Sốt xuất huyết tăng nhanh, cần phòng dịch để tránh bùng phát

Thứ Bảy, 22/06/2019, 09:52
Sốt xuất huyết đang bước vào mùa nên ở nhiều địa phương trên cả nước, số người mắc sốt xuất huyết đang gia tăng. Tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) ngày nào cũng có hơn chục ca sốt xuất huyết tới khám và vài ca phải nhập viện


Tại Hà Nội, trong tuần qua (từ 10 - 16-6) trên địa bàn thành phố ghi nhận 77 trường hợp, tăng 9 ca so với tuần trước đó, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm tới nay lên 502 ca, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Chủ quan, nhận thức sai lầm về cách phòng tránh vẫn là nguyên nhân dẫn đến sốt xuất huyết bùng phát.

Xem nhẹ nguồn lây bệnh

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, nhiều người dân ở Hà Nội đã phun hóa chất diệt muỗi lên tường nhà, cống rãnh xung quanh. Tuy nhiên, theo chị Bùi Hoài An (phường Bưởi, Hà Nội), dịch sốt xuất huyết năm 2017, y tế phường đến gia đình chị phun thuốc diệt muỗi 2 lần, nhưng chỉ 10 ngày sau, muỗi lại sinh sôi. Chị rất hoài nghi việc phun hóa chất diệt muỗi làm cho có lệ, cho đủ chỉ tiêu, không có tác dụng diệt muỗi. Vì thế, khi bệnh sốt xuất huyết đang tăng cao như hiện nay, chị rất lo ngại muỗi truyền bệnh sẽ khiến những người trong gia đình chị mắc sốt xuất huyết.

Người dân cần chủ động diệt bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước để phòng bệnh sốt xuất huyết.

“Sốt xuất huyết đang vào mùa nhưng chưa thấy y tế địa phương tuyên truyền, phát động chiến dịch diệt muỗi, diệt loăng quăng. Gần khu nhà tôi ở là nơi tập kết rác thải của mấy cụm dân cư, hằng ngày rác thải tập kết về, tối đến mới có ôtô tới chở rác đi nên tôi rất lo đó là nơi muỗi gây bệnh sốt xuất huyết, bọ gậy sinh sôi phát triển” – chị Hoài An lo lắng.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, người dân chỉ phun hóa chất diệt muỗi thôi chưa đủ, mà quan trọng phải diệt loăng quăng (bọ gậy) như đậy kín các chum, vại đựng nước để muỗi không vào đẻ trứng; thay nước bình hoa hàng ngày, không để nước đọng ở các chai, lọ, lốp/vỏ xe cũ… Đây là điều ít người chú ý, đa số chỉ tập trung vào phun hóa chất diệt muỗi.

TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trung bình mỗi năm Hà Nội ghi nhận từ 3.000 đến 5.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Riêng dịch sốt xuất huyết năm 2017 bùng phát với 37.651 trường hợp mắc, trong đó có 7 người tử vong.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 502 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 168 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Đã có 413 trường hợp khỏi bệnh, chỉ còn 58 trường hợp điều trị và chưa có trường hợp tử vong. Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội tuy chưa bùng phát, nhưng thời tiết khí hậu bắt đầu thuận lợi cho bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển làm cho dịch bệnh sốt xuất huyết có thể gia tăng.

Tới một khu lán xây dựng nhà chung cư cao tầng, chúng tôi thấy vật liệu xây dựng, chai lọ sau khi mưa đọng nước để ngổn ngang, đây là nơi để muỗi sinh sôi đẻ trứng nhưng chẳng được ai quan tâm, chú ý. Ở nhiều gia đình, nơi làm việc hay cắm lọ hoa, đây là nơi sinh sôi bọ gậy nếu không được thay nước thường xuyên. Tâm lý chủ quan, coi nhẹ nguồn lây bệnh sốt xuất huyết đã khiến nhiều người phải nhập viện, thậm chí là tử vong.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh vẫn là chủ động diệt bọ gậy ngay tại nơi làm việc, nơi ở của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học…

Có mặt tại Trung tâm Bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) mới hiểu hết nỗi khổ của những bệnh nhân khi mắc sốt huyết trong những ngày nắng nóng này. Là thanh niên 22 tuổi, nhưng sau 6 ngày nằm điều trị sốt xuất huyết ở đây, bệnh nhân Nguyễn Hải Nam đã sụt 5kg, mệt mỏi, bải hoải.

Nam cho biết: “Em được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 hầu như không ăn được, khi xuất huyết cả người ngứa râm ran rất khó chịu. Lần này em sợ rồi, không dám chủ quan đi ngủ không mắc màn nữa”.

Tâm lý chủ quan vẫn còn tồn tại trong cộng đồng dân cư, dẫn tới việc gia tăng các ca mắc sốt xuất huyết mới. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, dự báo trong những ngày tới, thời tiết vẫn nắng nóng và kèm theo mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue phát triển. Do vậy, Hà Nội phải giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao, duy trì mạng lưới cộng tác viên ở các xã, phường trọng điểm về dịch bệnh, với mục tiêu phát hiện sớm, xử lý dịch kịp thời không để dịch lan rộng. Hà Nội hiện vẫn duy trì hoạt động giám sát trước và sau chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết.

Đến nay đã tổ chức 71 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết tại 12 quận, huyện.  Tuy nhiên, để phòng chống bệnh sốt xuất huyết thì Hà Nội cần yêu cầu chính quyền và y tế các địa phương phải là người đi đầu, tiên phong trong việc tuyên truyền, phát động và giám sát những nơi có nguy cơ cao gây thành ổ dịch sốt xuất huyết để kịp thời phát hiện xử lý; vận động người dân, các công trình xây dựng trên địa bàn hằng tuần diệt bọ gậy tại nơi mình sinh sống để khoanh vùng, dập dịch, tránh cho muỗi gây bệnh sinh sôi, phát triển.

Trần Hằng
.
.
.