Mối lo từ tình trạng kháng kháng sinh đang ở Việt Nam
- Lạm dụng kháng sinh, dùng sai chỉ định, gia tăng tỷ lệ kháng thuốc
- Lan tỏa mạnh mẽ công tác phòng, chống kháng thuốc trong CAND
- Nhiều ca nguy kịch và tử vong vì thói quen tự dùng kháng sinh
Tại buổi họp báo "Sử dụng kháng sinh đúng cách vì tương lại của chúng ta" do Bộ Y tế tổ chức vào chiều 25/11, TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, mặc dù chưa có con số cụ thể, nhưng vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đang khá nghiêm trọng. Qua khảo sát ở 16 bệnh viện đang thí điểm về tình trạng kháng thuốc, có loại kháng đến 82%. Nhiều nhất là vi khuẩn thông thường gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu và viêm phổi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc |
Ông Kidong Park cũng cho biết, hiện Việt Nam chưa có con số thống kê kháng kháng sinh ở các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời cũng chưa biết tỷ lệ tiêu thụ kháng sinh ở bệnh viện, tiêu thụ kháng sinh trong cộng đồng và trong ngành nông nghiệp chăn nuôi.
TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Hầu hết vi khuẩn đều kháng với các thuốc kháng sinh và rất nhiều vi khuẩn là đa kháng với thuốc kháng sinh. Ví dụ một con vi khuẩn kháng với rất nhiều loại kháng sinh, dẫn đến rất khó có thể có kháng sinh để điều trị cho những trường hợp bệnh nhân nhiễm khuẩn đối với con vi khuẩn đó. TS Thái nhấn mạnh, mức độ kháng kháng sinh tại nước ta đang hết sức trầm trọng, đó là những kháng sinh đặc hiệu, phổ rộng và kháng sinh mới, có hiệu lực rất cao nhưng các vi khuẩn đã kháng rồi.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng cho biết, có những bệnh không do nhiễm khuẩn nhưng bác sĩ vẫn kê đơn kháng sinh như cúm. Hoặc kê thuốc kháng sinh quá liều, không phù hợp với bệnh; người dân cứ ốm là ra mua thuốc kháng sinh về điều trị, hoặc mượn đơn kháng sinh của người khác về dùng cho mình, cho con mình...Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh.
Theo TS Cao Hưng Thái, vi phạm bán thuốc kháng sinh không theo đơn đã giao cho Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở Y tế các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý. Đến nay chưa có số liệu tổng hợp báo cáo xử lý vi phạm, tuy nhiên qua khảo sát, những vi phạm thường xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nơi có nhiều cơ sở kinh doanh thuốc và cung ứng thuốc kháng sinh lớn. Vì vậy, thời gian tới, cần tăng cường kiểm tra, xử lý các nhà thuốc vi phạm; lạm dụng kháng sinh trong kê đơn thuốc....
Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc tổ chức vào chiều 25/11, Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết: “Chúng tôi cũng rà soát các số liệu về các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc và tiêu thụ kháng sinh để xây dựng chính sách để quản lý, ngăn chặn tình trạng kháng thuốc”.
Đại diện Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam và các tổ chức quốc tế tham gia họp báo |
Kế hoạch Hành động Quốc gia về kháng thuốc của Việt Nam sẽ kết thúc vào cuối năm nay, là đường hướng tiếp theo cho Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuẩn bị cho xây dựng Chiến lược Quốc Gia về Phòng chống Kháng thuốc giai đoạn 2021 – 2030. WHO, FAO và các đối tác khác đã sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Việt Nam cho nỗ lực này.
“Trong 10 năm tới, lượng kháng sinh dùng trong chăn nuôi dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi, đáp ứng cho nhu cầu thực phẩm từ dân số ngày càng gia tăng, do vậy ngành lương thực và nông nghiệp, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc lây lan. Dọc theo từng khâu trong chuỗi thực phẩm, cần phải thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo kháng sinh được sử dụng thận trọng và có trách nhiệm để làm chậm lại sự phát triển và lây lan của vi khuẩn kháng thuốc” Bà Rana Flower, Trưởng Đại diện lâm thời văn phòng FAO cho biết.
Trưởng văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, một trong những ưu tiên của WHO là tiếp tục hỗ trợ xây dựng năng lực quốc gia cho hệ thống giám sát kháng thuốc và tiêu thụ kháng sinh. Những số liệu này cần phải có một cách cấp bách để hỗ trợ xây dựng chính sách về sử dụng kháng sinh trong bệnh viện và trong cộng đồng và để quản lý tình trạng kháng thuốc.
Từ năm 2013 chúng ta đã có Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống kháng thuốc. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, đến nay chưa có thống kê tình trạng lạm dụng kháng sinh ở Việt Nam giảm hay tăng.
Theo đại diện WHO tại Việt Nam, WHO đang phối hợp với cơ quan BHXH, Cục Quản lý Dược… thu thập số liệu tiêu thụ thuốc trong bệnh viện, kiểm soát kê đơn của bác sĩ trong bệnh, tiêu thụ thuốc kháng sinh trong cộng đồng để phân tích nhằm nắm bắt tình trạng kháng thuốc giảm hay tăng tại Việt Nam, qua đó có các giải pháp hiệu quả.
Tại Lễ mít tinh, Bộ Y tế cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, WHO tại Việt Nam và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp Quốc cam kết cùng nhau phối hợp nhằm chấm dứt việc sử dụng kháng sinh sai và lạm dụng kháng sinh tại các bệnh viện, khu chăn nuôi và các hộ gia đình. Cùng với các nhà lãnh đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, tất cả mọi người cùng nhau kêu gọi các ngành, lĩnh vực và mọi người dân hãy cùng hành động ngay hôm nay để duy trì hiệu quả của kháng sinh. |