập nhật thông báo thu hồi, tiêu hủy các loại thuốc kém chất lượng, chưa cập nhật thuốc tồn kho, vi phạm việc cập nhật dữ liệu thuốc theo quy định.

Cần kiểm tra trên diện rộng

Cục Quản lý Dược cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng… 

Các cơ sở cung ứng thuốc có công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động kinh doanh như chức năng thống kê, báo cáo, kiểm soát chặt chẽ hạn dùng của thuốc, đưa ra cảnh báo khi thuốc sắp hết hạn, tiếp nhận kịp thời các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý như thông tin thuốc bị thu hồi, thuốc không đạt chất lượng… Cơ quan quản lý dược từ Trung ương đến địa phương có thể xác định nguồn gốc, xuất xứ, hạn dùng của thuốc, kiểm soát giá cả, chất lượng thuốc.

Đến nay, Bộ Y tế đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại các địa phương, kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai. 

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc cần phải bảo đảm đúng lộ trình đề ra, nhưng cũng phải đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho người bệnh. Đối với một số trường hợp chưa thực hiện kết nối, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, phân loại, xác định nguyên nhân và khẩn trương báo cáo về Bộ để có hướng xử lý.

Theo Sở Y tế Hà Nội, đến 30-11-2019, tổng số cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn thành phố đã thực hiện kết nối là 6.274/7.136 (đạt 87,9%), trong đó, số cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện kết nối 5.939/6.007 (đạt 98,9%). Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn một số huyện chưa hoàn thành kết nối 100% quầy thuốc tư nhân. 

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong quá trình triển khai, thực hiện, một số cơ sở vẫn còn gặp khó khăn như trình độ, kỹ năng công nghệ thông tin của nhân viên nhà thuốc còn chưa cao, dược sỹ của chủ cơ sở đa số tuổi cao, người giúp việc thay đổi thường xuyên; các cơ sở cung ứng thuốc lo ngại vấn đề bảo mật thông tin các hoạt động kinh doanh của cơ sở khi thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh bằng phần mềm và bằng hệ thống sổ sách theo quy định hiện hành; trong quá trình thực hiện còn có lúc gặp tình trạng nghẽn mạng ảnh hưởng đến quá trình bán hàng.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động kê đơn thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, việc thực hiện bán thuốc theo đơn của các cơ sở bán lẻ thuốc và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm trường hợp nhà thuốc tư nhân không cập nhật thường xuyên, đầy đủ dữ liệu quy định theo thẩm quyền và hoàn thành kết nối 100% quầy thuốc tư nhân trên địa bàn. Ông Chung cho biết, việc các nhà thuốc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin là quy định bắt buộc, nơi nào không chấp hành sẽ bị xử lý.

Trần Hằng
.
.
.