Ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa: Thành tựu vượt bậc trong chẩn đoán và điều trị ung thư

Thứ Sáu, 02/09/2016, 08:01
Ứng dụng các kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa được phổ biến, đào tạo, chuyển giao cho nhiều cơ sở y tế trong cả nước, góp phần đáng kể vào việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh nhân ung thư ở Việt Nam, giảm chi phí cho bệnh nhân và chi phí xã hội. Tổng số tiền tiết kiệm khi ứng dụng các kỹ thuật này là 88,45 triệu USD (khoảng 1.945,9 tỷ đồng).

Bằng việc ứng dụng các kỹ thuật hiện đại, GS. TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu (YHHN và UB), cùng các đồng nghiệp đã trực tiếp chẩn đoán và điều trị cho ông Nguyễn Quốc Hùng (Viện Tim mạch quốc gia) bị ung thư phổi đã di căn toàn thân. Điều kỳ diệu đã đến khi các khối u biến mất hoàn toàn và sau 5 năm, vẫn sống và làm việc bình thường –yếu tố được coi là khỏi bệnh với ung thư. 

Vì thế, không ngạc nhiên khi cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” của GS. TS Mai Trọng Khoa và các cộng sự có tên trong danh sách Giải thưởng Hồ Chí Minh 2016. Nhân dịp này, ngày 31-8, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông:

GS. TS Mai Trọng Khoa.

+ Việc ứng dụng các bức xạ ion hóa vào y học, nhất là trong lĩnh vực ung thư đã được Hội đồng xem xét Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đánh giá là “Sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích hòa bình hiệu quả và an toàn”. Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa to lớn của cụm công trình này?

GS. TS. Mai Trọng Khoa: Việc ứng dụng thành công phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa với các kỹ thuật mới giúp chẩn đoán sớm, chính xác, phát hiện các tái phát, di căn, đánh giá chính xác giai đoạn bệnh, cũng như đánh giá hiệu quả điều trị cho nhiều loại bệnh ung thư và bệnh lý khác. Trên cơ sở đó đưa ra được các phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả và an toàn, đặc biệt, góp phần giải quyết các khó khăn trong chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân ung thư tái phát, di căn, mà các phương pháp trước đó không đáp ứng được.

Các phương pháp nói trên làm tăng rõ rệt tỷ lệ điều trị ung thư khỏi. Do đó, làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trong số bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị tại Trung tâm YHHN và UB. Số bệnh nhân ung thư và một số bệnh khác cũng được chẩn đoán và điều trị thành công ở các cơ sở y tế do Trung tâm YHHN và UB  đào tạo, chuyển giao và hỗ trợ còn nhiều hơn. 

Thành công trên tạo niềm tin cho bệnh nhân ung thư yên tâm điều trị trong nước, không phải ra nước ngoài, đồng thời tạo được uy tín khi các bệnh nhân người nước ngoài bị mắc bệnh ung thư và một số bệnh khác đã đến điều trị thành công tại BV Bạch Mai.

+ Điều gì khiến ông dành tâm huyết nhiều năm cho cụm công trình này, thưa giáo sư?

GS. TS Mai Trọng Khoa: Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ mắc ung thư  rất cao trên thế giới. Hàng năm, số người mới mắc không ngừng tăng, trong đó, một tỷ lệ lớn đã tử vong. Theo GLOBOCAN, riêng năm 2012 tại Việt Nam có 125.000 ca ung thư mới mắc và 94.700 người tử vong. 

Có nhiều nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết do ung thư ở nước ta, nhưng yếu tố rất quan trọng liên quan đến tỷ lệ tử vong là công tác chẩn đoán, điều trị, đặc biệt là chẩn đoán sớm, phát hiện tái phát, di căn ung thư v.v… 

Rất ít bệnh nhân ung thư ở Việt Nam được chẩn đoán và điều trị sớm, hầu hết khi đến BV đã muộn, di căn và biến chứng, khiến việc điều trị rất khó khăn, chi phí điều trị tăng cao, hiệu quả lại thấp, mà tỷ lệ tái phát, tử vong cao so với các nước.

Việc điều trị ung thư thường phải phối hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, điều trị đích.... Trong đó hơn 50% số bệnh nhân ung thư ở nước ta có chỉ định sử dụng bức xạ ion hóa để chẩn đoán và điều trị. Việc chẩn đoán và điều trị ung thư bằng các phương pháp sử dụng bức xạ ion hóa với các kỹ thuật mới đã được thực hiện ở các nước phát triển từ vài thập kỷ trước và ngày càng tiên tiến hiện đại. 

Tuy nhiên, ở nước ta đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Chúng ta chưa có nhiều kỹ thuật chẩn đoán, điều trị hiện đại, đắt tiền có sử dụng các bức xạ ion hóa; thiếu nguồn nhân lực chuyên môn cao trong làm chủ công nghệ mới hiện đại, phức tạp và các phương pháp chẩn đoán, điều trị.

Từ thực tế đó, với các kiến thức, kinh nghiệm có được trong quá trình công tác, học tập ở nhiều nước, nhóm nghiên cứu đã chủ động tìm tòi, chọn lọc để ứng dụng một số kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa, nghiên cứu làm chủ công nghệ, ứng dụng vào thực tế ở Việt Nam. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ tử vong, tăng tỷ lệ chữa khỏi cho bệnh nhân ung thư và một số bệnh ở giai đoạn sớm.

+ Đã có bao nhiêu bệnh nhân được điều trị bằng việc ứng dụng các bức xạ ion hóa, thưa ông?

GS. TS Mai Trọng Khoa: Trung tâm YHHN và UB - BV Bạch Mai đã thực hiện được hơn 60.000 mẫu xét nghiệm bằng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ; hơn 60.000 bệnh nhân ung thư được chẩn đoán bằng kỹ thuật PET/CT, SPECT; hơn 3.400 bệnh nhân u não và bệnh sọ não được điều trị bằng dao gamma quay; 6.200 bệnh nhân ung thư được điều trị bằng máy xạ trị gia tốc tuyến tính với kỹ thuật xạ trị điều biến liều và kỹ thuật 3D kết hợp hình ảnh PET/CT hoặc CT mô phỏng; hơn 2.100 bệnh nhân ung thư tuyến giáp và 1.500 bệnh nhân bướu tuyến giáp lan toả nhiễm độc được điều trị bằng I-131.

+ Một điều kiện quan trọng để cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh phải là những con số mang lại lợi ích cụ thể. Giáo sư có thể “bật mí”điều này?

GS. TS Mai Trọng Khoa: Những kết quả nghiên cứu, ứng dụng này đã được phổ biến, đào tạo, chuyển giao cho nhiều cơ sở y tế trong cả nước, góp phần đáng kể vào việc chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh nhân ung thư ở Việt Nam, tăng tỷ lệ điều trị trong nước, thay vì phải ra nước ngoài như trước, giảm chi phí cho bệnh nhân và chi phí xã hội cho việc chẩn đoán và điều trị. Tổng số tiền tiết kiệm được khi ứng dụng các kỹ thuật của cụm công trình này là 88,45 triệu USD (khoảng 1.945,9 tỷ đồng).

+Cảm ơn giáo sư!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.