Việt Nam có kinh nghiệm trong phòng dịch bệnh nguy hiểm
- Đề phòng dịch bệnh MERS-CoV khi tới Trung Đông
- Phòng dịch bệnh nhưng không biết mua chất khử khuẩn ở đâu
- Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch Zika
Năm 2015, tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần 68, nhiều mạng lưới phòng chống dịch bệnh của các nước đã học kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh của Việt Nam và các nước châu thổ sông Mêkong. Mong muốn có cái nhìn tổng quát về công tác này, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế):
PV: Nhiều năm qua, Việt Nam đã kiên cường không để nhiều dịch bệnh nguy hiểm tràn vào, cho thấy công tác phòng chống dịch đáng tự hào. Ông có thể chia sẻ về những thành tích nổi bật đã được quốc tế đánh giá cao?
PGS.TS. Trần Đắc Phu. |
PGS.TS. Trần Đắc Phu: Việt Nam đã có kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bài học điển hình trong phòng chống SARS. Bởi thế, chúng ta đã thành công trong việc ngăn chặn, khống chế các dịch bệnh nguy hiểm trên phạm vi toàn cầu như Ebola, MERS-CoV và tiếp tục ngăn chặn hiệu quả dịch cúm A(H7N9) xâm nhập, mặc dù dịch vẫn diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, trong đó nhiều tỉnh nằm sát biên giới Việt Nam. Dịch cúm A(H5N1), A(H5N6) cũng liên tục xuất hiện trên gia cầm nhưng không có trường hợp nào mắc ở người.
Một thành tựu nữa còn là kết quả chiến dịch tiêm vaccine sởi – rubella cho gần 20 triệu trẻ từ 1 - 14 tuổi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR). Nhờ đó, dịch sởi được khống chế, giúp tiến tới loại trừ bệnh sởi, giảm đáng kể số mắc Rubella - căn bệnh gây dị tật cho trẻ sơ sinh nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh. Mặc dù rất nhiều khó khăn, nhưng tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi vẫn đạt trên 95%, nên Việt Nam tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, uốn ván sơ sinh và các bệnh có vaccine TCMR; khống chế dịch tay chân miệng, bệnh dại, viêm não virus. Ngay cả dịch sốt xuất huyết tuy số mắc bệnh tăng so với năm 2014 nhưng tỷ lệ mắc/100.000 dân thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực, như Malaysia, Philippine. Những kết quả này do hệ thống y tế dự phòng đã chủ động, khoa học trong giám sát, phát hiện, ứng phó kịp thời, triển khai tốt công tác phòng chống dịch từ Trung ương tới địa phương.
Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch. |
PV: Thưa ông, kinh nghiệm phòng chống dịch đã để lại những bài học quý báu gì để Việt Nam tiếp tục làm tốt công tác ngăn chặn dịch?
PGS.TS. Trần Đắc Phu: Trước hết, phòng chống dịch phải chủ động, kịp thời: Dự phòng tích cực, đầu tư cho công tác phòng bệnh từ đầu chứ không đợi dịch xảy ra mới cấp kinh phí. Vì thế, ngành Y tế luôn chủ động giám sát trọng điểm các bệnh dịch cúm, sớm phát hiện và giám sát các trường hợp viêm phổi nặng, nhằm giám sát nguy cơ; giám sát phát hiện ca bệnh sớm để tổ chức bao vây dập dịch, không để lây lan; giám sát ngay tại cửa khẩu kể cả khi dịch chưa xâm nhập.
Chúng ta đã đủ năng lực chẩn đoán, xét nghiệm các bệnh mới nổi, không phải mang ra nước ngoài xét nghiệm, nên kết quả được xác định nhanh, phục vụ tốt cho việc phòng, chống dịch. Sự phối hợp giữa dự phòng và điều trị rất chặt chẽ để xử lý nhanh gọn, vì các ca bệnh thường được phát hiện từ bệnh viện khi bệnh nhân vào điều trị.
Ngành y tế cũng chủ động có các biện pháp phòng bệnh phù hợp, khoa học để hạn chế dịch xảy ra; sử dụng các vaccine hiệu quả và an toàn, để người dân được sử dụng nhiều loại vaccine phòng dịch bệnh, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh, nguy hiểm. Vì tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để khống chế, loại trừ thậm chí có thể thanh toán được dịch bệnh.
Một kinh nghiệm nữa là phải thể hiện tính khoa học và thực tiễn. Đặc điểm dịch tễ (ổ chứa, nguồn bệnh, sự phát sinh, lây lan, phát triển dịch bệnh) của mỗi bệnh dịch khác nhau, phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên lẫn yếu tố xã hội, điều kiện kinh tế của mỗi nước, mỗi vùng.
Ví dụ năm 2015 do hiện tượng Elnino, thời tiết nóng kéo dài nên dịch sốt xuất huyết tăng mạnh; tập quán ăn tiết canh, ăn uống mất vệ sinh nên người dân bị bệnh liên cầu lợn; và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và hiện nay là ổ dịch lỵ trực trùng xảy ra tại Yên Bái, do không quản lý được nguồn phân khi tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp, tỷ lệ tiêm phòng thấp; việc lo ngại phản ứng sau tiêm đã gây dịch sởi, ho gà bùng phát; những địa phương không đầu tư cho công tác phòng chống dịch đã để dịch lan rộng, kéo dài…Hướng dẫn giám sát, phòng chống, xử lý ổ dịch cũng như phác đồ điều trị bệnh khoa học và hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh nước ta.
Việc ưu tiên đầu tư cho phòng bệnh cần thực hiện từ đầu năm. Công tác tuyên truyền phải chú trọng hơn để mỗi người đều chủ động phòng bệnh, bắt đầu từ việc tiêm phòng bệnh. Công tác phòng chống dịch vô cùng quan trọng, là phòng tuyến bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vì thế, cần có sự chỉ đạo của Chính phủ để huy động được sự tham gia cùng lúc của các bộ, ngành. Giải quyết tốt dịch bệnh là góp phần giải quyết quá tải bệnh viện, đảm bảo an ninh sức khỏe, an sinh xã hội.
PV: Ngày càng có nhiều dịch bệnh lạ, nguy hiểm nên vấn đề phòng bệnh càng quan trọng. Vấn đề làm thế nào để hiệu quả, thưa ông?
PGS.TS. Trần Đắc Phu: Phòng và chống dịch phải hài hòa, đồng bộ, trong chống có phòng và trong phòng phải có giải pháp sẵn sàng chống nếu dịch xảy ra. Vì thế, cần giám sát chặt chẽ dịch bệnh, nắm bắt thông tin kịp thời, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để điều tra, khoanh vùng và xử lý, không để lan rộng trên cơ sở có hệ thống giám sát và triển khai các hoạt động phòng chống dịch đủ năng lực.
Phải áp dụng các biện pháp phòng chống phù hợp từng bệnh mới mang lại hiệu quả: sử dụng vaccine, hay diệt muỗi, bọ chét, hoặc đảm bảo ATTP…và phải dựa trên sự tham gia mạnh mẽ của chính quyền các cấp. Về lâu dài phải giải quyết tốt được vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, ATTP, nâng cao ý thức người dân để thay đổi hành vi phòng bệnh, thay đổi tập quán, cách sống lạc hậu, đảm bảo phòng bệnh chủ động. Khi có dịch, cộng đồng phải chung tay phòng chống.
PV: Ông nghĩ sao trước yêu cầu ngành y tế cần công khai thông tin khi có dịch bệnh để tránh việc thông tin sai lệch, đặc biệt khi mạng xã hội phát triển như hiện nay?
PGS.TS. Trần Đắc Phu: Phải công khai, minh bạch về tình hình dịch bệnh, vì sẽ giúp người dân chủ động trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên việc truyền tải thông tin thế nào rất quan trọng. Nếu đưa thông tin không chính xác, người dân sẽ quá lo lắng, thậm chí ảnh hưởng đến đời sống xã hôi, phát triển kinh tế…
Ví như dịch cúm gia cầm chỉ có tại một địa phương, mà truyền thông không tốt dẫn tới người dân cả nước tẩy chay thực phẩm gia cầm, ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội. Để làm tốt việc này, cần sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông, trong đó ngành y tế đóng vai trò cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời.
PV: Theo dự báo, tình hình dịch bệnh năm 2016 sẽ ra sao, thưa ông?
PGS.TS. Trần Đắc Phu: Dịch bệnh sẽ có diễn biến khó lường với sự bùng phát và lan truyền của các bệnh mới nổi mà ngay cả các cường quốc cũng khó ngăn chặn triệt để. Dịch bệnh sẽ xảy ra ngay sau khi có ca bệnh xâm nhập hoặc phát sinh, nếu phát hiện sớm và khống chế kịp thời cũng chỉ có thể không để dịch bệnh bùng phát mạnh mà thôi.
Một số bệnh đã có vaccine tiêm chủng vẫn có thể gia tăng số người mắc, do sau nhiều năm các trường hợp không tiêm chủng tích tụ lại. Nếu không duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao, những người này dễ mắc bệnh và làm lây lan. Một khi tỷ lệ tiêm chủng giảm, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng xuống thấp, thì bất kỳ ai đều có thể mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch do chưa được tiêm chủng hoặc chưa có miễn dịch tự nhiên.
Một số dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người cũng cần cảnh báo, do chăn nuôi phát triển và con người đi vào rừng sâu nhiều hơn… Các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, dịch hạch cũng có nguy cơ lan rộng do biến đổi khí hậu, tập quán di cư, thói quen, lối sống của người dân, đặc biệt thói quen ăn uống không đảm bảo vệ ăn gỏi, ăn tiết canh đã gây ra các trường hợp tử vong do liên cầu lợn, hoặc bệnh do ký sinh trùng, hay vứt phế thải xung quanh nhà làm dịch sốt xuất huyết phát triển…
Trong các yếu tố trên thì việc giao lưu đi lại đóng vai trò rất quan trọng, vì dịch bệnh từ nước xa xôi nhất có thể theo người nhập cảnh, hàng hóa, phương tiện vào Việt Nam trong vòng 24 giờ và giữa các khu vực trong nước chỉ là vài giờ, do xu thế toàn cầu hóa ngày nay.
PV: Cám ơn ông!