Ung thư gan – “Tử thần” nhưng triệu chứng mờ nhạt

Thứ Ba, 25/06/2019, 15:09
Tỷ lệ người Việt bị ung thư gan ở nam giới luôn cao hơn phụ nữ. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do ngoài mắc viêm gan virus, thì thói quen uống bia rượu, ăn uống thiếu khoa học là một trong những tác nhân gây bệnh.

Theo thống kê, trong 5 loại ung thư mắc nhiều nhất tại Việt Nam ở cả 2 giới thì ung thư gan đang đứng vị trí hàng đầu, tiếp đó là các loại ung thư khác như phổi, dạ dày, vú và đại tràng.

Trên bản đồ ung thư thế giới, tỉ lệ mắc của Việt Nam không cao, nhưng tỉ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ 104,4/100.000 dân. Vào năm 2016, tỉ lệ tử vong của Việt Nam ở mức 110/100.000 dân.

PGS.TS Trịnh Thị Ngọc, chuyên gia Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ tịch Hội Gan Mật Hà Nội cho biết, tỷ lệ bị ung thư gan ở nam giới luôn cao hơn phụ nữ. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do ngoài mắc viêm gan virus, thì thói quen uống bia rượu, ăn uống thiếu khoa học là một trong những tác nhân gây bệnh.

"Ung thư gan diễn biến thầm lặng, ở giai đoạn đầu thường ít có triệu chứng. Sau đó bệnh xuất hiện các triệu chứng khá mờ nhạt nên bệnh nhân dễ nhầm lẫn, hoặc chủ quan bỏ qua. Khi có những dấu hiệu rõ ràng, phần lớn bệnh đã phát triển ở giai đoạn muộn, dẫn đến tỷ lệ chữa khỏi khá thấp. Hiện có tới gần 80% người bị bệnh gan nước ta phát hiện ở giai đoạn muộn" - PGS.TS Trịnh Thị Ngọc cho biết.

Ths.Nguyễn Thu Hương, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Medlatec đang khám cho bệnh nhân

Điển hình là bệnh nhân P.V.C (Sn 1949, nam, Hưng Yên) đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám vì bụng chướng nhiều hơn.

Khai thác tiền sử, bệnh nhân C,. cho biết, ông uống rượu nhiều năm, mỗi ngày uống khoảng 100ml, chưa đi khám bao giờ, có con trai phát hiện viêm B cách đây 10 năm và đang điều trị,

Khoảng 2 tháng nay, bệnh nhân có cảm giác chướng bụng căng dần, kèm theo mệt mỏi, chán ăn, tiểu màu vàng sẫm, dạ xạm, không đau ngực, không khó thở, đại tiện bình thường và không rõ gầy sụt cân. Bệnh nhân có tự mua thuốc uống nhưng không đỡ.

Kết quả khám, siêu âm, chụp X quang, xét nghiệm...bệnh nhân C được chẩn đoán đoán ung thư gan nguyên phát - theo dõi di căn phổi/viêm gan B.

Theo PGS Ngọc, ung thư hiện là mối lo của toàn cầu, bởi vậy nhắc đến ung thư là mọi người nghĩ đến án tử hình, bệnh gây tốn kém chi phí điều trị, ảnh hưởng chất lượng sống. Tuy nhiên, căn bệnh quái ác này hoàn toàn có thể tầm soát, phát hiện sớm và nâng cao hiệu quả điều trị.

Độ dày dịch quanh gan trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính

Theo Cancer. org, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với ung thư gan ở giai đoạn sớm là 31%. Nếu ung thư gan lan rộng đến các mô xung quanh hoặc các bộ phận hay hạch bạch huyết trong khu vực, tỷ lệ sống sót chỉ còn 11%. Khi ung thư di căn tới các bộ phận khác trong cơ thể, tỷ lệ sống 5 năm chỉ còn 3%.

Để tránh xa ung thư, PGS Ngọc khuyến cáo, người dân nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi nhằm cung cấp vitamin, chất chống oxy hóa; đồng thời duy trì chế độ tập luyện đều đặn tăng cường sức khỏe. Tầm soát ung thư gan định kỳ 6 tháng/lần là cách tốt nhất phát hiện sớm bệnh, nhất là những người có nguy cơ cao như: người có tiền sử bị viêm gan tự miễn hoặc trong gia đình có người bị bệnh lý ung thư gan; người bị xơ gan do bất kỳ nguyên nhân; người bị viêm gan virus B, C mạn tính; người nghiện rượu hoặc uống rượu thường xuyên; người thừa cân, béo phì; có tiền sử tim mạch, tiểu đường,..

Đồng thời, người dân cũng nên đi tầm soát ung thư gan ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo sau: đau vùng bụng trên bên phải (đau có thể lan tới lưng và vai); bụng trướng do dịch ứ trong ổ bụng; sụt cân không rõ nguyên nhân; mệt mỏi, ăn uống kém; vàng mắt vàng da, tiểu vàng; phân nhạt màu.

Việc tầm soát sớm có ý nghĩa quan trọng giúp phát hiện sớm, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả điều trị. Hiện nay có nhiều phương pháp phát hiện sớm ung thư gan như siêu âm, xét nghiệm, chụp cắt vi tính (CT-scanner), cộng hưởng từ (MRI), sinh thiết,...

Theo PGS Ngọc, để tiết kiệm cho mỗi lần đi kiểm tra, người dân có thể làm những kỹ thuật cơ bản như siêu âm, xét nghiệm men gan, xét nghiệm AFP...Nếu kết quả có bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định làm các kỹ thuật chuyên sâu tiếp theo để tránh bỏ sót bệnh.


Tr. Hằng
.
.
.