Việt Nam đối mặt với tốc độ già hóa dân số quá nhanh

Thứ Hai, 17/07/2017, 16:17
Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với tốc độ quá nhanh, trong khi lại là nước có mức thu nhập trung bình thấp. Hiện nay, cả nước hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số.



Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%. 

Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì với tốc độ già hóa như hiện nay, Việt Nam chỉ mất 15 năm. Những con số này được Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết tại "Hội thảo quốc tế thích ứng với già hóa dân số" do Bộ Y tế phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức tại Hà Nội ngày 17 và 18-7.

Vì thế, hội thảo quốc tế này đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam, bởi là nơi các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, cộng đồng đầu tư, cung cấp dịch vụ doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học … của các nền kinh tế thành viên APEC và các đối tác của APEC chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc y tế trong bối cảnh già hóa dân số.

Do đó, Việt Nam có thể học hỏi từ các sáng kiến của các nước như “Nguồn lực tài chính cho hệ thống an sinh xã hội trong bối cảnh già hóa dân số”, “Vai trò của lĩnh vực tư nhân, NGOs trong xã hội già hóa”, “Mô hình thành phố thân thiện với người già ở Đài Loan”  vv…

200 đại biểu của các nước đến Hà Nội dự hội nghị về già hóa dân số

Để thích ứng với vấn đề già hóa dân số, Việt Nam đã có nhiều chính sách thiết thực để quan tâm, chăm sóc người cao tuổi. Từ năm 2010, Bộ Y tế đã nghiên cứu xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn; có các qui định tạo thuận lợi cho người cao tuổi khi đi khám, chữa bệnh vv.. Tuy nhiên, nếu chăm sóc người già chỉ dựa vào bệnh viện hay nhà dưỡng lão thì chi phí sẽ cao và tốn kém, cho nên chăm sóc người già ở tại gia đình là rất quan trọng.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: Việt Nam có nét văn hóa riêng, được thế giới đánh giá cao là việc các thế hệ cùng chung sống trong một gia đình, do đó, đây sẽ là điểm mạnh để chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại cộng đồng. Do đó Bộ Y tế đã ban hành Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với việc nhìn nhận một cách toàn diện, tăng cường chăm sóc người cao tuổi ngay tại cộng đồng. Bộ Y tế cũng khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc người già tại cộng đồng. 

Cần tạo môi trường sinh hoạt cộng đồng cũng là cách chăm sóc người cao tuổi

Tại hội thảo, đại biểu của Việt Nam cũng chia sẻ “Sáng kiến, mô hình, bài học kinh nghiệm từ Việt Nam” từ kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Với mô hình đó, người già không bị tách khỏi đời sống gia đình mà vẫn được thoải mái về tinh thần và được chăm sóc chu đáo.

Các ý kiến tại hội thảo này sẽ được đúc kết nhằm giúp Việt Nam và các nền kinh tế APEC hoạch định chính sách về kinh tế - xã hội, từ đó có các giải pháp, hành động cụ thể thích ứng với vấn đề già hóa dân số, nhất là biến những thách thức về già hóa dân số thành cơ hội phát triển kinh tế-xã hội.

Thanh Hằng
.
.
.