TP Hồ Chí Minh quyết liệt phòng, chống dịch bệnh COVID-19
- 146 người tiếp xúc với bệnh nhân 449 và 450 có kết quả âm tính
- Bệnh nhân 589 mới công bố ở TP Hồ Chí Minh đã đi những đâu?
Xử phạt người không đeo khẩu trang
Ngày 4/8, theo quan sát của phóng viên, đa số người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng, khi đi ngoài đường. Tuy nhiên, vẫn có một số người không chấp hành, có người đeo khẩu trang nhưng kéo xuống cổ; nhiều nơi người dân ngồi tụm lại trên vỉa hè nhưng không đeo khẩu trang.
Ngược lại với một số người dân thành phố và với những ngày mới xảy ra dịch bệnh lần trước, hiện nay hầu hết người nước ngoài chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng.
Trung tá Nguyễn Minh Trí, Trưởng Công an phường Thảo Điền (quận 2) cho biết: “Trước đây Công an phường đi tuyên truyền vận động người nước ngoài đeo khẩu trang là rất khó khăn, thậm chí họ cự lại. Nhưng hiện nay họ lại chấp hành rất tốt việc này. Bởi vì họ thấy được tác dụng của khẩu trang trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19”.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh chiều tối 3/8, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết còn nhiều người dân không đeo khẩu trang khi đi ra đường, ở nơi công cộng, do đó thành phố cần xử phạt nghiêm để phòng ngừa dịch bệnh.
Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, ở nước ta đang bước vào làn sóng thứ 2 của dịch bệnh với tốc độ lây lan và số lượng cao hơn cả đỉnh dịch của làn sóng thứ nhất. Chỉ trong 11 ngày (từ 25/7 - 4/8), Việt Nam phát hiện 239 trường hợp mắc COVID-19 với 205 bệnh nhân trong nước và 34 người nhập cảnh. Trong buổi sáng ngày 4/8 có hai trường hợp tử vong, nâng tổng số 8 bệnh nhân mắc nhiều bệnh lý nền và nhiễm COVID-19 tử vong.
Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố, hiện nay có khoảng 20% người dân khi ra đường không đeo khẩu trang. Trước đây, nhiều người nước ngoài không chịu đeo khẩu trang nhưng nay cũng đã đeo, vì đây là biện pháp phòng ngừa dịch hiệu quả nhất. Mặc dù dịch bệnh đang được kiểm soát tốt nhưng có nguy cơ lây nhiễm nên phải ngăn chặn từ xa. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có hai nguồn nguy cơ lớn lây bệnh, đó là người dân từ vùng dịch Đà Nẵng về và người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào thành phố.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo các sở, ban, ngành cần tuyên truyền người dân nêu cao ý thức chủ động phòng ngừa. Trong đó một trong những biện pháp hiệu quả nhất đeo khẩu trang, đi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, nhất khi đến những khu vực đông người, thành phố phải xử phạt những người không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Người nước ngoài chấp hành nghiêm đeo khẩu trang nơi công cộng |
Bên cạnh đó, những người từ vùng dịch về phải tự cách ly 14 ngày, nếu không tự cách ly thì hàng xóm, cộng đồng phát hiện phải báo các cơ quan chức năng để yêu cầu cách ly. Những tài xế chở khách, nhất là taxi khi chở người phát hiện từ vùng dịch về hoặc người nói tiếng nước ngoài thì phải chủ động báo cho các cơ quan chức năng để chủ động kiểm tra y tế những người này.
Đồng thời, ngành y tế thành phố cũng phải chuẩn bị tốt kịch bản, phương án cách ly nếu toàn thành phố có 50 người nhiễm COVID-19. Với số người nhiễm 50 người, thành phố phải cần khoảng 14.000 chỗ cách ly. Cùng với đó phải có phương án duy trì đội ngũ y, bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng thành phố tiếp tục kiểm tra, xử phạt những người dân không đeo khẩu trang tại nơi công cộng từ ngày 5/8. Đồng thời, các sở ngành, quận, huyện phải thông tin đến người dân những địa điểm bán khẩu trang trên địa bàn và phải đảm bảo đủ khẩu trang cung cấp cho người dân.
Lãnh đạo một số địa phương lơ là phòng chống dịch
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP TP Hồ Chí Minh diễn ra chiều 3/8, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đã phê bình chủ tịch một số quận, huyện không tham gia cuộc họp trực tuyến.
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thành phố tổ chức họp nhưng chủ yếu phó chủ tịch UBND quận, huyện dự. Ông Phong gay gắt nói: “Cuộc họp có rất nhiều thông tin, các đồng chí chủ tịch không nắm được thì làm sao chỉ đạo? Tôi đã cố tình sắp xếp lịch họp sau giờ hành chính để các đồng chí dự họp, nhưng nhiều đồng chí vắng mặt không có lý do. Đề nghị các đồng chủ tịch UBND quận, huyện xem lại và báo cáo lãnh đạo UBND thành phố. Nói không được lơ là trong phòng chống dịch, nhưng lãnh đạo các quận, huyện chưa quan tâm sâu sát”.
Ông Phong cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành và quận, huyện triển khai thực hiện nhiệm vụ kép trong tình trạng bình thường mới, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phục hồi kinh tế. Xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ lâu dài nên cần chủ động về các giải pháp để chỉ đạo, điều hành phù hợp đối với từng ngành, lĩnh vực; duy trì ổn định các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Khuyến khích các sở, ngành, quận, huyện, đơn vị tổ chức các cuộc họp trực tuyến, trong trường hợp tổ chức họp trực tiếp phải tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế. Chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tạm thời, khu cách ly và điều trị; đẩy mạnh năng lực công tác xét nghiệm.
Phát huy vai trò người đứng đầu các sở, ngành, quận, huyện trong việc tăng cường truyên truyền, vận động người dân theo tinh thần “Mỗi nhà là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”, nâng cao ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bình tĩnh, chủ động nhưng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến phức tạp dịch COVID-19.
Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố khi cơ quan chức năng phát hiện có người được cách ly tại nhà của địa phương nhưng ra khỏi nhà.
Để chủ động trong phòng chống dịch, thành phố mở rộng một số điểm cách ly: Mở rộng cơ sở cách ly tại Sư đoàn 317 (ở huyện Hóc Môn) thêm 200 - 400 giường; Trường Quân sự Quân khu 7 ở quận 12 (khoảng 500 – 1.000 giường); khu cách ly thuộc Trường Thiếu sinh quân - Bộ Tư lệnh thành phố (huyện Củ Chi); các quận, huyện tăng công suất cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn; sử dụng một số khách sạn làm nơi cách ly có thu phí...