Tốn 130 tỷ đồng và 13 năm mới nghiên cứu được 1 loại vaccine

Thứ Bảy, 24/12/2016, 11:10
Theo thống kê của Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, hiện Việt Nam phải nhập tới 517 loại vaccine từ 20 quốc gia khác nhau, chiếm tới 90% lượng vaccine sử dụng hàng năm là nhập khẩu và chiếm tới 95% giá trị chi phí cho vaccine.

Mỗi năm, Việt Nam chi hàng chục triệu USD để nhập khẩu vaccine phòng dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Điều đáng nói, chúng ta đã tiêu tốn hơn 130 tỷ đồng cho việc nghiên cứu vaccine nhưng đến nay mới có 1 vaccine ra đời.

Với thực trạng là một quốc gia có nhiều dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, công tác nghiên cứu, tiến tới sản xuất vaccine luôn được quan tâm đầu tư. Hơn một trăm nghìn tỷ đồng đã “rót” vào việc nghiên cứu vaccine, nhưng qua 13 năm, 90% vaccine của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu. 

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), đơn vị đầu mối chính được giao nghiên cứu sản xuất vaccine cho động vật đã có 18 công trình nghiên cứu về vaccine từ năm 2003 với tổng kinh phí 108,622 tỷ đồng. 

Việt Nam mới chỉ sản xuất được vaccine phòng chống dịch tai xanh.

Qua 13 năm, 9 dự án đã kết thúc nhưng mới chỉ có 1 vaccine được thương mại hóa, đó là Navet Vifuvax phòng bệnh cúm gia cầm và 1 ứng dụng hoàn thiện quy trình trong sản xuất vaccine Tụ huyết trùng trâu bò nhũ dầu chủng P52 được áp dụng (Công ty Navetco nghiên cứu, sản xuất).

Trước tình trạng tiền đổ vào nghiên cứu vaccine quá lớn nhưng lại chưa hiệu quả, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) bày tỏ quan điểm, cần phải tư duy “đặt hàng” trong nghiên cứu vaccine một cách rõ ràng hơn. 

“Không quan trọng đầu mối nghiên cứu, quản lý, sản xuất vaccine là Bộ nào nhưng phải nhìn vào thực tế ngành nông nghiệp đang cần những vaccine gì trong thú y. Vaccine là một sản phẩm quốc gia, phải tập trung cho những sản phẩm đang có nhu cầu bức xúc nhất. Việc đầu tư nghiên cứu vaccine chưa ra được các sản phẩm cuối cùng do việc nghiên cứu đặt hàng chưa chuẩn, vẫn là dạng nghiên cứu từng bước. Thêm vào đó chưa có các quy chế, văn bản quy định việc chia sẻ các kết quả nghiên cứu ban đầu giữa các cơ quan quản lý với các doanh nghiệp nên không nhanh chóng ra được các sản phẩm cuối cùng”, bà Thuỷ đánh giá.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết, chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi hiện vẫn rất lớn. Trong đó, chi phí lớn nhất là thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y, vaccine phòng bệnh. 

Theo ông Vân, tất cả nguyên liệu đầu vào này hiện phần lớn vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, sản xuất vaccine trong nước thì khó khăn tứ bề, chưa biết khi nào có được vaccine “made in Việt Nam”.

Ngọc Yến
.
.
.