Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh: Nhà nhà hưởng lợi!

Thứ Tư, 24/08/2016, 22:03
Hệ thống hội nghị, thông tin hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, cấp mã ID cho bệnh nhân, xây dựng hệ thống xét nghiệm kết nối thông tin hai chiều… Nhiều bệnh viện trên cả nước đã ứng dụng tin học trong quản lý khám chữa bệnh, thanh toán BHYT.

Hết nỗi ám ảnh sợ… “chữ bác sĩ”

Giữa tháng 7-2016, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh chính thức khai trương hệ thống Hội nghị từ xa (Telemedicine) tại 18 điểm cầu, sử dụng cho việc tổ chức họp trực tuyến, giúp chỉ đạo điều hành phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai, thảm họa, hỗ trợ đào tạo chuyên môn... Bên cạnh đó, hệ thống thông tin hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa được đầu tư tại 10 điểm cầu, lắp đặt trong các phòng phẫu thuật với mục tiêu hội chẩn, phẫu thuật, tư vấn và khám chữa bệnh từ xa cho các cơ sở y tế.

Theo đó, thay vì phải chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến Trung ương với công nghệ truyền hình tương tác, các bệnh viện của Quảng Ninh có thể kết nối với nhiều chuyên gia, bác sĩ tại nhiều bệnh viện để chẩn đoán cấp cứu cấp tốc, thực hiện ca mổ cứu sống bệnh nhân nguy kịch… Nhờ được ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám chữa bệnh, người bệnh được hưởng lợi bởi hệ thống hội chẩn từ xa, bảng khám điện tử…

Bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh trò chuyện, tư vấn, chẩn đoán cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế TX Đông Triều.

Theo ước tính, bên cạnh yếu tố hỗ trợ cứu chữa kịp thời, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người nhà bệnh nhân do không phải di chuyển lên bệnh viện tuyến trên, hệ thống Hội nghị từ xa mỗi năm tiết kiệm trên 3 tỷ đồng.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (thuộc Sở Y tế Hà Nội), từ nhiều năm nay, Bệnh viện đã ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán Bảo hiểm y tế (BHYT). BS Đào Quốc Thái, Phó Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 600 - 900 bệnh nhân. 90% bệnh nhân khám theo thẻ BHYT. Với những ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT liên tục được cập nhật, BS Đào Quốc Thái cho rằng, bệnh nhân là người hưởng lợi trước tiên.

Bệnh viện đang quản lý khoảng hơn 2.000 hồ sơ bệnh lý tiểu đường và khoảng 1.700 hồ sơ bệnh cao huyết áp. Với mô hình bệnh tật hiện nay, số bệnh nhân mắc bệnh mãn tính không lây ngày càng nhiều, những ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh ngày càng phát huy hiệu quả.

Đến Khoa Khám bệnh, bệnh nhân được phát phiếu số tự động. Khi tới lượt, bệnh nhân chỉ cần quét mã vạch trên thẻ BHYT, phần mềm của Bệnh viện sẽ tự động quét và hiển thị các thông số cần thiết về bệnh nhân. Tất cả mọi thông tin lịch sử khám bệnh của bệnh nhân được lưu trữ trong hệ thống thông tin của Bệnh viện. Với chỉ định xét nghiệm hay kiểm tra, hoặc kê đơn thuốc, các bác sĩ cũng thực hiện bằng máy tính, không phải viết tay như trước. Điều này vừa tiết kiệm thời gian cho bác sĩ, vừa để bệnh nhân dễ đọc, dễ theo dõi một cách rõ ràng, thuận lợi, không còn nỗi ám ảnh “không dịch ra chữ bác sĩ”.

Sự thay đổi bên trong của bệnh viện

BS Nguyễn Thị Phương Thùy, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa), Bệnh viện đang hoàn thiện hệ thống xét nghiệm kết nối thông tin hai chiều. Cụ thể, nếu trước đây, bệnh nhân khi lấy mẫu xét nghiệm, tiến hành xét nghiệm, đợi kết quả và đưa kết quả đó đến các khoa, phòng tiếp theo để lấy chỉ định của bác sĩ thì với hệ thống mới, bệnh nhân sau khi xét nghiệm chỉ cần chờ đợi trong thời gian ngắn, kết quả sẽ được tự động truyền đi các khoa, phòng được chỉ định.

Theo BS Nguyễn Thị Phương Thùy, nhờ ứng dụng CNTT, việc thanh toán BHYT cũng rất nhanh chóng vì được tích trên hệ thống máy tính Bệnh viện. Bệnh nhân thay vì chờ đợi cán bộ Bệnh viện liệt kê, rà soát tất cả các chi phí phục vụ khám chữa bệnh của người bệnh bằng thủ công thì nay, chỉ cần nhấn phím, mọi danh mục nhanh chóng được liệt kê công khai, thuận lợi cho bệnh nhân và cán bộ thu phí theo dõi.

Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng cao của bệnh nhân, phần mềm ứng dụng CNTT ngày càng phải được cải tiến, nâng cấp đồng bộ, đòi hỏi phải được đầu tư nhiều hơn về trang thiết bị, nhân lực.

BS Nguyễn Thị Phương Thùy cho biết, từ ngày 1-7, Bệnh viện đã từng bước triển khai kết nối vào hệ thống thông tin giám định BHYT. Đến nay, Bệnh viện đã đưa được hơn 2.000 dữ liệu danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế lên cổng thông tin và gửi dữ liệu thanh toán của bệnh nhân BHYT theo ngày cho BHXH.

Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là một trong số hơn 13.000 cơ sở y tế trong toàn quốc (cả nước có khoảng 14.000 cơ sở) đã chính thức kết nối thành công vào hệ thống thông tin giám định BHYT – hệ thống được khai trương vào ngày 25-6 vừa qua. Đây được coi là bước đột phá của ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) trong công tác quản lý khám, chữa bệnh, giám định và thanh toán BHYT…

Theo BS Nguyễn Thị Phương Thùy, hệ thống hoạt động trực tuyến này cung cấp các công cụ giúp cơ sở y tế khai thác thông tin, tra cứu thẻ BHYT, lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh BHYT và quản lý thông tuyến trên phạm vi toàn quốc, giúp cho việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT hiệu quả, kịp thời hơn trước đây.

Được biết, đến nay các cơ sở khám chữa BHYT tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thử nghiệm kết nối thành công vào hệ thống thông tin giám định BHYT.

Về những lợi ích mà người bệnh tham gia BHYT được hưởng lợi khi hệ thống thông tin giám định BHYT được kết nối, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: Người bệnh giảm được thời gian chờ khám bệnh, thanh toán viện phí, được cung cấp đầy đủ thông tin về chi phí được quỹ BHYT chi trả, tham gia giám sát quyền lợi được hưởng.

Với việc ứng dụng CNTT, các chi phí ngoài quy định được phát hiện và xử lý kịp thời, tránh được tình trạng lạm dụng quỹ BHYT. Đồng thời, khi người bệnh đi khám, tất cả thông tin hành chính, chi phí khám chữa bệnh sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu của bệnh viện. Cơ sở dữ liệu này được chuẩn hóa theo định dạng chuẩn của danh mục dùng chung để thống nhất trên toàn quốc.

Nhân Chính
.
.
.