Xây dựng bệnh viện dã chiến ngay trong Bệnh viện Bạch Mai

Thứ Hai, 30/03/2020, 14:53
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai GS.TS Nguyễn Quảng Tuấn cho biết, ngay trong đêm 28/3, Quân đội đã hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai dựng lên một bệnh viện dã chiến trong khuôn viên bệnh viện. Đây là phần kịch bản dự phòng để bệnh viện sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất.

Sau 2 ngày “nội bất xuất ngoại bất nhập”, Bệnh viện Bạch Mai cách ly toàn bộ nhân viên y tế, bác sĩ, bệnh nhân của bệnh viện. “Số người có mặt tại Bệnh viện hiện khoảng gần 3.500 người. Trong đó có 800 bệnh nhân không thể xuất viện hoặc chuyển tuyến dưới, 552 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận. Chúng tôi vẫn tổ chức chạy thận 4 kíp liên tục” – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, tình trạng bên trong bệnh viện hiện nay vẫn tốt. Người bệnh được nhân viên y tế chăm sóc rất chu đáo. Người nhà bệnh nhân được Bộ Quốc phòng chuyển đi cách ly tập trung tại khu Hòa Lạc,  hiện còn hơn 100 người nhà bệnh nhân chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt như bệnh nhi, sản phụ. Tinh thần của nhân viên y tế rất tốt, toàn tâm chăm sóc cho người bệnh. “Chúng tôi quyết tâm không chỉ chữa khỏi bệnh mà còn không để xẩy ra lây nhiễm hoặc lây nhiễm chéo trong bệnh” – GS Tuấn nói.

Tập thể bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai quyết tâm chống dịch COVID-19

Người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hiện tất cả nhân viên y tế của chúng tôi đều có kết quả âm tính. Như vậy, rõ ràng các nhân viên y tế, người lao động tại Bệnh viện Bạch Mai không phải là nguồn lây nhiễm”.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, khó khăn lớn nhất lúc này tại Bệnh viện có hơn 1.300 người bệnh nặng, trong khi các y, bác sĩ và nhân viên y tế vừa đảm bảo chăm sóc cho bệnh nhân, vừa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân. Bệnh viện đã nhờ Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội và các ban ngành để có các giải pháp cùng hỗ trợ. 

Bệnh viện hiện có 3.500 người, mọi vật dụng cá nhân đều do bệnh viện cấp và đang chờ các chuyến hàng do bệnh viện đặt hoặc do nhân dân cả nước chuyển đến hỗ trợ. Bệnh viện bố trí lực lượng tiếp nhận ngay tại cổng viện, rồi mới dùng phương tiện trung chuyển đến các khoa.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - GS.TS Nguyễn Quang Tuấn bên bệnh viện dã chiến được xây dựng ngay trong khuôn viên Bệnh viện

Khó khăn nữa là vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh và các nhân viên y tế trong bệnh viện. Bệnh viện đã phong tỏa khu vực nhà ăn và cách ly toàn bộ người làm việc tại đây. Để có các suất ăn cho nhân viên y tế và người bệnh, Bệnh viện đã liên hệ một công ty chuyên cung cấp suất ăn cho hàng không. Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế phải làm việc 24/7. Bên cạnh đó, còn các suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhi, bệnh nhân ăn qua sonde…

Theo chia sẻ của Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, được sự trợ giúp của Bộ Y tế, Bệnh viện đã nhanh chóng triển khai các biện pháp mạnh mẽ, đã có kế hoạch chi tiết từ đầu để ngăn chặn sự lây lan từ bệnh nhân sang bệnh nhân, nhân viên y tế, người nhà...

Tất cả bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện đều quyết tâm, đồng lòng chống dịch với tinh thần cao nhất. Ngay cả một bác sĩ trẻ, mang thai tháng cuối, đang cách ly tại C9 Viện Tim mạch, mặc dù gặp nhiều khó khăn về tâm lý, nhưng nữ bác sĩ vẫn xung phong ở lại bệnh viện để chăm sóc cho người bệnh. Sự hy sinh của bác sĩ trong “trận chiến” chống dịch rất đáng khâm phục. Nhờ có tinh thần hết lòng vì người bệnh, anh em đồng nghiệp chung sức đồng lòng, sức khỏe của nữ bác sĩ và thai nhi vẫn diễn biến tốt.

“Như tất cả các đồng nghiệp khác tại Vũ Hán hay Hoa Kỳ, chúng tôi sẵn sàng dấn thân, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc tốt nhất người bệnh và chăm sóc lẫn nhau để đi qua đại dịch” – người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn cũng cho biết, với các biện pháp cụ thể mà Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện phối hợp với TP Hà Nội, các Bộ, ngành triển khai, đây là điều kiện tiên quyết để giúp Bệnh viện thành công, chiến thắng dịch bệnh.


Tr.Hằng
.
.
.