Việt Nam thêm ca tái dương tính COVID-19, thế giới xuất hiện "điểm nóng" dịch bệnh mới

Thứ Hai, 20/04/2020, 07:40
Việt Nam có 96h liên tục không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới, nhưng có một bệnh nhân tái dương tính sau khi điều trị khỏi. Trong khi đó, thế giới tiếp tục chứng kiến những diễn biến dịch phức tạp, với số ca nhiễm vượt mốc 2,4 triệu.


Việt Nam không có bệnh nhân mới nhưng thêm ca tái nhiễm

Bộ Y tế sáng nay (20/4) và cả ngày hôm qua (19/4) không thông báo thêm ca nhiễm mới COVID-19 trong nước, đánh dấu mốc 4 ngày Việt Nam không có ca bệnh mới. Hiện tại, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 tại nước ta là 268 trường hợp, trong đó 202 người đã khỏi bệnh.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam.

Ngày 19/3,  ngành y tế Hà Nội cho biết đã phát hiện một bệnh nhân dương tính trở lại với COVID-19 là bệnh nhân số 188, nhân viên Công ty TNHH Trường Sinh. Đây là trường hợp thứ hai dương tính trở lại với COVID-19 tại Việt Nam, sau bệnh nhân số 22 - phi công người Anh.

Sau khi bệnh nhân 188 xuất viện ngày 16/3 ở Hà Nam, bà được bàn giao lại cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội và chính quyền địa phương để tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà 14 ngày theo đúng quy định.

Ngày 18/4 bệnh nhân có kết quả dương tính COVID-19 và đã được cho nhập viện theo dõi. Những người liên quan đã được khoanh vùng để xét nghiệm, cách ly, đảm bảo không để lây nhiễm ra cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nói với CAND Online rằng trường hợp của bệnh nhân 188 chứng tỏ rằng virus SARS-CoV-2 vẫn còn trong người bệnh nhân, nên hiện tượng dương tính có thể xuất hiện trở lại. Điều này không hiếm gặp ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc.
Bệnh nhân 188 khỏi bệnh ngày 14/4, về nhà theo dõi sức khỏe tiếp thì phát hiện dương tính trở lại.

Theo tin từ Bộ Y tế, cả nước hiện có tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 62.998, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 279 người, cách ly tập trung là 11.338 người.

Về tình hình điều trị ba ca bệnh nặng, bệnh nhân 91 (phi công người Anh) tiếp tục có diễn biến lâm sàng ổn định, bệnh nhân không còn tình trạng chảy máu. Tất cả các bệnh nhân COVID-19 nặng đều được hội chẩn thường xuyên bởi các chuyên gia đầu ngành. Việt Nam là một trong 3 quốc gia trên thế giới có trên 200 trường hợp nhiễm COVID-19 trở lên chưa có trường hợp tử vong.

Đêm 19/4 (theo giờ Việt Nam), các Bộ trưởng Y tế G20 tiến hành cuộc họp trực tuyến để thảo luận về tác động của COVID-19 đối với sức khỏe toàn cầu. Đại diện Bộ Y tế Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tham dự.

Thế giới xuất hiện "điểm nóng" dịch COVID-19 mới

Tiếp tục đà diễn biến khó lường, dịch COVID-19, tính đến 7h30 sáng nay (20/4), đã gây ra cái chết cho 165.004 người trên thế giới, chủ yếu tại Mỹ và châu Âu. Mức tăng số ca nhiễm mới trong 24h cao, khoảng 75.000 ca, nâng tổng số người mắc toàn cầu lên 2.406.240.

Thống kê tình hình dịch bệnh tại một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19. Ảnh: Worldometer

Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới với 764.303 ca nhiễm và 40.548 ca tử vong, tăng lần lượt 25.511 và 1.534 ca. Số ca nhiễm và tử vong tại Mỹ giảm so với vài ngày trước. Tại Mỹ đang bùng lên những tranh cãi về việc có nên sớm mở lại nền kinh tế hay không.

Ngày qua, một số người dân ở Minnesota, Michigan, Ohio, Bắc Carolina, Virginia và các bang khác vài ngày qua biểu tình phản đối kéo dài lệnh yêu cầu công chúng ở nhà. Tổng thống Trump bày tỏ sự ủng hộ với người biểu tình trong khi các bang phản đối.

Tây Ban Nha, ổ dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai thế giới, ghi nhận thêm 4.258 ca nhiễm và 410 ca tử vong trong 24h qua, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 198.674 và 20.453. Các chuyên gia y tế lo ngại số người chết vì dịch tại nước này trên thực tế cao hơn báo cáo.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 18/4 quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến 9/5, song với những hạn chế linh hoạt hơn, ví dụ cho phép trẻ em ra khỏi nhà trong thời gian ngắn. Nhiều doanh nghiệp tại Tây Ban Nha cũng được phép hoạt động lại.

Người điều khiển giao thông được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Nga. Ảnh:  MT

Italia báo cáo 3.047 ca nhiễm mới 24h, mức tăng ngày càng giảm đi so với hơn một tháng qua, nâng tổng số người nhiễm lên 178.972. Nước này ghi nhận thêm 433 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 23.660. 

Pháp báo cáo thêm 1.101 ca nhiễm, mức thấp nhất trong nhiều tuần. Nước này  thêm 395 ca tử vong, đẩy tổng số ca tử vong lên 19.718 trong tổng số 152.894 người nhiễm.

Khác với tình hình đã hạ nhiệt tại các nước trên, dịch diễn biến phức tạp tại Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, kéo theo nguy cơ biến các nước thành thành những "điểm nóng" mới.

Ngày qua, Anh ghi nhận thêm tới 5.850 ca nhiễm và 596 ca tử vong vì COVID-19, nâng số người nhiễm và thiệt mạng từ đầu dịch lên 120.067 và 16.060. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia vừa vượt Trung Quốc về số người nhiễm COVID-19, báo cáo 2.017 ca tử vong trong hơn 86.300 người nhiễm bệnh.

Nga, dù đã áp dụng các biện pháp phong toả từ sớm, nhưng đến nay ghi nhận tổng cộng 42.853 ca COVID-19 sau khi báo cáo hơn 6.000 ca nhiễm mới trong một ngày. Số người chết vì COVID-19 tại Nga thấp hơn mặt bằng chung, ở mức 361 ca.

Ở khu vực Đông Nam Á, số ca nhiễm COVID-19 đã vượt 23.000, trong đó Singapore vượt Indonesia để trở thành vùng dịch lớn nhất với 6.588 ca nhiễm và 11 ca tử vong. Indonesia có 6.575 ca nhiễm, 582 ca thiệt mạng; Philippines đứng kế tiếp với 6.259 người bệnh và 409 ca chết vì dịch.

Thiện Minh
.
.
.