Sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thành dịch tại Cần Thơ
Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết (SXH) gây ra, nhưng dự báo tại Cần Thơ bệnh SXH có nguy cơ bùng phát thành dịch khi đã vào mùa mưa, muỗi có điều kiện thuận lợi để sinh sôi, nảy nở.
- Bệnh sốt xuất huyết và Zika có nguy cơ bùng phát trở lại
- Chuẩn bị thả muỗi vằn phòng bệnh sốt xuất huyết và Zika ở Nha Trang
- Bệnh sốt xuất huyết gia tăng tại Bình Phước
- Lâm Đồng bùng phát bệnh sốt xuất huyết
Tính đến đầu tháng 7-2017, số ca mắc SXH ở TP Cần Thơ tăng đến 30% so với cung kỳ 2016. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do SXH gây ra, nhưng dự báo tại Cần Thơ bệnh SXH có nguy cơ bùng phát thành dịch khi đã vào màu mưa, muỗi có điều kiện thuận lợi để sinh sôi, nảy nở.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, 7 tháng đầu năm 2017, bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị gần 1.000 ca bệnh SXH nội trú; trong đó, số ca tiếp nhận điều trị nội trú cho các bệnh nhi đến từ Cần Thơ với 600 ca. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng tiếp nhận, điều trị ngoại trú gần 3.000 ca bệnh liên quan đến SXH (tăng 10% so với cùng kỳ) cho các bệnh nhi đến từ các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, An Giang… Số ca mắc SXH mà bệnh viện tiếp nhận, điều trị chủ yếu ở nhóm dưới tuổi 15, với tỉ lệ 83,88%.
Muỗi vằn chính là tác nhân truyền bệnh SXH (ảnh minh họa). |
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho biết: “Năm nay thời tiết diễn biến khá thất thường, mưa trái mùa xuất hiện với tần xuất dày đặc khiến muỗi truyền bệnh SXH có điều kiện sinh sản nhanh. Mặc dù có tuyên truyền để người dân tích cực diệt lăng quăng, nhưng do mưa thất thường các vật chứa vẫn còn, tạo điều kiện cho lăng quăng truyền bệnh phát triển”.
Trước tình hình dịch bệnh SXH có chiều hướng gia tăng, UBND TP Cần Thơ và Sở Y tế Cần Thơ đã chỉ đạo thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch SXH; tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng; triển khai phòng chống SXH trên địa bàn 9/9 quận, huyện.
Để chủ động phòng chống bệnh SXH hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành Y tế Cần Thơ, thì mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tại gia đình, như: đẩy mạnh diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngủ trong màn kể cả ban ngày… để góp phần ngăn SXH bùng phát thành dịch.