Quyết liệt hậu kiểm các nhà thuốc

Thứ Tư, 04/12/2019, 14:01
Việc hậu kiểm các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhằm đảm bảo các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc duy trì chẩn Thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc” (GPP), đồng thời đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về GPP của các cơ sở bán buôn thuốc để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.


TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nhà thuốc, nguyên liệu làm thuốc lớn nhất cả nước. Nhằm đảm bảo các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc duy trì chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc” trong quá trình hoạt động, tuân thủ các quy chế chuyên môn hướng tới việc phân phối thuốc chất lượng, an toàn và hiệu quả, truy nguyên lại nguồn gốc khi cần thiết, việc hậu kiểm các cơ sở bán lẻ thuốc là việc cấp thiết.

Phát hiện nhiều vi phạm

Ngay từ đầu năm 2019, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Kế hoạch số 319/KH-STY về việc hậu kiểm các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc trên địa bàn. Việc hậu kiểm nhằm đảm bảo các cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc duy trì chẩn Thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc” (GPP), đồng thời đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về GPP của các cơ sở bán buôn thuốc để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong tháng 9-2019, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã tiến hành hậu kiểm 18 nhà thuốc tại địa bàn 6 quận. Đó là các nhà thuốc: Niềm Tin (quận Thủ Đức); Việt Thắng, Quang Minh (quận 9); An Minh 2, Tâm Việt (quận 5); 30, Nam Hoàng, Thanh Kim, Tân Việt (quận Bình Thạnh); Hưng Thịnh 2, Bảo Nam, 899, Khôi Nguyên (quận 12); An Thiên, Công ty cổ phần phòng khám đa hoa Thành An (quận Bình Tân); Bảo Xuân, 69, Công ty TNHH trang thiết bị y tế (Bình Thạnh).

TP Hồ Chí Minh tăng cường hậu kiểm các nhà thuốc (ảnh minh họa).

Qua kiểm tra, những vi phạm chủ yếu của các nhà thuốc là chưa bố trí khu vực riêng cho thuốc phải kiểm soát đặc biệt, chưa sắp xếp đúng quy định và chưa có sổ sách theo dõi xuất nhập và chưa thực hiện báo cáo thuốc phải kiểm soát đặc biệt theo quy định. Tủ, quầy, khu vực ra lẻ thuốc chưa đảm bảo vệ sinh.  Chưa thực hiện kiểm soát chất lượng thuốc khi nhập về và trong quá trình bảo quản tại nhà thuốc. Chưa xuất trình hóa đơn mua thuốc cũng như chưa lưu đầy đủ hóa đơn mua thuốc.

Qua kiểm tra đã phát hiện những lỗi vi phạm nặng như: Không có mặt dược sĩ phụ trách chuyên môn khi nhà thuốc hoạt động nhưng không thực hiện việc ủy quyền cho người có trình độ chuyên môn tương đương theo quy định của pháp luật; chưa thực hiện kết nối liên thông dữ liệu với cơ sở dược quốc gia theo đúng lộ trình quy định; nhà thuốc có thuốc quá hạn sử dụng, không có số đăng ký để chung với các thuốc khác trong khu vực bán thuốc; chưa có nhiệt kế tự ghi để ghi nhận điều kiện bảo quản.

Đặc biệt, khi kiểm tra còn có nhà thuốc giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn, nguyên tắc “Thực hành tốt nhà thuốc” - GPP do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cấp đã hết hạn. Hơn thế nữa, còn chưa thực hiện theo dõi quá trình xuất, nhập thuốc bằng phần mềm hoặc sổ sách và chưa thực hiện việc kết nối liên thông dữ liệu với cơ sở dược Quốc gia. Việc sắp xếp lẫn lộn thuốc với sản phẩm không phải là thuốc vẫn xảy ra.

Vi phạm nặng phải tạm ngừng hoạt động

Từ đầu năm 2019 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã hậu kiểm hàng chục nhà thuốc trên địa bàn. Trong tháng 5 và tháng 6/2019, Đoàn kiểm tra đã hậu kiểm 15 nhà thuốc. 

Ngoài lỗi phổ biến không có mặt dược sĩ phụ trách chuyên môn khi nhà thuốc hoạt động, còn phát hiện một số nhà thuốc nhà thuốc kinh doanh thuốc không đúng với hình thức kinh doanh, phạm vi kinh doanh đã ghi trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; hoặc nhà thuốc có thuốc quá hạn sử dụng, không có số đăng ký để chung với các thuốc khác trong khu vực bán thuốc…Thậm chí, qua kiểm tra còn phát hiện nhà thuốc hoạt động khi chưa được Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cấp phép.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, với những tồn tại nặng, Sở Y tế yêu cầu nhà thuốc phải ngừng hoạt động kinh doanh thuốc cho đến khi khắc phục được toàn bộ tồn tại . Phòng Y tế sẽ trực tiếp giám sát việc ngừng hoạt động của các nhà thuốc này.

 Đồng thời sẽ chuyển Thanh tra Sở Y tế các biên bản hậu kiểm để xử lý vi phạm theo quy định. Với những vi phạm nặng, ngoài xử phạt bằng tiền, có thể sẽ áp dụng hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong thời gian tới sẽ có biện pháp chấn chỉnh đối với các cơ sở bán lẻ thuốc không tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt. Tiếp tục tăng cường hậu kiểm những quận, huyện có tỷ lệ kết nối còn thấp. Đồng thời đề nghị Thanh tra Sở Y kế lên kế hoạch thanh tra theo chuyên đề các nhà thuốc do các dược sĩ có Chứng chỉ hành nghề ở tỉnh phụ trách chuyên môn.

Minh Thư
.
.
.