Tháo gỡ vướng mắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở các bệnh viện tư
- Dịch sốt xuất huyết hoành hành: Bệnh viện tư cũng quá tải
- Không phân biệt đối xử tạo công bằng cho Bệnh viện tư phát triển
Bộ Y tế và BHXH Việt Nam vừa thống nhất quan điểm về việc ký hợp đồng KCB BHYT đối với các BV tư nhân từ 1-1-2018, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết thêm.
Đây là một tin vui với hệ thống y tế tư nhân vì tháng 11-2017 vừa qua, BHXH Việt Nam đã gửi công văn đến các cơ sở y tế tư nhân và các cơ quan ban ngành liên quan thông báo về việc các cơ sở y tế tư nhân chưa được phân tuyến về mặt kỹ thuật sẽ không được KCB bằng BHYT từ ngày 1-1-2018.
Các cơ sở y tế ngoài công lập đã lo ngại khi thông báo này đồng nghĩa với việc các cơ sở y tế tư nhân sẽ bị dừng hợp đồng KCB BHYT, tức là hàng trăm BV tư nhân trên cả nước sẽ có nguy cơ phải đóng cửa vì mất bệnh nhân.
Ông Vũ Xuân Bằng, đại diện BHXH Việt Nam cũng khẳng định, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục ký hợp đồng với các cơ sở y tế tư nhân đã ký hợp đồng để tránh xáo trộn, đồng thời để các cơ sở y tế có thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính đăng ký KCB BHYT.
Hiện nay, có gần 500 cơ sở tư nhân đã ký hợp đồng KCB BHYT, trong đó, một số cơ sở đã được phân tuyến chuyên môn kỹ thuật tương đương tuyến huyện, tỉnh. Tất cả các BV tư nhân hiện nay chưa được phân hạng như BV công. Tuy nhiên, thời gian gia hạn ký hợp đồng với các BV tư nhân trong năm 2018 có thể sẽ kéo dài 6 tháng hoặc 1 năm, nhằm để các cơ sở y tế hoàn thành hồ sơ theo Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC (về hướng dẫn thực hiện BHYT) để được ký tiếp hợp đồng KCB BHYT.
Các BV đã ký hợp đồng KCB BHYT với BHXH Việt Nam đều được tiếp tục ký trong năm 2018 |
Về việc này, ông Vũ Xuân Bằng giải thích, không phải là quy định mới, mà là theo Thông tư 41. Theo đó, các cơ sở y tế tư nhân phải hoàn thành các thủ tục và hồ sơ thì BHXH Việt Nam mới ký hợp đồng KCB BHYT.
Riêng về vấn đề phân hạng BV tư nhân, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo và sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn để tạo điều kiện cho hệ thống y tế tư nhân hoạt động.
Theo thống kê của Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), hiện có 212 BV tư nhân đang hoạt động tại 46/63 tỉnh, thành phố, chiếm 16% số lượng BV trong toàn quốc. Theo Luật KCB năm 2009, hệ thống KCB chia làm bốn hạng để tính suất đầu tư, cơ cấu bộ máy gồm tuyến xã, huyện, thành phố, trung ương… Nhưng hiện nay, có nhiều BV tư nhân không biết mình ở hạng nào, có đủ điều kiện thanh toán BHYT không.
Ông Nguyễn Thanh Hồi-Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội BV tư nhân Việt Nam cho biết, việc phân tuyến, phân hạng BV được quy định trong Thông tư của Bộ Y tế từ năm 2013 nhưng chưa có quy định về xếp hạng cho cơ sở y tế tư nhân. Hiện BV công hạng 2 được xếp là tuyến huyện, được khám thông tuyến từ 1-1-2016, được hưởng giá chi phí cao hơn, định mức cao hơn.
Trong khi BV tư nhân (được tạm xếp tương đương hạng 2) lại tương đương tuyến tỉnh, không được KCB ban đầu, do vậy nhiều BV tư nhân để được đăng ký KCB BHYT phải xin xuống hạng 3. Do đó, cần xem các BV công tư đều như nhau, các BV đa khoa hạng 1, hạng 2 đều là BV tuyến huyện, các BV hạng 1 là tuyến tỉnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đệ- Chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân cũng cho rằng các quy định về định mức kinh tế kỹ thuật, trần khám, điều trị theo bệnh nhân, theo ngày, giường bệnh vv… đang làm giảm năng lực, tư duy sáng tạo của nhân viên y tế. Quy định ở BV hạng 3 tuyến huyện, một bác sỹ chỉ được khám cho 35 bệnh nhân/ngày, trần khám bệnh không quá 200 nghìn/bệnh nhân là kìm hãm sự phát triển chuyên môn kỹ thuật của bác sỹ.
Khi thông tuyến huyện, nhiều BV chủ động đầu tư thêm giường để bệnh nhân không phải nằm ghép nhưng định mức tính của cơ quan BHXH không căn cứ vào giường thực tế mà chỉ căn cứ vào giường kế hoạch với 30% số giường kê thêm. Quy định này dường như không đúng với chủ trương giảm quá tải, nâng cao chất lượng KCB của Chính phủ.
Ông Phạm Văn Long- Phó Giám đốc BV Tư nhân 115 (Nghệ An) bày tỏ: Thời gian qua, có một số cơ sở KCB tư nhân bị BHXH Việt Nam tạm dừng hợp đồng, vì không tuân thủ theo các quy định trên. Hiện nay hơn 80% dân số nước ta tham gia BHYT nên nếu không được KCB BHYT, xem như cơ sở y tế tư nhân bị đóng cửa.