Chủ động nhiều giải pháp ứng phó với già hóa dân số

Thứ Bảy, 05/12/2015, 19:48
Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Viết Tiến, tại buổi Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam do Bộ Y tế tổ chức tại thành phố Thái Bình ngày 2/12 vừa qua.


Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng nhấn mạnh: Già hóa dân số đang tăng nhanh ở các nước đang phát triển. Việt Nam là nước có số lượng già hóa dân số nhanh nhất ở các nước châu Á. Tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam trong năm 2014 đã tăng tới 10,5%. Việc già hóa dân số đòi hỏi cấp thiết cần có nhiều chính sách, dịch vụ đối với người cao tuổi, nhằm chủ động ứng phó với việc già hóa dân số.

Đặc thù của Việt Nam: Các cụ bà ngày càng thọ hơn các cụ ông

Dân số Việt Nam sẽ được xếp hạng “siêu già” vào năm 2050 theo tính toán của các Chuyên gia Dân số. Đặc biệt, các Chuyên gia cũng đã nghiên cứu khảo sát cũng như điều tra nguyên nhân về việc các cụ bà ở Việt Nam đang ngày càng thọ hơn các cụ ông. Trao đổi về vấn đề trên, bác sỹ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ đã cung cấp khá nhiều thông tin đáng chú ý .

Toàn cảnh lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và hưởng ứng Ngày Dân số Việt nam tại Thái Bình ngày 2/12.

Theo phân tích của bác sĩ Mai Xuân Phương, tại Việt Nam hiện nay, cứ 200 cụ bà mới có 100 cụ ông. Đó là tỷ số giới tính dân số Việt Nam ở tuổi 80 trở lên. Còn ở tuổi từ 70-79, tỷ số này là 149 cụ bà/100 cụ ông, ở tuổi 60-69 là 131/100. Đây là một trong những thay đổi đáng “giật mình” của thực trạng già hóa dân số nước ta: Ở tuổi càng cao, số phụ nữ đơn thân càng nhiều.

Số liệu từ 4 cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở giai đoạn 1979-2009 đã cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi ở nhóm tuổi thấp nhất từ 60-69 tăng chậm, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ở nhóm cao tuổi trung bình 70-79 và già nhất từ 80 trở lên có xu hướng tăng nhanh hơn. Tốc độ già hóa dân số tăng mạnh mẽ, đồng thời việc mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêng về phía phụ nữ cao tuổi, và tốc độ già hóa dân số cũng làm thay đổi mạnh mẽ cấu trúc gia đình.

Số người cao tuổi (NCT) tăng lên, trong đó những người sống đơn thân cũng nhiều lên do xu hướng gia đình hạt nhân (chỉ có bố mẹ và con cái) đang ngày càng phát triển. Số liệu từ các cuộc điều tra mức sống hộ gia đình giai đoạn 1993 - 2008 chỉ rõ xu hướng thay đổi này: Tỷ lệ NCT sống với con cái giảm xuống từ gần 80% vào năm 1993 xuống còn 62% vào năm 2008; tỷ lệ NCT sống cô đơn và tỷ lệ hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng NCT thì tăng lên; tỷ lệ hộ gia đình “khuyết thế hệ” dù chưa cao nhưng cũng đã tăng hơn hai lần.

Theo đó, ngày càng có nhiều NCT sống góa vợ (chồng), số lượng cụ bà góa chồng cao gần 5,5 lần số cụ ông góa vợ. Số cụ bà sống ly hôn, ly thân cũng cao hơn số cụ ông sống ly hôn, ly thân 2,2 lần. Đặc biệt, tỷ lệ người già sống cô đơn hoặc hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng già tăng đột biến. Chỉ trong 15 năm (1993 - 2008), tỷ lệ này tăng hơn gấp đôi (từ 12% lên 30%). Một điểm rất đáng lưu ý là nếu tình trạng mất cân bằng giới tính ở trẻ em do số trẻ trai cao hơn số trẻ gái, thì tình trạng này ở NCT lại ngược lại - số phụ nữ đang lớn hơn nhiều so với nam giới.

Cần một chiến lược dài hạn, giải pháp phù hợp  

Tại buổi Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số và hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam ngày 2-12, ông Ngô Trọng Vịnh, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng cho biết, với số dân gần 92 triệu người, Việt Nam hiện vẫn giữ vị trí đông dân thứ 14 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, và tình trạng Già hóa dân số đã đưa vấn đề Dân số trở thành  đáng quan tâm ở Việt Nam. Dự kiến đến năm 2050 tuổi thọ của người Việt Nam sẽ lên đến trên 80,4 tuổi.

Thống kê của Tổng Cục DS-KHHGĐ, 95% người cao tuổi (NCT) của Việt Nam mắc bệnh chủ yếu là các bệnh mạn tính không lây. Trong đó, tỷ lệ NCT ở nông thôn bị đau ốm hoặc bị chấn thương trong 12 tháng được điều trị bởi cán bộ y tế là rất thấp, chỉ  khoảng 13,1%, con số này, bằng một nửa so với thành thị. Có khoảng 35% NCT cảm thấy buồn chán, thất vọng; 22% NCT cảm thấy cô đơn và 33% NCT không chia sẻ cùng ai vui, buồn.

Do đó, rất cần những giải pháp cấp thiết để giải quyết tình trạng NCT Việt Nam thoát ra khỏi tình trạng cuộc sống đi vào bế tắc. Chủ đề của “Tháng Hành động Quốc gia về Dân số Việt Nam” năm nay là “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi” cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của nhà nước đối với người cao tuổi. Trong đó sẽ có nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về già hóa dân số, sao cho mỗi người dân, mỗi cộng đồng đều thấy rõ trách nhiệm của mình đối với lớp người cao tuổi, đồng thời góp phần tác động chính sách để các Bộ, ngành và các địa phương có những chính sách hiệu quả, thiết thực trong chăm sóc và phát huy vai trò NCT.

Người cao tuổi cần được chăm sóc sức khoẻ toàn diện cả vể thể chất và tinh thần

Cũng theo ông Vịnh, chủ đề trên cũng là một thông điệp hết sức nhân văn với việc huy động toàn bộ cộng đồng chăm sóc NCT, là lớp người đã có cống hiến to lớn cho đất nước, xã hội và gia đình. Trong đó, chăm sóc NCT không chỉ là chăm sóc y tế mà cần chăm sóc toàn diện, cả về vật chất lẫn tinh thần, sao cho mỗi người khi về già đều có được một cuộc sống đảm bảo và an toàn.

Do vậy, vấn đề chính của công tác dân số hiện nay của Việt Nam là cần có chiến lược dài hạn, đề ra những giải pháp phù hợp, kịp thời và đồng bộ để giải quyết các vấn đề nảy sinh khi một quốc gia bước vào giai đoạn Già hóa dân số. Đặc biệt, cần quan tâm thực chất tới 23,5% NCT nghèo, gần 100.000 NCT cô đơn và rất nhiều NCT khuyết tật, khó khăn không có lương hưu bằng các chính sách hiệu quả với sự huy động đóng góp của cộng đồng, xã hội; tạo điều kiện để NCT tự phát huy nội lực, rèn luyện, chăm sóc sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, xã hội, tiếp tục lao động, phát triển kinh tế ... để có một tuổi già tích cực, góp phần an sinh xã hội.

Huyền Nga
.
.
.