Pháp luật có cho phép người mẹ bán tim để lấy tiền cứu con không?

Thứ Bảy, 17/12/2016, 11:33
Những ngày này, báo chí và mạng xã hội đang xôn xao về việc một người mẹ thông báo bán tim của mình lấy 600 triệu để cứu con trai. Trước thông tin này, PGS.TS Đồng Văn Hệ -Phó Giám đốc Trung tâm điều phối về ghép bộ phận cơ thể người (gọi tắt là Trung tâm điều phối tạng) bày tỏ sự ngạc nhiên.

Bởi ông cho biết, cách hiểu này là phi khoa học, vì không thể hiến tim từ người sống, do mỗi người chỉ có một quả tim. Không ai có thể sống mà không có tim, dù mỗi người có thể hiến một phần gan, một quả thận. Bên cạnh đó, mua bán tạng ở Việt Nam là vi phạm pháp luật.

Điều này để thấy hiểu biết của người dân về việc hiến –ghép tạng còn rất thiếu. Nhưng, không chỉ người dân, mà theo nghiên cứu mới nhất của PGS.TS Đồng Văn Hệ, ngay các bác sĩ và điều dưỡng hiểu biết đúng về vấn đề chết não ở cả Hà Nội lẫn các tỉnh miền núi đều rất thấp. 

Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức

Thông tin này được đưa ra tại chương trình truyền thông về vấn đề hiến –ghép tạng tổ chức tại Lào Cai ngày 17-12, nhằm nâng cao nhận thức cho chính các thầy thuốc để về vấn đề hiến tạng để có thể cứu sống được nhiều người bệnh hơn nữa ở các địa phương.

Việc hiến, tặng mô, tạng là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tỉ lệ người cần được ghép tạng ở Việt Nam tới hàng trăm ngàn người. Tuy nhiên, số người hiến tạng lại rất ít. Vì thế, sau hơn 20 năm Việt Nam tiến hành ghép tạng, mới chỉ có gần 2.000 người được ghép. Rất nhiều người vì không có tạng hiến đã tử vong

Có một nghịch lý là số người bị chết não do tai nạn giao thông mỗi năm tới cả vạn người, nhưng số người hiến tạng rất ít. Một nguyên nhân lớn nhất là do quan niệm của người Việt về vấn đề chết toàn thây, nên không muốn hiến, bên cạnh đó là hầu hết các bác sĩ ở các bệnh viện cũng hiểu biết rất ít về chết não và hiến tạng để có thể giải thích hoặc truyền thông cho người dân.

PGS.TS Đồng Văn Hệ -Phó Giám đốc Trung tâm điều phối tạng

PGS.TS Đồng Văn Hệ -một chuyên gia về thần kinh của Bệnh viện Việt Đức- cho biết người chết não không thể phục hồi được và đương nhiên, không thể tự thở đượ, nhưng số bác sĩ định nghĩa đúng về chết não rất ít. Nhưng có tới 70% bác sĩ, điều dưỡng cho rằng chết não có thể phục hồi; 40% cho rằng chết não có thể tự thở. 44% sinh viên Đại học Y Hà Nội cho rằng có thể cứu sống người chết não, 62% cho rằng bệnh nhân chết não là sống thực vật. Đặc biệt, ở một Bệnh viện đã từng ghép tạng mà có tới 68% bác sĩ, điều dưỡng cho rằng chết não có thể phục hồi. 

Sự hiểu biết không đúng này chắc chắn tác động lớn đến việc vận động, truyền thông cho người dân về việc hiến tạng từ người chết não. Mà, một người chết não có thể cứu sống rất nhiều người bệnh cần ghép mô tạng, khi nhiều trường hợp, ghép tạng là biện pháp duy nhất cứu sống người bệnh.

Đã có 5 năm tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, nhưng bác sĩ Lý Văn Liền ở Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cho biết anh cũng hiểu chưa nhiều về vấn đề chết não và hiến tạng. Nhưng với những kiến thức được cung cấp tại hội nghị về vấn đề hiến tạng, anh đã có thể nắm vững hơn việc chết não cũng như biết được địa chỉ cần thiết để liên lạc khi có người hiến tạng.

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc -Phó Giám đốc Trung tâm điều phối tạng

Một số bác sĩ băn khoăn về quyền lợi của người hiến mô, tạng và được Ths. Nguyễn Hoàng Phúc -Phó Giám đốc Trung tâm điều phối tạng- cho hay: Người hiến tạng sẽ được tặng BHYT suốt đời, được khám sức khỏe miễn phí sau khi hiến.

 Việc hiến tạng sẽ được ưu tiên lần lượt theo thứ tự: trẻ em, người cấp cứu và người đã hiến tạng khi cần thiết. Tuy nhiên, mặc dù những người hiến đều tình nguyện hiến vì mục đích nhân đạo, nhưng tới đây, Trung tâm điều phối tạng cũng sẽ đánh giá lại quyền lợi của người hiến tạng, để có thể cải tiến các chính sách.  

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc nhấn mạnh: Mặc dù nguồn tạng rất hiếm, nhưng cũng không khuyến khích hiến tạng khi còn sống, mà khuyến khích việc hiến tạng từ người chết não.  Vì số người chết não ở Việt Nam rất lớn mỗi năm, là nguồn tạng lớn có thể cứu sống nhiều người bệnh đang cần được ghép tạng. 

Thực tế, quan niệm “chết toàn thây” là không có cơ sở, khi không có tôn giáo nào nói phải “chết toàn thây”, không tôn giáo nào phủ nhận giá trị nhân văn, cao thượng của hành vi hiến tặng mô, tạng, cả Kito giáo, Công giáo và Phật giáo.

Mặc dù nguồn tạng ở Việt Nam rất hiếm, nhưng cũng không thể có nguồn tạng bằng bất cứ giá nào. Trước thực tế lực lượng Công an đã phát hiện những đường dây buôn bán tạng người, bắt cóc trẻ em, mà đa phần ở miền núi, Ths. Nguyễn Hoàng Phúc đã cung cấp thông tin về những hành vi bị nghiêm cấm và bị xử lý hành sự trong việc hiến ghép mô tạng.

 Đó là việc lấy trộm tạng, ép buộc người khác phải cho tạng hoặc lấy tạng của người không tự nguyện hiến; mua bán tạng; lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ tạng vì mục đích thương mại. Việc quảng cáo, môi giới hiến, nhận tạng vi mục đích thương mại hay lợi dung công việc, quan hệ để làm sai lệch kết quả xác định chết não. Người mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác bị phạt tù thấp nhất từ 3-10 năm, thậm chí tù chung thân.

PGS.TS Đồng Văn Hệ: Một bệnh viện có hàng ngàn người chết não vì chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, có thể là nguồn tạng để cứu hàng ngàn người khác. Bên cạnh đó, luật pháp của Việt Nam cho phép việc hiến tạng, tôn giáo cũng ủng  hộ. Vì vậy, vấn đề truyền thông cho người dân đăng ký hiến tạng sau khi qua đời, hay khi chết não rất quan trọng. Trong đó, vai trò của các thầy thuốc là không nhỏ để tạo mạng lưới hiến tạng cho người ghép.



Thanh Hằng
.
.
.