Số mắc sởi ở Hà Nội đang gia tăng

Thứ Ba, 07/11/2017, 20:44
Những tuần qua, dịch sởi đang gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, đáng lưu ý là có tới 50% số ca mắc bệnh ở Hà Nội và đã có một ca tử vong. Do địa bàn phân bố bệnh ở rải rác nên các chuyên gia lưu ý việc phòng chống dịch càng phải đặc biệt lưu ý, trong đó, việc tiêm phòng là hết sức quan trọng.


Mặc dù Bộ Y tế đang khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần thận trọng với các dịch bệnh trong mùa đông xuân, nhất là bệnh sởi đang gia tăng, nhưng ông Trần Đắc Phu -Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)  cũng trấn an rằng, điều này không có gì là bất thường. 

“Bệnh sởi thường phát triển mạnh trong mùa xuân. Đặc biệt những năm gần đây chúng ta giải quyết tốt vấn đề bệnh sởi sau khi tổ chức chiến dịch tiêm cho 23 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi, không còn ổ dịch lớn nữa. Vừa  qua đã xuất hiện các ca bệnh ở Hà Nội, Hải Dương… hầu hết đều là những trường hợp có các bệnh khác nên bệnh nhân không đi tiêm vaccine. Hiện tỉ lệ tiêm chủng của chúng ta đạt 97%; còn lại 3%, nhưng nếu cộng dồn lại trong nhiều năm thì tổng số trẻ chưa được tiêm cũng tăng lên” - ông Trần Đắc Phu cho biết.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hà Nội, hiện có 32.634 trẻ chưa tiêm phòng sởi sau 5 năm trên địa bàn. Con số này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh khi mùa đông xuân đang cận kề. Đặc biệt khi số ca bệnh tăng nhanh trong tháng 9, tháng 10 và số mắc sởi đã xuất hiện tại 40 xã phường của 21 quận, huyện. Các tuần gần đây, số bệnh nhân sởi đang tiếp tục gia tăng, trung bình mỗi tuần có thêm 4-5 ca bệnh dương tính với sởi.

Chăm sóc bệnh nhi bị sởi

Ông Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo người dân chú ý phòng chống bệnh sởi, tránh để lại những hậu quả đau lòng như đợt dịch sởi 2014 khiến số mắc và số trẻ tử vong rất cao.

Theo ông Phu, thời gian tới, khí hậu đông - xuân rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như sởi. Mà sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, lây theo đường hô hấp nên mọi người đều có thể bị mắc, lại dễ lây lan thành dịch, đặc biệt ở trẻ em chưa được tiêm phòng. Do đó, để chủ động phòng chống bệnh sởi cần tiêm vaccine phòng đầy đủ.

 Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh. Thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông – xuân, trong đó có bệnh sởi, Bộ Y tế đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp để phòng các bệnh nguy hiểm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Trong đó, với các dịch bệnh có vaccine phòng bệnh như sởi, rubella, cần khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng, bên cạnh việc tiêm chủng thường xuyên cần tổ chức ngay các chiến dịch tiêm phòng cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế triển khai  công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; triển khai công tác tiêm chủng; tổ chức tốt việc phân tuyến, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, hạn chế c thấp nhất tử vong do dịch bệnh.



Thanh Hằng
.
.
.