Việt Nam chưa có phương tiện chẩn đoán nhanh, chưa có miễn dịch cộng đồng với virus Zika

Thứ Ba, 02/02/2016, 17:58
Ngay sau khi tổ chức cuộc họp của Ủy ban tình trạng khẩn cấp về virus Zika nhằm tìm biện pháp giải quyết tình trạng trẻ sơ sinh bị dị tật não và đầu nhỏ bất thường vào ngày 1- 2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika và đánh giá virus này nguy hiểm, nghiêm trọng như dịch Ebola từng là nỗi kinh hoàng của thế giới năm 2015. Đây là một trong những lần hiếm hoi WHO phải có tuyên bố toàn cầu về y tế.

Vì thế, chiều ngày 2- 2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp khẩn, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nhằm đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời để ngăn chặn virus Zika xâm nhập vào Việt Nam. Cùng dự có đại diện của WHO và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa kỳ (CDC US) và một số quốc tế.

Kiểm dịch y tế ở cửa khẩu quốc tế Nội Bài.

Virus Zika đang lây lan với tốc độ chóng mặt đe dọa toàn thế giới. Nhiều bằng chứng kết luận cho rằng virus Zika đang làm gia tăng các trường hợp trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ. PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, cuộc họp của Tổ chức Y tế Thế giới ngày 2-2, các chuyên gia của WHO đã thống nhất về việc có sự liên quan rõ ràng giữa việc nhiễm virus Zika trong thời kỳ mang thai của người mẹ và chứng não nhỏ của trẻ sơ sinh, mặc dù chưa có bằng chứng khoa học chứng minh đầy đỷ. Các chuyên gia cũng khẳng định việc lưu hành rộng rãi của loài muỗi Aedes là điều kiện để lây lan rộng rãi virus Zika trên thế giới. Những chùm ca bệnh liên quan đến chứng đầu nhỏ ở Braxin và hội chứng thần kinh là một sự kiện không bình thường và đe dọa y tế công cộng tới các khu vực khác trên thế giới.Vì thế, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu WHO và cho rằng, cần có một sự điều phối quốc tế trong đáp ứng nhằm giảm thiểu tác động đối với các nước bị ảnh hưởng và ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo tăng cường phòng chống virus Zika xâm nhập Việt Nam.

Ông Kato, đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh sự quan ngại của WHO tại cuộc họp ngày 2-2 không phải là là sự lây lan nhanh của virus Zika mà là ở chùm ca bệnh teo não của trẻ sơ sinh. Đặc biệt là những biểu diện của bệnh do virus Zika lại tương tự như bệnh sốt xuất huyết, nên rất khó trong việc phát hiện sớm và chẩn đoán bệnh. Với các tình huống đã có, các thành viên của Ủy ban tình trạng khẩn cấp của WHO thống nhất rằng đã đủ các yếu tố cấu thành để tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế.

Ông Kato lưu ý Việt Nam có nhiều điểm khó khăn trong việc ngăn chặn bệnh Zika là, chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, Việt Nam lại chưa có phương tiện chẩn đoán nhanh và đầy đủ, nhất là Việt Nam chưa có miễn dịch cộng đồng. WHO khuyến nghị cần làm tốt công tác giám sát nhưng điều này đòi hỏi phải định nghĩa rõ về ca bệnh. Về năng lực xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của Việt Nam, ông Kato cho rằng, các tổ chức quốc tế có thể sẽ cung cấp trứng dương (trứng của muỗi mang virus Zika) cho Việt Nam sớm. Nhưng có 2 vấn đề Việt Nam cần phải làm để ngăn chặn virus Zika là ngăn chặn vecto truyền bệnh là muỗi, để quản lý không cho muỗi đốt, phòng virus Zika giống như phòng bệnh sốt xuất huyết. Việt Nam cũng cần truyền thông để nâng cao nhận thức về nguy cơ của virus Zika. Theo đó, nếu có ca bệnh nghi ngờ thì cần phải hỏi tiểu sử đi lại, nếu người đó đã đến vùng có dịch thì cần phải khai thác sâu. Cần truyền thông về virus Zika tại các cửa khẩu quốc tế cũng như với nhóm phụ nữ mang thai và có nguy cơ bị bệnh.

Đại diện của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa kỳ, ông Tony khuyến cáo rằng nguy cơ bệnh Zika ở Việt Nam là khá cao. Cho đến nay, các chuyên gia cũng chưa hiểu vì sao lại xuất hiện loại virus này. Vì thế cần tăng cường giám sát nội địa. Trước hết, phải thực hiện các biện pháp giám sát nhanh và hiệu quả là giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết và đã lấy mẫu sốt xuất huyết rồi thì nên xét nghiệm thêm Zika. Các nhân viên y tế cũng cần được truyền thông nâng cao nhận thức, để khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ là báo ngay cho Bộ Y tế.

Đánh giá về tình hình virus Zika, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định việc phòng chống những nguy cơ của dịch bệnh này là rất quan trọng. Bộ trưởng cũng bày tỏ lo ngại khi thời tiết năm nay lạnh bất thường, nhưng bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa giảm, trong khi trước đây thời tiết lạnh là bệnh giảm nhanh. Khó khăn của việc ngăn chặn bệnh do virus Zika là triệu chứng giống với sốt xuất huyết. Vì thế, Bộ trưởng khuyến cáo người dân nếu không cần thiết thì không nên đến các vùng có dịch. Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo kiểm soát những người đi từ vùng dịch về ở các cửa khẩu hàng không.

Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng cần kết hợp với các tổ chức quốc tế để xem có gì thay đổi khi mật độ muỗi vẫn như mọi năm nhưng sốt xuất huyết vẫn xảy ra, dù thời tiết đã lạnh. Tìm hiểu tính nhạy cảm để có thể đổi hóa chất diệt muỗi. Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhanh chóng xây dựng phác đồ điều trị bệnh do virus Zika.

Bên cạnh nỗi lo ngại về virus Zika, một bệnh khác cũng đang khiến các bác sĩ hết sức lo ngại, đặc biệt là trong dịp Tết là liên cầu lợn. GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo đây là căn bệnh gây tử vong cao hơn cả. Trong khi đó vào dịp Tết, nhiều nhà mổ lợn và nhiều người vẫn ăn gỏi sống, tiết canh lợn bị bệnh nên đã có nhiều người mắc liên cầu lợn nhập viện thời gian qua với nguy cơ tử vong rất cao. Những người có thể qua khỏi thì di chứng để lại hết sức nặng nề, chi phí điều trị cũng rất tốn kém, thời gian điều trị kéo dài.

Thanh Hằng
.
.
.