Thiết bị, vật tư y tế chống dịch COVID-19: Áp lực cho ngành y tế
- Thiết bị y tế chống dịch đã về tới "kho tiền phương" ở Đà Nẵng
- Bộ Công an Việt Nam trao trang thiết bị y tế tặng Bộ Nội vụ Angola
Trong khi đó, các loại vật tư, thiết bị y tế luôn phức tạp và tiềm ẩn rủi ro với người dân và với chính các cơ quan y tế, do đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên ngành trong quá trình lựa chọn và sử dụng.
Rủi ro thiếu máy thở cho bệnh nhân nặng
Theo Bộ Y tế, cả nước hiện chỉ có khoảng 6.000 máy thở (gồm tất cả các loại). Số liệu này bao gồm cả 500 máy thở mà Bộ Y tế đã thương thảo và nhập khẩu thêm khi dịch lan rộng hồi đầu năm. Con số này khá khiêm tốn, ngay cả với nhu cầu khám chữa bệnh trong điều kiện bình thường, chứ chưa bàn đến việc chuẩn bị ứng phó trong tình huống dịch COVID-19 bùng phát.
Theo TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, máy thở được dùng trong điều trị hiện nay gồm rất nhiều loại, ví dụ như máy thở không xâm nhập, máy thở xâm nhập, máy thở dùng cho vận chuyển bệnh nhân nội viện, vận chuyển bệnh nhân ngoại viện, máy thở dùng cho cấp cứu, máy thở dùng cho phòng điều trị, máy thở dùng cho phòng hồi sức, máy thở dùng khí nén trung tâm, máy thở dùng khí nén tự cấp...
“Giá máy thở cũng giống như giá của chiếc xe ô tô. Không có chuyện chức năng giống nhau là giá phải bằng nhau. Trên giấy tờ, tính năng của máy thở có thể giống nhau nhưng kết quả lâm sàng trên bệnh nhân là rất khác nhau” - TS.BS nhấn mạnh.
Giá máy thở trên thị trường cũng rất đa dạng, có sự chênh lệch nhau rất lớn, tùy theo tính năng, thương hiệu, hãng sản xuất, dao động từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Khi dịch COVID-19 bùng phát, giá máy thở tăng cao, biến động mạnh theo từng loại, từng hãng sản xuất, và từng thời điểm do khan hiếm nguồn cung.
Trong khi đó, hiện nay, việc thẩm định và so sánh để xác định giá hợp lý trong mua sắm vật tư y tế là rất khó. Bởi vật tư y tế hiện chưa có thông tư hướng dẫn riêng về giá kê khai, giá trúng thầu như đối với thuốc.
Theo khảo sát, máy trợ thở dùng cho người bệnh tại nhà có giá rẻ, trung bình tầm 100 triệu đồng/máy. Nhưng nếu là máy thở dùng cho bệnh nhân nặng trong khoa hồi sức có thể ảnh hưởng lớn đến tính mạng của bệnh nhân, thì phải là loại máy thở công nghệ cao của các hãng sản xuất uy tín, có phần mềm điều khiển tinh vi, bộ vi xử lý và các sensor có độ nhanh nhạy chính xác cao, nhiều tính năng đi kèm. Do vậy, giá máy thở trong phòng cấp cứu có thể sẽ rất cao.
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều hãng sản xuất, với rất nhiều model máy thở khác nhau. Có thể kể đến những tên tuổi lớn hàng đầu thế giới như GE Healthcare, Draeger, Medtronic… cho đến các nhà sản xuất máy thở nhỏ như Phillips, ResMed… và cả một số nhà sản xuất không tên tuổi từ Trung Quốc, Hàn Quốc…
Trong khi đó, nhu cầu điều trị bệnh nhân giữa các bệnh viện, giữa các khoa phòng, giữa các bệnh viện thực tế là rất khác nhau. Vì vậy, bài toán đặt ra cho các bệnh viện là trong quá trình đấu thầu mua sắm, làm sao xây dựng được yêu cầu cấu hình kỹ thuật hợp lý để có thể mua được máy thở với mức giá phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu điều trị bệnh nhân, đem lại hiệu quả thiết thực.
Vật tư phòng dịch: Giá phức tạp, chất lượng khó lường
Chỉ thời gian ngắn trước và sau 25/7 - thời điểm phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng - cơ quan chức năng đã bắt giữ hàng loạt vụ gian lận kinh doanh, chất lượng vật tư y tế.
Tại phía Nam, ngày 30/7, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Tổ công tác 368 đã kiểm tra đột xuất và thu giãn hàng trăm ngàn khẩu trang 3M giả tại Công ty TNHH sản xuất và thương mại thiết bị Nam Anh (phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM). Ước tính, các đối tượng có thể thu lợi hàng trăm triệu đồng nếu bán trót lọt lô khẩu trang giả này.
Ngày 1/8/2020, cơ quan QLTT phối hợp Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an kiểm tra đột xuất Công ty CP đầu tư may mặc V-Link tại Khu công nghiệp Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Qua đó phát hiện công tay này đang sản xuất không có sự cho phép chính hãng các loại khẩu trang y tế cao cấp The World, HAPAPOLO, An Lành Mask....
Cũng tại đây, cơ quan chức năng còn thu giữ 2.000 vỏ hộp gang tay cao su Powder Free Nitrile Glove (găng tay không bột), thùng cát tông Powder Free Nitrile và số lượng khẩu trang chưa thành phẩm chuẩn bị đóng bao đem đi tiêu thụ. Đặc biệt, lực lượng kiểm tra đã phát hiện hàng chục tấn găng tay y tế đã qua sử được Công ty BM (thuê mặt bằng tại công ty V-Link) thu gom về tái chế, đóng hộp, bán ra thị trường. Trên những chiếc găng tay y tế này vẫn còn nguyên chữ viết của các cơ sở y tế.
Thông tin khảo sát cho thấy, sau khi thu gom găng tay y tế đã qua sử dụng với giá 5 triệu đồng/tấn, các đối tượng tham gia đã phân loại, vệ sinh, tái chế để đóng hộp, bán lại loại găng tay này như sản phẩm mới với giá cao, thu lợi hàng trăm triệu đồng.
Mở rộng theo thông tin từ đường dây này, các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra thêm 4 cơ sở liên quan đến hoạt động tái chế găng tay tại Hưng Yên, Hà Đông, Gia Lâm....
Trên thị trường, sau khi phát hiện các ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, giá các loại khẩu trang, găng tay, chai vệ sinh... đã liên tục tăng giá. Nhiều người mua cho biết, họ chỉ biết mua các loại sản phẩm này theo tên gọi và giá đưa ra, chứ rất khó chắc chắn về chất lượng sản phẩm. Lý do vì các loại hàng hóa này không có đại lý chính hãng, người tiêu dùng cũng không có hiểu biết nào cụ thể để phân biệt được giữa hàng chính hãng và hàng trôi nổi, làm giả (nếu có).
Trong lĩnh vực điều trị, thị trường thiết bị thiết yếu như máy thở cũng đang rất “nóng”, bởi sự đa dạng, phức tạp cả về giá và chủng loại. Trong khi đó, trước diễn biến dịch COVID-19 bùng phát lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng và đang có dấu hiệu lan ra cả nước, nhu cầu máy thở đang tăng cao trở lại.
Song song với việc huy động, tận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ tại chỗ, thì việc cân nhắc phương án lựa chọn, mua sắm máy thở sao cho đảm bảo chất lượng, phù hợp tình hình thực tế, kịp thời đáp ứng nhu cầu cứu chữa người bệnh trong trường đang là bài toán lớn đặt ra cho cả ngành y tế nước nhà.
“Theo nghiên cứu chung của các nước đang điều trị dịch COVID-19, bình quân cứ 1.000 bệnh nhân thì sẽ có 200 ca bệnh nhân nặng cần hỗ trợ thở, trong đó, khoảng 50 - 70 bệnh nhân suy hô hấp nặng cần hỗ trợ điều trị bằng máy thở tối tân. Trong nỗ lực kiểm soát tình hình dịch bệnh, nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Nga… đã cấm xuất khẩu một số loại trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống và điều trị bệnh COVID-19, trong đó có máy thở. Điều này khiến nguồn cung máy thở trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết”. |