Bệnh nhi tăng đột biến ở bệnh viện TP Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 22/11/2007, 10:32
Suốt 2 tháng nay tại hai Bệnh viện Nhi đồng I và II TP HCM luôn đông nghẹt bệnh nhân. Đặc biệt là số trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM) đã tăng đột biến gấp 3 lần so với thời gian cùng kỳ. Các loại bệnh tiêu chảy, viêm đường hô hấp cũng tăng cao đột ngột.

Riêng trong ngày 20/11, số trẻ tới khám tại Bệnh viện Nhi đồng II lên cao kỷ lục: 4.800 bệnh nhân. Tại Bệnh viện Nhi Đồng I, quy mô giường không đủ, rất nhiều cháu phải nằm đôi, nằm ba. Thậm chí nhiều bệnh nhi không còn giường nằm, đành phải điều trị trong cảnh nằm ghế bố, nằm chiếu ngoài hành lang…

Ngày 19/11, có mặt tại Khoa Nhiễm thần kinh - Bệnh viện Nhi đồng I TP HCM, chúng tôi không khỏi ái ngại khi chứng kiến hàng trăm bệnh nhi ở đủ lứa tuổi khác nhau từ vài tháng tuổi tới vài tuổi đang phải điều trị bệnh trong cảnh tá túc ngoài hành lang.

Thế nhưng, nhiều bà mẹ cho biết thà nằm ghế bố, nằm chiếu ngoài hành lang còn hơn là nằm trong phòng. Xem ra lời nhận xét đó của họ khá đúng bởi qua quan sát các phòng tại đây đều chật kín như nêm. Một nhóm bác sỹ - điều dưỡng đang thực hiện giao ban ngay ngoài hành lang. Có lẽ cũng để cho… thoáng hơn.

Chúng tôi tìm gặp được Trưởng khoa Nhiễm thần kinh - bác sỹ Trương Hữu Khanh đang bận tối tăm mặt mũi. Chúng tôi chỉ được phép nói chuyện đúng 7 phút. "TCM hành anh em ở đây cả 2 tháng nay! Mỗi ngày từ 30 - 50 cháu nhập viện mà biến chứng thần kinh tới 80% thì làm sao thở nổi?", bác sỹ Khanh than.

Chỉ tính riêng ngày 19/11, khoa đã tiếp nhận tới 189 ca TCM từ các nơi đưa về, trong đó có 77 trẻ biến chứng, 5 trẻ phải thở máy. Các bác sỹ làm việc hết sức căng thẳng. Cho tới chiều 20/11 vẫn còn 2 trẻ phải tiếp tục thở máy, tình trạng là rất nặng. So với cùng thời điểm năm 2006, số ca TCM khi lên tới cao điểm nhất chỉ ở mức 60 ca.

Khoa Nhiễm thần kinh được trang bị 110 giường nhưng trong 2 tháng nay, số ca TCM nhập tại khoa luôn giữ ở mức từ 110 ca tới 130 ca, có lúc cao điểm nhất lên tới 220 ca. Và đáng ngại nhất là tỷ lệ bị biến chứng tới 80% khiến phòng cấp cứu tại khoa chỉ có 10 giường nhưng luôn phải hoạt động gấp đôi, gấp ba với trên 20 bệnh nhi/ngày.

Để giảm căng thẳng tại Khoa Nhiễm thần kinh, Ban Giám đốc phải huy động ưu tiên hầu hết các loại máy móc cần thiết phục vụ cho bệnh nhân. Tăng cường thêm cả bác sỹ và điều dưỡng từ các khoa khác sang nhưng vẫn luôn phải có 2 bác sỹ túc trực 24/24h và điều dưỡng thì gần như ngày nào cũng vậy, 12h đêm mới là giờ cơm chiều.

Tình trạng bệnh nhi mắc TCM tại Bệnh viện Nhi đồng II theo bác sỹ Trần Thị Việt - Trưởng khoa Nhiễm cũng cho biết tăng vọt từ 1 tháng nay. Với số ca luôn từ 50 tới trên 80 ca nội trú điều trị. Và theo nhận định của bác sỹ Việt tình hình TCM sẽ tiếp tục căng thẳng cho tới tháng 12/2007.

Tại Khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi đồng I ngày 20/11, tình hình cũng không khá hơn. Phổ biến nhất là các trường hợp trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp với viêm nhiễm vùng tai mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi… Tất cả các phòng khoa ưu tiên cho bệnh nhi nằm nên việc tiêm cho trẻ cũng thấy thực hiện ngay ngoài hành lang.

Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp tiếp chúng tôi trong tình trạng mồ hôi ròng ròng. Khoa Hô hấp bệnh viện tăng số ca nhập viện đột ngột từ 3 tháng nay. Khoa có 80 giường nhưng luôn phải gánh từ 180 tới 280 ca.

Đây mới chỉ là số ca đã qua sàng lọc kỹ. Chưa kể số ca phải cho ra ngoại trú do không nặng. Phòng cấp cứu luôn có từ 24 tới 30 cháu (dưới 2 tuổi) mắc các bệnh như viêm tiểu phế quản, viêm phổi có biến chứng dẫn tới áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, phải thở ôxy. Với số lượng từ 220 tới 230 ca/tuần nên hầu như tất cả bác sỹ phải chạy như con thoi…

Tại Bệnh viện Nhi đồng II, do số ca nhập viện lên rất cao đã phải thành lập thêm một khoa D2 - dịch vụ để tiếp nhận điều trị kịp thời cho bệnh nhân. Ghi nhận trong ngày 20-11, con số bệnh nhi mắc các bệnh (hô hấp, TCM, tiêu chảy…) được đưa tới khám lên tới kỷ lục: 4.800 ca…

Theo các bác sĩ, vì là thời điểm giao mùa, nên trẻ từ 3 tháng tuổi tới dưới 1 tuổi do cơ chế miễn dịch còn yếu rất dễ nhiễm các loại bệnh như TCM và đặc biệt là các bệnh hô hấp.

Để tránh trẻ nhiễm bệnh PH không nên để con bị lạnh khi ra ngoài vào trời tối, không nên bật quạt cả đêm. Nếu trong nhà có người bị bệnh, dù chỉ là cảm ho thông thường cũng không nên để trẻ tiếp xúc. Tiêm phòng đầy đủ là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.

Đặc biệt, trong tình hình bệnh tiêu chảy cấp hoành hành, nếu thấy trẻ có dấu hiệu bệnh cần đưa ngay tới bệnh viện sớm. Tránh bệnh TCM cần giữ gìn vệ sinh cả cho trẻ và cả gia đình, nhất là người chăm sóc...

Huyền Nga
.
.
.