Côn trùng, ấu trùng: Đặc sản hay món ăn tử thần
- Nhận biết con sam và so biển gây ngộ độc thực phẩm
- Ngộ độc thực phẩm trong trường học có dấu hiệu gia tăng
- Hơn 50 công nhân nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm
- Vào hè lại lo ngộ độc thực phẩm
- Ngộ độc thực phẩm, 2 người trong một gia đình tử vong
Ngày 21-8, đã xảy ra một vụ ngộ độc tại xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai do ăn con sâu Ban miêu, khiến 2 người mắc và 1 người tử vong.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong thời gian gần đây do ăn các loại côn trùng, ấu trùng. Trong đó có vụ ngộ độc do ăn bọ xít rang ở tại xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La khiến cho 5 người mắc, 3 người phải nhập viện điều trị; vụ ngộ độc do ăn bọ xít lửa tại xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình làm 12 người mắc và 7 người nhập viện điều trị vv…
Trước đó, cũng đã có 2 trường hợp tử vong do ăn bọ rầy rán ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam và một người phải cấp cứu ở bệnh viện. Được biết, sau khi ăn, 3 nạn nhân đã liên tục bị nôn ra máu và dù được đưa đi cấp cứu, nhưng do ngộ độc quá nặng nên 2 người không qua khỏi.
Ở nhiều nước trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, việc sử dụng côn trùng như cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây… làm thức ăn đã có từ lâu và khá phổ biến.
Thậm chí, gần đây, nhiều côn trùng còn được chế biến thành đặc sản ở cả bếp gia đình lẫn nahf hàng: bọ cạp chiên, châu chấu sốt sa tế, bọ xít rang lá chanh, trứng cà cuống phơi khô để làm bánh ngọt, dế chiên…. Tuy nhiên, việc sử dụng côn trùng để chế biến thành thức ăn đã và đang xuất hiện nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí, đến tính mạng của người sử dụng.
Vụ ngộ độc do ăn bọ xít đen chiên mỡ ở huyện Than Uyên (Lai Châu) cũng khiến 38 người phải nhập viện, trong đó có một người tử vong; vụ 5 người dân xã Lộc Điền (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) ngộ độc nặng do uống rượu với món nhộng ve sầu…là những cảnh báo về việc sử dụng côn trùng, ấu trùng làm thực phẩm.
Những vụ ngộ độc diễn ra đáng lo ngại, khiến ngày 29-8, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng ngộ độc do ăn côn trùng lạ.
Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, việc thiếu hiểu biết, thiếu kiến thứ trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn, tâm lý chủ quan khi lựa chọn côn trùng lạ để “thử nghiệm” theo kinh nghiệm “đồn thổi” như ăn tái, ăn sống, ngâm rượu…và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng… chính là những nguy cơ gây nên những vụ ngộ độc thực phẩm, cũng như nguy cơ tử vong.
Một số món đặc sản từ côn trùng |
Có thể nhận biết các dấu hiệu thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng, để cấp cứu kịp thời: buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lo mơ, hôn mê, sẩn ngứa, ban dạng mảng toàn thân...
Biểu hiện lâm sàng với các triệu chứng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn. Người già, có uống rượu, phụ nữ có thai, trẻ em... thường bị nặng.
Các vụ ngộ độc trên hầu hết đều là do sử dụng côn trùng đã chết sinh ra độc tố; côn trùng bị nhiễm nấm độc; côn trùng chứa nhựa cây độc như cây Cọc rào, cây Cỏ lào, thầu dầu tía… (chứa nhóm Alcaloit, nhóm Glucozit…) hoặc các chất tiết có độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ chế biến; côn trùng có nhiều protein lạ gây ra dị ứng với những người có cơ địa mẫn cảm để chế biến thức ăn.
Nhiều trường hợp bị cấp cứu do ngộ độc “đặc sản” côn trùng |
Hiện nay khi chưa có các nghiên cứu sâu, đầy đủ về côn trùng sử dụng trong chế biến thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn. Lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn.
Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn. Nên bảo đảm an toàn bằng cách ngâm, thả côn trùng vào nước muối, nước vôi… để côn trùng thải hết chất độc và chế biến kỹ, tuyệt đối không ăn tái, ăn sống hoặc nấu chín nguyên con mà không qua sơ chế, vệ sinh…
Trong trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa, đau bụng, rối loạn tiêu hóa… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.