Theo dõi chặt sức khỏe phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika
Theo đó, tiêu chí để một phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm để phát hiện virus Zika là mang thai trong 3 tháng đầu; đang sinh sống hoặc đã từng đến cùng có dịch; có chồng hoặc bạn tình có xét nghiệm dương tính với virus Zika; có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng: đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc.
Bộ Y tế cũng lưu ý: tất cả phụ nữ mang thai cần được khám thai, quản lý thai theo qui định: khám ít nhất 4 lần trong cả thai kỳ (tại các thời điểm: lần đầu càng sớm càng tốt trong 3 tháng đấu, lần 2 trong 3 tháng giữa, lần 3 và 4 trong 3 tháng cuối). Ngoài ra, cần chú ý tiền sử đi lại để phát hiện nếu người phụ nữ hoặc chồng/bạn tình từng có mặt ở vùng dịch. Nếu phụ nữ mang thai có nhiễm Zika và có dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ hay bất thường về não, phải chuyển ngay đến cơ sở có khả năng chẩn đoán trước sinh để xác định đầu nhỏ. Nếu xác định có chứng đầu nhỏ, cần tư vấn cho phụ nữ mang thai và gia đình họ để quyết định giữ thai hay ngừng thai nghén. Nếu gia đình quyết định giữ thai thì phải tư vấn và hỗ trợ tâm lý trước và sau sinh cho họ cũng như chuẩn bị kế hoạch chăm sóc bé sơ sinh.
Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ mang thai: Có thể lây nhiễm virus Zika do muỗi vằn đốt hoặc quan hệ tình dục với người nhiễm Virus Zika mà không sử dụng bao cao su. Nhiễm virus Zika ở phụ nữ mang thai có nguy cơ gây dị tật và chứng đầu nhỏ ở thai nhi. Cần chủ động diệt muỗi, bọ gậy/loăng quăng, tránh muỗi đốt và sử dụng bao cao su để phòng lây nhiễm Zika. Phụ nữ có thai không nên đi đến vùng dịch và những cặp vợ chồng/bạn tình đang sống tại vùng dịch hoặc trở về từ vùng dịch nếu dự định có thai cần đến cơ sở y tế để khám và tư vấn trước khi quyết định mang thai. Người chồng/bạn tình của phụ nữ mang thai sống trong vùng dịch hoặc trở về từ v dịch cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với vợ/bạn tình để tránh những biến chứng có thể xảy ra với thai nhi.