Tăng giá viện phí bước 2 không ảnh hưởng đến đối tượng chính sách và người nghèo

Thứ Sáu, 14/10/2016, 07:47
Bắt đầu từ ngày 12-10, 16 địa phương gồm Kom Tum, Trà Vinh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Đăk Nông, Bình Dương vv… chính thức triển khai thực hiện bước 2 giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) bao gồm cả tiền lương theo Thông tư 37 của liên Bộ Y tế - Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc.

Đây là bước tiếp theo của việc thực hiện Thông tư 37 sau khi các cơ sở y tế đã thực hiện xong mức giá bước 1, bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù từ 1-3-2016.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, việc triển khai bước 2 của Thông tư 37 là Bộ Y tế đã căn cứ vào ý kiến của các ngành về tình hình giá cả thị trường tháng 9-2016 và dự báo tháng 10-2016. Từ ngày 12-10-2016, 16 cơ sở KCB, cả trung ương và địa phương, trên địa bàn các tỉnh, thành nói trên sẽ thực hiện mức giá gồm cả chi phí tiền lương.

 Trường hợp các cơ sở KCB chưa hoàn thành việc cập nhật mức giá dịch vụ KCB BHYT bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và chi phí tiền lương vào phần mềm thanh toán chi phí KCB BHYT ngày 12-10-2016 thì sẽ thực hiện sau khi đã hoàn thành việc cập nhật.

Tăng giá viện phí không tác động đến đối tượng chính sách và người nghèo

Bộ Y tế lưu ý là sẽ không thực hiện hồi tố từ ngày 12-10-2016 đến thời điểm cập nhật giá có tiền lương của cơ sở KCB. Các đơn vị, địa phương còn lại chưa được điều chỉnh sẽ tiếp tục thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù cho đến khi Bộ Y tế có văn bản thông báo thời điểm thực hiện cụ thể.

Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, việc thực hiện mức giá bao gồm cả tiền lương về cơ bản không làm ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào sinh sống ở vùng khó khăn, hải đảo, người cận nghèo... vì các đối tượng này đã được nhà nước mua hoặc hỗ trợ phần lớn để mua BHYT, phần tăng thêm về cơ bản do BHXH thanh toán, tạo điều kiện cho các bệnh viện (BV) nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục vụ người có thẻ BHYT tốt hơn, khuyến khích các BV tuyến dưới phát triển các kỹ thuật y tế, giảm tải cho tuyến trên.

 Mức giá có tiền lương chỉ áp dụng cho người có thẻ BHYT nên không ảnh hưởng đến người chưa tham gia BHYT.

Người có thẻ BHYT được lợi khi tăng viện phí

Vì thế, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế của 16 địa phương thông báo và chỉ đạo các cơ sở KCB trên địa bàn thực hiện mức giá dịch vụ KCB BHYT bao gồm cả chi phí tiền lương, đồng thời chỉ đạo các cơ sở KCB thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế gắn với điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Các cơ sở KCB cũng phải niêm yết công khai, thông báo rộng rãi việc áp dụng giá mới; giải thích để người dân hiểu và đồng thuận; chịu trách nhiệm giải quyết, xin ý kiến các cơ quan quản lý trong trường hợp vượt thẩm quyền để giải quyết kịp thời nếu có các phát sinh cũng như phải thông báo ngay cho cơ quan bảo hiểm xã hội thời điểm thực hiện để phối hợp triển khai.

Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Bộ Y tế cho biết: với người bệnh đang điều trị ngoại trú hoặc nội trú, bắt đầu trước và kết thúc sau ngày thực hiện mức giá mới này thì áp dụng mức giá hiện đang thực hiện cho đến khi người bệnh ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị.

Đối với các tỉnh chưa thành lập Quỹ KCB cho người nghèo, Sở Y tế phải khẩn trương báo cáo với UBND tỉnh thành lập và bố trí ngân sách để có nguồn hỗ trợ cho các đối tượng theo Quyết định số 139 của Thủ tướng Chính phủ về KCB cho người nghèo. 

Sở Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở KCB trên địa bàn trích một phần chênh lệch thu lớn hơn chi vào Quỹ hỗ trợ KCB theo quy định của Chính phủ và xây dựng, bổ sung Quy chế hỗ trợ của Quỹ để hỗ trợ trong trường hợp người bệnh có chi phí điều trị lớn và không có khả năng chi trả.

Để giảm gánh nặng chi phí KCB trong trường hợp thiên tai, thảm họa, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định để thanh toán chi phí KCB cho người bệnh trong các trường hợp thiên tai, thảm họa.

Việc tăng giá viện phí đợt này hoàn toàn nằm trong lộ trình đến cuối năm 2017 của Bộ Y tế. Theo đó, việc đưa lương nhân viên y tế vào viện phí tại các cơ sở y tế công lập được chia thành 5 đợt, nhằm giảm tác động tới người dân và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Mỗi đợt điều chỉnh chỉ thực hiện ở một số tỉnh, thành. 

Đợt đầu tiên đã thực hiện vào tháng 8-2016 tại các địa phương có tỷ lệ dân số tham gia BHYT khoảng 95%. Đợt này thực hiện tại các địa phương có tỷ lệ BHYT khoảng 90% và mức tác động CPI thấp. Đợt 3 vào tháng 11-2016 tại các địa phương có tỷ lệ BHYT bao phủ 85% dân số; đợt 4 vào tháng 12-2016 ở các tỉnh có tỉ lệ BHYT trên 80% và đợt 5 tại các tỉnh còn lại từ tháng 1-2017. 

Các cơ sở y tế Trung ương đóng ở địa bàn nào, thực hiện mức giá viện phí cùng thời điểm với địa phương.

Bộ Y tế cũng cho hay, với việc tăng viện phí tính cả tiền lương, các BV phải chấm dứt tình trạng thu các khoản cao hơn quy định, hoặc thu các khoản không có trong quy định. Tuyệt đối không được thu thêm của người bệnh chi phí đã tính trong giá, trừ chi phí vật tư, hóa chất chưa tính vào giá phần đồng chi trả theo quy định của người có thẻ BHYT, hoặc phần chênh lệch giữa thanh toán với cơ quan BHXH và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Thanh Hằng
.
.
.