Việt Nam thêm 19 ca COVID-19; hơn 1.200 người châu Âu chết vì dịch trong một ngày
- Số người nhiễm COVID-19 tại Việt Nam đã lên 106
- Có thể cấp thuốc điều trị tại nhà cho người bệnh để phòng COVID-19
- Qua mặt Mỹ, Tây Ban Nha trở thành ổ dịch COVID-19 lớn thứ ba thế giới
Ngày 22/3, Việt Nam ghi nhận thêm 19 ca dương tính với COVID-19, gồm 6 ca ở Hà Nội, 7 ca ở TP HCM, bốn ca ở Đồng Tháp, hai ca ở Trà Vinh. Đây là mức tăng cao nhất trong ngày mà Việt Nam ghi nhận từ khi dịch xuất hiện ở nước ta cuối tháng 1/2020.
Trong 5 ca đầu tiên được thông báo vào buổi sáng (bệnh nhân 95-99) có ba người Việt và hai người Anh ở TP HCM. Ba ca người Việt đều trở về từ Pháp.
Việt Nam hiện có 106 ca dương tính với COVID-19. |
Hai ca người Anh (bệnh nhân 97 và 98) là nam, 34 tuổi, trú cùng nhau tại Quận 4, TP HCM. Bệnh nhân 97 ở Malaysia trong hai tuần trước khi đến Việt Nam. Ngày 14/3, bệnh nhân có đến quán Bar Buddha, nơi bệnh nhân 91, phi công người Anh của Vietnam Airlines, cũng tới cùng ngày.
Trong 7 ca được thông báo hơn 8h tối 22/3, bệnh nhân số 100 ở TP HCM, là nam, 55 tuổi về nước từ Malaysia hôm 3/3. Ông được hướng dẫn tự cách ly tại nhà. Từ ngày 4/3 đến 17/3, bệnh nhân đi lễ 5 lần một ngày tại Thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar.
Bệnh nhân 101 đến 104 được phát hiện dương tính tại khu cách ly Đồng Tháp. Họ đều là hành khách trên chuyến bay của Vietnam Airlines số hiệu VN50 từ Anh về sân bay Cần Thơ sáng 18/3.
Tại khu cách ly Trà Vinh, ngành y tế phát hiện hai ca bệnh (bệnh nhân 105 và 106) là hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không AirAsia số hiệu AK575 từ Malaysia về tới sân bay Cần Thơ sáng 18/3.
Biểu đồ thể hiện số ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam. |
Trong 7 ca được thông báo lúc 21h45 (bệnh nhân 107-113), có ba người trở về từ Anh, hai người từ Pháp, một người từ Mỹ và một người là con gái của bệnh nhân 86. 6 bệnh nhân có hộ khầu thường trú tại Hà Nội, một người ở Nam Định, cách ly tại Hà Nội và Hưng Yên nhưng đã đều được đưa về Hà Nội để điều trị.
Đến nay, Việt Nam có 17 người đã khỏi bệnh, 96 người đang điều trị. Hôm 22/3, có 10 bệnh nhân COVID-19 xét nghiệm âm tính, trong đó ba bệnh nhân hai lần liên tiếp xét nghiệm âm tính, 7 bệnh nhân âm tính lần một. Đa số bệnh nhân sức khỏe ổn định. Số liệu của Bộ Y tế cũng cho biết, tính đến hết ngày 22/3, tổng số trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 đã loại trừ là 7.947. Tổng số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly là 645. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 52.790, trong đó cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 30.295 người. Tổng số mẫu đã xét nghiệm cộng dồn: 17.148. Hà Nội là địa phương có nhiều người bệnh nhất với 37 ca, TP HCM đứng sau với 27 ca. |
Trong khi đó, thế giới 24h qua chứng kiến mức tăng số ca nhiễm COVID-19 mới rất cao, khoảng 30.000 ca, chủ yếu ở châu Âu và Mỹ, nâng tổng số ca toàn cầu lên 336.075 với 14.613 trường hợp tử vong. Dịch xuất hiện ở 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số nước có trên 1.000 ca nhiễm bệnh là 25.
Số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 chưa có dấu hiệu chững lại. Ảnh chụp màn hình Worldometer |
Tại Mỹ, thêm 8.149 ca nhiễm mới được xác định, con số chưa từng có trên thế giới, nâng số ca nhiễm lên 32.356, trong đó 414 người chết, tăng 112 trường hợp trong một ngày. Nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu vật tư y tế.
Italia, vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, ghi nhận 59.138 ca nhiễm và 5.476 người tử vong, tăng lần lượt 5.560 và 651 ca. Tỷ lệ tử vong tương đương 9,2%, gấp hơn hai lần tỷ lệ trung bình toàn cầu 4,2%.
Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ hai châu Âu với 28.603 ca nhiễm, 1.756 ca tử vong, tăng lần lượt 3.107 và 375 ca so với một ngày trước đó. Đức một ngày qua cũng có thêm 2.488 ca nhiễm, 10 ca tử vong, nâng số bệnh nhân lên gần 25.000.