Sự cố chạy thận ở Hòa Bình: “Bài học xương máu đắt giá”

Thứ Bảy, 10/06/2017, 09:13
"Sự cố ở Hòa Bình là bài học xương máu đắt giá để cảnh báo cho các cơ sở y tế, không chỉ riêng về chạy thận mà tất cả các kỹ thuật y tế đều phải vô cùng thận trọng." - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết.


Vụ tai biến y khoa nghiêm trọng khiến 8 bệnh nhân tử vong ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình thực sự là một cú sốc với toàn xã hội, đặc biệt là với những người có nhu cầu chạy thận. Đây cũng là hồi chuông lớn cảnh báo về thực hiện quy trình khám chữa bệnh ở nhiều bệnh viện. 

Mong muốn giúp bạn đọc có thêm thông tin và thêm cả niềm tin để yên tâm chữa bệnh sau sự cố vừa qua, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến xung quanh vấn đề đảm bảo chất lượng chạy thận ở Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến.

PV: Thưa Thứ trưởng! Sau vụ tai biến kinh hoàng ở Hoà Bình, người dân đang rất hoang mang. Ở góc độ ngành y, ông nói gì về việc này?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Trước hết, tôi xin chia buồn sâu sắc với 8 gia đình có người thân tử vong và kíp kỹ thuật đã chạy thận cho các bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Hòa Bình hôm 29-5. Tất cả các kỹ thuật y tế đều có nguyên tắc về chuyên môn, từ việc phát thuốc đến tiêm cho bệnh nhân đều phải thực hành “3 kiểm tra 5 đối chiếu”. Kỹ thuật mổ xẻ cũng thế, phải chuẩn bị các bước của qui trình chuyên môn, từ vật tư tiêu hao, trang thiết bị và nhân lực y tế. Chạy thận nhân tạo cũng là một trong các kỹ thuật của y tế. Tôi có thể khẳng định, kỹ thuật y tế của Việt Nam hiện nay phát triển rất mạnh. Kể cả các nước Mỹ, Anh, Nhật cũng phải thừa nhận kỹ thuật y tế Việt Nam phát triển khá chứ không chỉ mức bình thường.

Còn về sự cố y khoa thì luôn luôn rình rập ở bất kỳ nước nào, bất cứ bệnh viện nào, cá nhân nào, đòi hỏi người làm công tác y tế phải hết sức thận trọng. Trong sự cố y khoa nghiêm trọng, đau xót tại BVĐK Hòa Bình vừa rồi, không chỉ liên quan đến bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, mà còn cả ở hệ thống bảo dưỡng máy móc. Đối với máy móc đều phải có định kỳ sửa chữa, thay vật tư tiêu hao. Vấn đề là việc bảo dưỡng phải đạt yêu cầu rồi mới được đưa vào sử dụng. Vụ việc ở Hòa Bình là lỗi hệ thống tất cả các máy vì nhiều người cùng bị chứ không phải một máy riêng lẻ.

Còn về qui trình, chạy thận nhân tạo không phải là kỹ thuật khó. Hiện nay, kỹ thuật này đã phổ biến đến tuyến quận, huyện và hoạt động rất tốt. BVĐK Hòa Bình cũng đã thực hiện chạy thận nhân tạo an toàn 10 năm nay chứ không phải mới bắt đầu triển khai. Việc bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ rất quan trọng. Vì thế, phải kiểm tra tất cả các khâu. 

Không chỉ lĩnh vực chạy thận, ở nhiều lĩnh vực y tế khác cũng xảy ra tai biến y khoa. Ví dụ, trong phòng mổ có đường khí CO2 và đường khí oxi, nhưng đã có cơ sở y tế đưa nhầm cho bệnh nhân thở bằng đường CO2 và khi phát hiện ra thì bệnh nhân không qua khỏi. Qui trình rõ ràng, các bước kỹ thuật có đủ, mà nếu thực hiện đúng thì ít khi xảy ra tai biến, song cũng có nhiều tai biến không thể lường được.

Cấp cứu bệnh nhân chạy thận ở BV đa khoa tỉnh Hòa Bình

PV: Thưa Thứ trưởng! Vấn đề cần rút kinh nghiệm sau vụ việc đau lòng ở Hòa Bình là qui trình làm việc của nhân viên y tế hay bảo dưỡng trang thiết bị?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Tôi cho là cả hai. Khi các cơ sở y tế tiến hành bảo dưỡng trang thiết bị cần phải thuê các đơn vị có năng lực để bảo đảm chất lượng và phía cơ sở y tế cần phải kiểm tra. Có nhiều tai biến do kỹ thuật, có tai biến do thuốc, có tai biến do máy móc, tất cả đều có thể xảy ra. Vì thế phải rà đi rà lại một cách cẩn trọng chứ không được chủ quan trong việc kiểm tra. Tất cả những người làm nghề y đều hiểu rằng, không được chủ quan bất kỳ bước nào vì có thể bị trả giá vô cùng đắt, thậm chí trả giá bằng tính mạng.

Vụ việc là bài học xương máu đắt giá để cảnh báo cho các cơ sở y tế, không chỉ riêng về chạy thận mà tất cả các kỹ thuật y tế đều phải vô cùng thận trọng.  Vì có khi chỉ một mũi tiêm vẫn có thể xảy ra sự cố. Thậm chí làm test để xem có dị ứng không cũng phải cấp cứu. 

Qua đây, cũng cần cảnh báo mọi người phải hết sức thận trọng với sức khỏe. Ngay cả người bệnh, bị dị ứng với thuốc nào thì khi đến BV phải nói với bác sĩ. Nhiều khi, bác sĩ vì đông bệnh nhân nên chủ quan cho rằng thuốc này ít khi bị dị ứng nên cho bệnh nhân sử dụng thì lại xảy ra sốc phản vệ. Mọi người hãy thận trọng, đặc biệt nhân viên y tế càng thận trọng hơn.

PV: Người dân đang lo rằng, ở một BV cấp tỉnh còn xảy ra tai biến như thế thì việc ngành y tế triển khai hoạt động chạy thận đến cấp quận, xã có đáng lo ngại?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Trước hết tôi khuyên người dân đừng quá lo ngại, cũng đừng cho rằng y tế cơ sở mới xảy ra tai biến, còn ở tuyến trên thì không. Mà bất kỳ bệnh viện nào cũng có thể xảy ra sự cố cả, kể cả tuyến Trung ương. Vụ việc ở Hòa Bình là lời cảnh báo cho tất cả các nhân viên y tế, từ tuyến xã cho tới Trung ương. 

PV: Ngành y tế làm gì để xốc lại hoạt động chạy thận ở các cơ sở cho người dân thật sự yên tâm, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Ở nước ta, bệnh nhân có nhu cầu chạy thận nhân tạo rất nhiều. Các cơ sở y tế triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo cũng nhiều, từ tuyến Trung ương đến tỉnh, huyện. Mỗi khi cho phép đơn vị nào triển khai kỹ thuật, chúng tôi đều phải thẩm định kỹ càng về trình độ của bác sĩ cũng như điều kiện về máy móc, cơ sở vật chất. Việc cấp phép đã được phân cấp, có qui chuẩn và lâu nay hầu như không có sự cố.

Khi xảy ra vụ việc ở Hòa Bình, Chính phủ và Bộ Y tế đều chỉ đạo rất nhanh, rất cụ thể để người dân không hoang mang và sớm đưa hoạt động chạy thận ở Hòa Bình trở lại bình thường, đặc biệt là phải tìm được nguyên nhân để khắc phục. Khi tìm ra nguyên nhân sẽ phải xử lý nghiêm khắc và triệt để để có bài học sâu sắc. 

Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đã vào cuộc rất nhanh, rất sát, yêu cầu tăng cường thanh, kiểm tra các đơn vị thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo nói riêng và các cơ sở y tế nói chung. Các Sở Y tế sẽ giám sát chặt chẽ tại các cơ sở y tế trên địa bàn và Bộ sẽ giám sát tại các bệnh viện Trung ương. Việc ngành y tế phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an để tìm ra nguyên nhân chính xác và công khai kết quả minh bạch, nhằm xử lý nghiêm khắc vi phạm làm bài học cho toàn ngành là biện pháp quan trọng đầu tiên để trấn an người dân.

PV: Trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn, việc xã hội hóa là cần thiết để y tế phát triển. Nhưng làm thế nào để xã hội hóa mà vẫn bảo đảm chất lượng máy móc phục vụ nhân dân, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Trong khi kinh phí của ngành y tế còn khó khăn thì vấn đề xã hội hóa là quan trọng để giúp ngành y tế mua sắm trang thiết bị, phục vụ công tác khám chữa bệnh và thực hiện được các kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, cũng cần đề phòng việc xã hội hóa các máy móc chưa đảm bảo chất lượng, cũng như xã hội hóa làm cho dịch vụ đắt lên, làm tăng giá dịch vụ khiến người dân không thể chi trả. Nếu làm nghiêm túc, có sự kiểm tra, thanh tra thật tốt, kỹ càng, khách quan thì xã hội hóa y tế sẽ đạt kết quả tốt. Dĩ nhiên, nếu phát hiện ra cái xấu thì phải xử lý nghiêm vì đây là lĩnh vực liên quan tới an toàn sức khỏe của người bệnh.

PV: Ngành y tế có chủ trương phát triển y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, giảm tải cho BV tuyến trên. Nhưng tới đây, việc kiểm soát chất lượng  của tuyến y tế cơ sở sẽ được Bộ Y tế triển khai như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến: Không chỉ Bộ Y tế mà ngay cả Chính phủ cũng rất quan tâm đến y tế cơ sở. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã quan tâm, chỉ đạo Bộ Y tế những vấn đề liên quan đến y tế cơ sở rất sát sao để người dân được chăm sóc ban đầu toàn diện, tiến tới hệ thống hóa dữ liệu sức khỏe toàn dân. Y tế cơ sở vững sẽ đỡ gánh nặng cho tuyến trên, do đó, các cơ sở y tế phải được đầu tư đảm bảo được chất lượng trong khám, chữa bệnh thông thường, còn các bệnh nặng, nan y sẽ được điều trị ở tuyến trên.

Sự cố ở Hòa Bình khiến chúng tôi càng thấm thía rằng, không được phép chủ quan. Vì thế, Bộ Y tế sẽ tăng cường chỉ đạo kiểm soát chất lượng hoạt động ở tất cả các tuyến để không xảy ra tai biến nào đáng tiếc cho người bệnh.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng đã trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.