Việt Nam liên tiếp đón tin vui, thế giới vượt mốc 2,5 triệu người nhiễm COVID-19

Thứ Tư, 22/04/2020, 07:40
Việt Nam bước sang ngày thứ 6 liên tiếp không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới. Trong khi đó, thế giới tiếp tục chứng kiến những diễn biến dịch phức tạp, với số ca nhiễm vượt mốc 2,5 triệu.

Việt Nam đón nhiều tin tích cực

Bộ Y tế sáng nay (22/4) và cả ngày hôm qua (21/4) không thông báo thêm ca nhiễm mới COVID-19, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp Việt Nam không có thêm người bệnh mới. Cả nước hiện có 268 người nhiễm COVID-19, trong đó 216 người khỏi bệnh.

Ảnh minh hoạ

Theo tin từ Bộ Y tế, hơn 75.700 người đang được cách ly, trong đó tại bệnh viện 268 người, tại cơ sở tập trung hơn 15.300 người, số còn lại cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.

Hôm nay đánh dấu thời điểm kết thúc ba tuần cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ. Hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và HCM không ghi nhận ca nhiễm mới sau lần lượt 7 và 15 ngày.

Ngày 21/4, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải kế hoạch tăng khai thác các đường bay nội địa giai đoạn từ ngày 23/4 đến ngày 30/4.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảnh báo, do dịch đã lây lan ra cộng đồng, khả năng lây nhiễm còn tiềm ẩn nên người dân cần tuyệt đối tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng để phòng, chống dịch.

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.

Ghi nhận của CAND Online, dù vẫn đang trong thời gian cách ly toàn xã hội nhưng tại Hà Nội vẫn có những người thiếu ý thức ra đường vô tư không đội mũ bảo hiểm, quên đeo khẩu trang tại các nơi công cộng. Không ít trường hợp đã bị lực lượng chức năng xử phạt nghiêm. 

Sáng 21/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương tổ chức họp báo trực tuyến, theo đó thông báo về diễn biến dịch bệnh COVID-19 ở khu vực, các biện pháp WHO ứng phó cũng như những tình huống mà các quốc gia sẽ phải đối mặt trong tương lai. 

Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho rằng: “Việt Nam đã cho thế giới thấy sự lãnh đạo hiệu quả, quyết liệt và  xuyên suốt nhiều cấp chính quyền, từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho đến các địa phương". TS Takeshi khẳng định: "Theo những gì chúng tôi ghi nhận, Việt Nam đã đề ra được kế hoạch phù hợp và thực hiện nó đúng với những gì đã dự đoán trước, trong mỗi giai đoạn".

Thế giới vượt 2,5 triệu người nhiễm COVID-19

Tiếp tục đà diễn biến khó lường, dịch COVID-19, tính đến 7h30 sáng nay (22/4), đã gây ra cái chết cho 177.437 người trên thế giới, chủ yếu tại Mỹ và châu Âu. Mức tăng số ca nhiễm mới trong 24h cao, khoảng 75.700 ca, nâng tổng số người mắc toàn cầu lên 2.556.236.

Nga. Thổ Nhĩ Kỳ và Anh là các nước có biến động mạnh về dịch COVID-19. Ảnh: Worldometer

Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 819.620 ca nhiễm và 45.315 ca tử vong, tăng lần lượt 26.861 và 2.800 ca. Số tử vong tại Mỹ tăng mạnh trở lại so với vài ngày trước. Tại Mỹ đang bùng lên những tranh cãi về việc nên hay không mở cửa lại nền kinh tế.

Chuyên gia tại CDC Mỹ cảnh báo nước này có thể đối mặt với làn sóng tấn công thứ hai của dịch COVID-19, vốn sẽ gây ra nhiều tổn thất hơn đợt đầu tiên, nếu các biện pháp cách ly xã hội không được thực hiện hiệu quả.

Tây Ban Nha, ổ dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai thế giới, ghi nhận thêm 3.968 ca nhiễm và 430 ca tử vong trong 24h qua, nâng số ca mắc COVID-19 và tử vong lên lần lượt 204.178 và 21.282. Các chuyên gia y tế lo ngại số người chết vì dịch tại nước này trên thực tế cao hơn báo cáo.

Italia báo cáo 2.729 ca nhiễm mới 24h, mức tăng ngày càng giảm đi so với hơn một tháng qua, nâng tổng số người nhiễm lên 183.958. Nước này ghi nhận thêm 534 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 24.648. Con số này cho thấy đà hạ nhiệt tại Italia trong 10 ngày qua.

Pháp, vùng dịch thứ tư thế giới và thứ ba châu Âu, báo cáo thêm 2.667 ca nhiễm, tăng trở lại so với vài ngày  nhất. Nước này ghi nhận 531 ca tử vong trong ngày, đẩy tổng số ca tử vong lên 20.796 trong tổng số 158.050 người nhiễm.

Tại Đức, chính phủ nước này nhận nhiều lời khen ngợi vì ứng phó dịch COVID-19 và đã mở cửa trở lại nhiều phần của nền kinh tế. Hôm qua, Đức chỉ báo cáo thêm hơn 1.300 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 148.400. Tại Đức có 5.068 ca tử vong vì dịch.

Khác với tình hình đã ổn định hoặc hạ nhiệt tại nhiều tâm dịch đứng đầu thế giới, dịch diễn biến phức tạp tại Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, kéo theo nguy cơ biến các nước thành thành những "điểm nóng" mới.

Các khu chợ ở Thổ Nhĩ Kỳ phải đóng cửa vì dịch COVID-19.

Ngày qua, Anh ghi nhận thêm 4.301 ca nhiễm và 828 ca tử vong vì COVID-19, nâng số người nhiễm và thiệt mạng từ đầu dịch lên 129.044 và 17.337. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thứ 7 vượt Trung Quốc về số người nhiễm COVID-19, báo cáo 2.259 ca tử vong trong gần 96.000 người nhiễm bệnh.

Nga, dù đã chuẩn bị kĩ lưỡng cho ứng phó với dịch, nhưng đến nay đã báo cáo gần 53.000 ca COVID-19 sau khi ghi nhận hơn 5.600 ca nhiễm mới trong một ngày. Số người chết vì COVID-19 tại Nga thấp hơn mặt bằng chung, ở mức 456 ca.

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây trấn an người dân rằng dịch sẽ sớm qua và nước này có đủ nguồn lực y tế, năng lực khoa học kĩ thuật và một nền kinh tế đủ vững mạnh.

Ở Đông Nam Á, số ca nhiễm COVID-19 leo thang gần mốc 30.000, trong đó Singapore là vùng dịch lớn nhất với 9.125 ca nhiễm và 11 ca tử vong. Indonesia có 7.135 ca nhiễm, 616 ca thiệt mạng; Philippines đứng kế tiếp với 6.599 người bệnh và 437 ca chết vì dịch.

Đông Timor và Lào là hai nước ít chịu ảnh hưởng của đại dịch, với lần lượt 23 và 19 ca nhiễm COVID-19. Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào là những nước chưa có ca tử vong nào.

Thiện Minh
.
.
.