Tập trung tổng lực cho Hà Nội khống chế dịch sốt xuất huyết

Thứ Năm, 10/08/2017, 20:37

Hà Nội đang là một điểm nóng về SXH, nên hội nghị đặc biệt tập trung bàn bạc các giải pháp để chống dịch ở đây.


Tính đến chiều 10-8, cả nước đã có 80.555 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) với 22 trường hợp tử vong, trong đó 69.085 trường hợp phải nhập viện. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 33,5% và số tử vong tăng 5 trường hợp.

Con số mới nhất về tình hình dịch SXH đã được ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tại cuộc họp khẩn về dịch SXH  được tổ chức vào cuối chiều 10-8, do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì.

Theo ông Trần Đắc Phu, Hà Nội đã có 13.982 mắc và 7 người tử vong. 100% quận, huyện của Hà Nội có dịch SXH. Số bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (BV) là 1.673 trường hợp (12% tổng số người mắc), còn lại đều đã khỏi bệnh. 

Hiện còn 366 phường (chiếm 63% tổng số xã phường) còn dịch. So với cùng kỳ 2016, số mắc tăng gấp nhiều lần do dịch đến sớm hơn 3 tháng. 285/1.538 ổ dịch ổ dịch chưa kết thúc, chủ yếu tại Đống Đa và Hoàng Mai.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì. cuộc họp khẩn

Dịch bệnh tại Hà Nội đang xảy ra trên diện rộng, nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát, lan rộng và kéo dài do n nhiệt độ miền Bắc cao hơn trước, mùa mưa đến sớm; vệ sinh môi trường, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều khu lán trọ, nhà tập thể cũ, các khu đất trống, công trường với số dân vãng lai đông. 

Bên cạnh đó ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, phó mặc cho ngành y tế, các hộ gia đình phối hợp hạn chế trong phun hóa chất xử lý ổ dịch.

Ông Hoàng Đức Hạnh –Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, có cả yếu tố chủ quan và khách quan khiến dịch SXH tăng như di dân, có nhiều typ mắc hơn. Việc phòng chống dịch chủ yếu dựa vào cộng đồng, nhưng làm chưa triệt để, khi hiện còn nhiều khu vực, dụng cụ có nguy cơ gây bệnh. 

Chủ quan là nguyên nhân quan trọng nhất để dịch vẫn tăng. Hà Nội đã xin ý kiến các chuyên gia và thấy rằng, việc quan trọng nhất vẫn là diệt muỗi và bọ gậy. Do đó, Sở Y tế chỉ đạo thành lập các Đội xung kích diệt bọ gậy ở các quận huyện; tổ chức phun hóa chất và kiểm soát chặt chẽ việc phun hóa chất.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê -Cục trưởng Cục Quản lý KCNB báo cáo tình hình điều trị bệnh SXH

Trong công tác điều trị SXH, ông Nguyễn Khắc Hiền – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết mục tiêu của ngành Y tế Hà Nội là giảm số mắc, số tử vong vì thế, ngành đang tập trung giảm bệnh nhân ở các BV Hà Nội và Trung ương trên địa bàn. Số bệnh nhân đến các BV Trung ương nhiều là do tâm lý. 

Kiểm tra thực tế ở một số BV cho thấy có tới 40% số người chưa đến mức điều trị, có thể điều trị ngoại trú. Có thể bình bệnh án để giảm việc nhập viện không cần thiết. Chủ yếu ở các BV nội thành, còn BV ngoại thành không nhiều.

PGS.TS.  Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng 

Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng về việc vì sao số người mắc không nhiều mà các BV quá tải, nằm ghép, nằm hành lang, hội trường vừa tốn kém cho người dân, mà bác sĩ không theo dõi được, không tập trung vào ca nặng và gây hoang mang trong xã hội, ông Nguyễn Văn Kính – Giám đốc BV bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Thực tế, số người đến khám SXH nhiều, BV sàng lọc không cho nhập viện nhưng bệnh nhân về vẫn sốt lại đến khám. Một người tái khám 3-5 lần nên BV luôn đông.

Ở BV Xanh Pôn cũng tương tự. Số bệnh nhân mỗi ngày khoảng 300 người đến khám SXH, số dương tính rất ít, nhưng vẫn quá tải là do bệnh nhân tái khám nhiều, phải làm nhiều xét nghiệm. BV chỉ cho nhập viện những người có dấu hiệu cảnh báo, nặng, xa trung tâm, nhưng một số bệnh nhân do tâm lý nên gây áp lực với BV để đòi nhập viện mà BV không có cách gì cho ra viện.

TS. Nguyễn Khắc Hiền-GĐ Sở Y tế Hà Nội báo cáo tình hình dịch

Ông Nguyễn Văn Kính cũng cho biết, khi sinh viên nhập trường ở Hà Nội, số người mắc sẽ còn tăng vọt, không chỉ ở nội thành. Số người mắc gia tăng do khả năng tái nhiễm cao.

Sau khi nghe lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội và các BV báo cáo các biện pháp phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ ra: Hà Nội đã quyết liệt nhưng chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, mưa liên tục trong 2 tháng qua và nóng, nắng nhiều, nên dịch bệnh gia tăng. Biện pháp tốt nhất để khống chế dịch phải là diệt muỗi, diệt ổ lăng quăng.

Đại diện BV Xanh Pôn  

Bộ trưởng Y tế yêu cầu phải nhanh chóng “hạ hỏa” dịch SXH ở Hà Nội bằng phun hóa chất và cả dùng bình xịt muỗi, hương muỗi. Các BV chỉ cho bệnh nhân nhập viện khi cần thiết, không nên tập trung vào nơi lây chéo. Vì hầu hết số người tử vong do có bệnh nền chứ không hoàn toàn do SXH.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo phải tăng số lượng đội phun hóa chất, tăng số máy phun tối đa cho Hà Nội. Yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện sốt rét –ký sinh trùng tập trung máy móc, hóa chất cho ngành y tế Hà Nội; đặc biệt là tập huấn cách pha, phun đúng cách cho nhân viên kỹ thuật. 

Trước mắt, phải tập trung phun hóa chất ở các chợ, BV, trường học, khu dân di cư, lán trọ công trình, phun 3 lần/tháng, phun cả thứ 7 chủ nhật. Hà Nội cần bao nhiêu máy móc và hóa chất, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành hỗ trợ đủ.

Thanh Hằng
.
.
.