Thời tiết giao mùa, trẻ nhập viện tăng vọt

Thứ Ba, 13/09/2016, 17:26
Sau nhiều tháng hè nắng nóng như đổ lửa, tuần qua Hà Nội đã thực sự vào thu với không khí mát mẻ rất dễ chịu. Tuy nhiên, với người lớn, thời tiết giao mùa hiện nay khiến nhiều người thích thú, nhưng lại là nguyên nhân cho nhiều trẻ em bị ốm. Vì thế, dù thời tiết mới thay đổi chừng một tuần nhưng lượng bệnh nhi đến khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện đã tăng lên.


Chiều 13-9, khi chúng tôi có mặt ở Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương, số phụ huynh đưa trẻ đến khám đông hơn bình thường, dù đã có một lượng lớn các cháu được khám, chữa bệnh vào buổi sáng. Hầu hết các phụ huynh đều cho biết đưa trẻ đến khám vì các bé ho nhiều và khó thở nhiều ngày qua.

Ths.BS. Phan Thị Ngọc Lan (Khoa Khám bệnh) giải thích, thời tiết những ngày qua không còn nóng gay gắt như mùa hè, cũng không  lạnh như mùa đông, nhưng lại luôn luôn thay đổi trong ngày: có khi sáng nắng, chiều mát hơn và tối có thể rét ở một số nơi. Sự liên tục thay đổi của thời tiết khiến trẻ không thích nghi kịp và dễ bị mắc các bệnh vào mùa này như hô hấp, tiêu hóa, sốt virus, viêm kết mạc vv…

Từ ngày 1-9 đến nay ngày 13-9, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 30.000 trẻ em đến khám và điều trị. Bình quân mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương phải tiếp nhận từ 2.500 -3.000 bệnh nhi.

Buổi chiều, vẫn rất đông người chờ đợi khám bệnh cho con (ảnh chụp chiều 13-9)

 So với trước, các loại bệnh mà trẻ em mắc phải tăng hơn, chủ yếu bệnh cấp tính. Trong khi các bệnh về tiêu hóa giảm thì các bệnh về nhiễm trùng hô hấp lại tăng cao. Cùng với số trẻ đến khám, số trẻ phải nhập viện điều trị cũng tăng hơn trước, chủ yếu là do viêm phổi.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, số bệnh nhi đến khám cũng tăng hơn trước cùng với số nhập viện. Các bệnh nhi nhập viện cũng chủ yếu là bệnh hô hấp, viêm kết mạc, số phát ban vv… Hầu hết các bệnh nhi đến khám và điều trị đều là dạng cấp tính, do thời tiết thay đổi.

Ths.BS. Phan Thị Ngọc Lan lưu ý các bậc phụ huynh không nên tự chữa bệnh cho con bằng việc đọc thông tin trên mạng xã hội. Nhiều bệnh có triệu chứng giống nhau nên các phụ huynh không có kiến thức về y tế không thể biết, do đó, dễ cho con uống thuốc nhầm bệnh. Bởi, đã có nhiều cha mẹ khi thấy con bị bệnh, thay vì đưa con đi đến cơ sở y tế để được khám bệnh, thì lại lên mạng tìm “bác sĩ Google” tư vấn, rồi tự mua thuốc về điều trị cho con.

Ths.BS. Phan Thị Ngọc Lan khám cho bệnh nhi bị bệnh hô hấp

 Do đó, đã có nhiều cháu bị bệnh nhưng rất lâu không khỏi vì không đúng thuốc, hoặc không kiểm soát được bệnh nên đến khi nặng mới đưa trẻ vào viện. Cá biệt đã có bé phải cấp cứu vì phụ huynh nhờ “bác sĩ Google” điều trị.

Ths.BS. Phan Thị Ngọc Lan lưu ý: Đợi đến khi bệnh đã bị nặng mới đưa trẻ vào bệnh viện thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều. Chưa kể, tự cho con dùng thuốc, nhất là sử dụng kháng sinh không đúng, sẽ khiến cho bệnh nhờn thuốc, càng thêm khó chữa.

Riêng về việc tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ, theo Ths. Bs. Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều người thấy con sốt, ho, chảy mũi là tự hỏi bạn bè hoặc tự đi mua kháng sinh cho con uống. 

Việc mua và sử dụng kháng sinh dễ dàng, không cần có đơn của bác sĩ là một nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của một số loại vi khuẩn kháng hầu hết các loại kháng sinh hiện có. Ở Việt Nam, gần đây đã có một số loại vi khuẩn kháng thuốc. Tại Mỹ cũng đã xuất hiện vi khuẩn siêu kháng sinh vào tháng 5-2016. Hơn thế, việc dùng kháng sinh bừa bãi còn có thể dẫn tới các tác dụng phụ mà chỉ có thể phát hiện sau nhiều năm dùng thuốc.

Ths. Bs. Đỗ Thiện Hải cho rằng, chỉ dùng kháng sinh khi có bằng chứng nhiễm vi khuẩn và phải theo nguyên tắc đúng liều, đúng cách và lựa chọn kháng sinh an toàn. Cơ thể trẻ còn non nớt, chức năng gan, thận còn chưa hoàn thiện, trong khi các thuốc sử dụng đều thải qua gan, thận, nên dùng nhiều loại thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến chức năng các cơ quan này.

 Do vậy, để chữa bệnh cho trẻ an toàn, tránh các tác dụng phụ, giảm chi phí điều trị… cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về chăm sóc, theo dõi phát hiện dấu hiệu bệnh nặng, tình trạng nhiễm khuẩn và sử dụng thuốc hợp lý.

Để phòng bệnh cho trẻ thời điểm giao mùa như hiện nay, Ths.BS. Phan Thị Ngọc Lan cho biết, cần tiêm phòng cho các bé đầy đủ; giữ vệ sinh phòng ở thông thoáng, lưu thông khí cũng như giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Đặc biệt chú ý về dinh dưỡng cho trẻ với việc cho ăn đủ chất, đủ vitamin để có sức đề kháng chống lại bệnh tật. Ngay khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám bệnh và tư vấn.


Thanh Hằng
.
.
.