Người già, trẻ nhỏ đổ bệnh vì nắng nóng

Thứ Năm, 14/05/2020, 17:57
Ghi nhận từ những bệnh viện, nhiều ca bệnh là người lớn phải nhập viện vì viêm da, cháy da do nắng, viêm đường hô hấp; còn trẻ nhỏ thì không ít ca bị sốt cao, co giật, viêm phổi, viêm amidan chỉ vì nằm quạt,  máy lạnh cả đêm.


Người lớn cũng “đổ bệnh”

Ngày 14-5, thông tin từ Bệnh viện Da Liễu  TP Hồ Chí Minh cho biết, mấy ngày nắng nóng quá, bác sỹ tại đây tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp người lớn da đột ngột bị bỏng đỏ, ngứa rát, sạm đen, nổi nhiều mụn... Khi tới khám, bệnh nhân mới ngạc nhiên nguyên nhân là do da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, cùng tác động thêm của không khí ô nhiễm, và chứng đổ mồ hôi nhiều. 

Có người nhập viện với những tổn thương trên da nhìn mà không khác gì vết bỏng a xít. Da bị bỏng rát và khi bị trợt ra rất rát, dễ bị bội nhiễm. Trong đó đáng chú ý có một ca bệnh nữ ngụ tại Q.2, đến khám trong tình trạng toàn thân bị nổi mụn nước. Bệnh nhân cho biết, trước đó chị có đi tắm hồ bơi vào lúc 10h. Chỉ trong vòng 2 tiếng bơi lội, khi lên bờ, chị chợt thấy nhiều vùng da trên cơ thể bị đỏ lên từng mảng, nghĩ bị cháy nắng nên chị chỉ bôi kem dưỡng. Tuy nhiên, hai ngày sau, da chị mọc một số mụn to rồi vỡ, gây nhiễm trùng, có dịch mủ. Bệnh nhân này được bác sĩ chẩn đoán “phát ban đa dạng” do tia ánh sáng mặt trời gây nguy hại. Các bác sỹ cảnh báo, vết tổn thương do tia nắng này có nguy cơ để lại sẹo và sạm da trong thời gian dài cho bệnh nhân nếu không được điều trị bài bản.

Ghi nhận trường hợp người lớn bị bỏng rộp da vì cháy nắng nhập viện Da liễu TP Hồ Chí Minh.
Khu vực chờ gọi tên vào phòng khám tại Nhi đồng 2.

Trong khi ấy ghi nhận tại khu vực khám bệnh của BV Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh trong trưa 14-5 nhiều người đã mệt mỏi vì đợi tới lượt. Bà Cao Thị Thu (65 tuổi) có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp, rối loạn tiền đình than thở: “Thời tiết nóng quá, tôi tuổi cao nên không chịu nổi. Mấy ngày qua tôi bị cảm cúm, ho, mệt mỏi, khó thở, ăn uống cũng thấy không ngon”.
Nhiều trẻ nhập viện tại các bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh vì nắng nóng dịp này.
Nắng nóng, nhiều phụ huynh phải bế con đi vòng chờ tới lượt khám tại BV nhi đồng 2.
Một bệnh nhân bị tổn hại da do nắng phải điều trị tại Bệnh viện da liễu tuần qua

Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia da liễu, nắng nóng có thể gây mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Khi trời nắng nóng không nên ra khỏi nhà. Trường hợp phải ra khỏi nhà cần đội mũ rộng vành, mặc quần áo chống nắng, sử dụng kem chống nắng. Không tắm biển, tắm sông khi nắng gắt từ 12-16h. Người dân nên ăn nhiều rau củ quả để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể vào những ngày thời tiết  nắng nóng như này.

Trẻ nhỏ gia tăng bệnh đường hô hấp

Ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 sáng 14-5, khu vực khám bệnh có khá nhiều người đưa trẻ đến khám, các buồng khám hầu như đã kín chỗ. Buổi sáng, không khí bớt oi bức, nhiều phụ huynh còn đưa con ra sân của BV cho đỡ khó chịu, nhưng càng về gần trưa không khí càng khó chịu. Trẻ khóc nhiều hơn.

Chị Trần Diễm My (quê Đồng Nai) đang ẵm con gái đứng đợi chồng tới đón ở sân BV này cho biết, con chị hơn 1 tuổi do có triệu chứng khó chịu nên được anh chị đưa đến đây khám từ sáng sớm. Bác sĩ nói bé bị viêm đường hô hấp trên và cho thuốc về nhà uống, theo dõi nếu bé không bớt bệnh thì đưa bé xuống bác sĩ khám lại.

Gần 11 giờ trưa không khí càng oi bức, những chiếc quạt điện trong phòng khám bệnh nơi đây không đủ làm mát. Các bé đang bệnh nên trong người khó chịu, nhiều bé bé khóc lóc ầm ĩ, người thân sử dụng quạt tay để quạt thêm, có người đem thêm quạt điện ở nhà đến sử dụng cho bé.

Ở trong phòng bệnh lâu nên con trai hơn 2 tuổi khóc hoài, anh Nguyễn Thanh Ngọc (quê ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) phải ẵm con đi lòng vòng bên ngoài phòng bệnh. Anh Ngọc cho biết con anh bị nóng sốt nên đưa bé đi khám ở phòng khám tư tại địa phương nhưng gần 1 tuần không thuyên giảm, gia đình đưa bé vào BV Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh khám. Bác sĩ ở đây khám nói bé bị viêm đường hô hấp. Anh thừa nhận do nóng quá nên mấy ngày nay gia đình bật quạt cả ngày đêm.

BV Nhi đồng 1 cho hay, trong những ngày này phụ huynh cũng liên tục đưa con đến khám bệnh, chủ yếu là bệnh đường hô hấp, tiêu hóa và da. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên số lượng bệnh nhi tại đây giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước, chỉ khoảng 2.500 lượt mỗi ngày, nhưng gia tăng nhiều trẻ nhập viện vì các bệnh bột phát do nắng nóng như: chàm ngứa, viêm amidan, viêm đường hô hấp trên…

Theo BS Nguyễn Minh Tuấn -Trưởng khoa Sốt xuất huyết BV Nhi đồng 1, thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, cùng với bối cảnh vẫn phải đề phòng dịch COVID-19, nên trước hết cần chú ý không để trẻ bị mất nước do nắng nóng, hay nằm quạt nhiều cả đêm gây mất nước, gây viêm họng. Khi đi ngoài nắng nhất thiết cần che cho trẻ tránh nắng tối đa và mang khẩu trang và mặc áo dài tay. Trong trường hợp bé bị cảm nắng có thể dẫn tới sốc nhiệt cần thực hiện lau mát, bù nước ngay bằng cách cho uống nước thật nhiều lần trong ngày. Nên ăn những thức ăn mềm, mỏng, dễ tiêu. Tránh những thức ăn cũ, để lâu, không được giữ gìn đúng cách về ATTP dễ dẫn tới ôi thiu, biến chất thức ăn làm rối loạn tiêu hoá. Gây ngộ độc thức ăn, gây tiêu chảy mất nước.

Ngoài ra, khi nằm quạt tránh quạt trực tiếp vào người. Máy lạnh vừa phải từ 26-27 độ C. Đang ở ngoài nắng nóng thì không nên vào ngay phòng máy lạnh sẽ làm thay đổi đột ngột tình trạng của cơ thể dễ mắc bệnh. Cũng trong ngày 13 và 14-5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã liên tục đưa ra nhiều cảnh báo và khuyến cáo người dân để phòng chống các bệnh trong mùa nắng nóng như: Viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ, thủy đậu... người dân nên đưa trẻ tiêm vắc-xin. Vệ sinh cá nhân thường xuyên, nhất là rửa tay; vệ sinh môi trường sống xung quanh, xử lý các vật dụng, phế thải bỏ lâu ngày để tạo môi trường thông thoáng tại nơi ở. Thực hiện các biện pháp ATTP như: ăn chín, uống chín, lựa chọn thực phẩm tươi, rõ nguồn gốc. Không nên lạm dụng nước lạnh, nước đá.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, do ảnh hưởng của áp cao cận nhiệt đới nên nắng nóng tiếp tục xảy ra ở các tỉnh Nam Bộ trong ngày 14/5 và ngày 15/5 với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-16 giờ. Ngày 14/5, chỉ số tia UV tại TP Hồ Chí Minh có giá trị từ 7-9 ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng được xác định: cấp 1. 

Huyền Nga-Nguyễn Cảnh
.
.
.