Siết hoạt động dịch vụ thuê, khoán ngoài vào bệnh viện: Có ngăn được "ông kẹ"?
- Thêm tình tiết bất ngờ trong clip vụ “Bảo vệ BV Nhi Trung ương cản xe cấp cứu”89
- Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương xin lỗi vì hành vi vô văn hóa của bảo vệ41
Một Dự thảo quản lý các dịch vụ thuê, khoán bên ngoài vào BV do Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp chủ trì thông qua lãnh đạo toàn bộ các BV trên cả nước trong tuần qua nhằm thống nhất các giải pháp quản lý các dịch vụ này. Theo đó, mục tiêu cao nhất là chọn lựa nhà thầu, công khai và ưu tiên hàng đầu vì quyền lợi của người bệnh.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý & Khám chữa bệnh - Bộ Y tế thừa nhận, lâu nay, có rất nhiều dịch vụ hoạt động dạng thuê, khoán từ bên ngoài vào BV nhưng không được quản lý tốt như nạn xe cấp cứu “rởm”, xe taxi "dù", các kiểu “cò” dịch vụ,... gây bức xúc tại các BV cần phải được chấm dứt. Đặc biệt là việc trông giữ xe ở nhiều nơi trong BV với giá quá cao đã biến BV vốn là nơi cứu người nhưng đang bị "tai tiếng" trở thành nơi kiếm tiền trên thân xác bệnh nhân.
Cục trưởng Khuê cũng dẫn chứng: "Vào bãi giữ xe của BV, bảo vệ "phát" giá thu phí giữ xe tới 50 ngàn đồng. Có người đánh liều hỏi lý do giá giữ xe sao quá cao, mặt ông bảo vệ lạnh tanh không trả lời. Đó chỉ là một trong nhiều nỗi bức xúc trong hàng chục dịch vụ thuê, khoán từ ngoài vào BV, thuộc diện "ăn theo" hoạt động khám, chữa bệnh trong BV mà cần được chấn chỉnh".
Dịch vụ cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân là một trong 10 dịch vụ hoạt động nhiều nhất tại các bệnh viện. (Ảnh minh hoạ) |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn chứng: "Lâu nay tồn tại một cơ chế ban ơn trong BV nên người dân ta vào BV sợ từ ông bảo vệ trở đi. Bộ Y tế đã đi kiểm tra và thấy còn rất nhiều vấn đề tồn tại trong các cách đối xử, của các dịch vụ thuê, khoán ở BV. Đến cả việc đi photocopy giấy tờ để làm thủ tục cho người bệnh, người nhà cũng gặp phải "cò" mồi.
Tiêu chí của dự thảo lần này là tổ chức làm sao đấu thầu công khai, tránh lợi ích nhóm trong BV, làm sao tốt cho bệnh nhân, đặc biệt là chuẩn bị và lên kế hoạch đội ngũ chuyên cho việc này. Công khai trong BV.
Ngoài ra, cần công khai với người bệnh các loại hình dịch vụ, thậm chí người nhà có quyền lựa chọn các đơn vị taxi trong vận chuyển, kể cả tới linh cữu cho người tử vong tại BV, thân nhân được quyền lựa chọn. Người chịu trách nhiệm cho các công tác chấn chỉnh này là Giám đốc BV, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát".
Từ thực tế này, Bộ trưởng Y tế đề nghị: "Toàn bộ nhân viên của dịch vụ thuê, khoán từ bên ngoài vào BV cũng phải làm việc, đối xử với bệnh nhân như nhân viên của BV theo tiêu chí thay đổi tác phong, thái độ đối với bệnh nhân mà Bộ Y tế đưa ra".
Đề cập tới một số dịch vụ mang tính chất "nhạy cảm" hiện nay đang diễn ra tại nhiều BV, trước hết là dịch vụ "thuê người chăm sóc bệnh nhân", Phó Giám đốc BV Thống Nhất - TS Lê Đình Thanh chia sẻ, bệnh nhân tại BV Thống Nhất đa số là những cán bộ tuổi đã cao, nhiều bệnh mãn tính, phải nằm dài ngày nhưng đa phần ít con cái, nên đã xuất hiện tự phát hình thức thân nhân thuê người tới chăm sóc cho bệnh nhân tại BV.
Từ đây gây rất nhiều điều phiền toái. BV tìm hiểu và nhận ra rằng, người nuôi thuê đều tự phát qua môi giới, không thuộc một tổ chức, đơn vị nào trực tiếp quản lý nên rất lộn xộn, gây mất trật tự, nảy sinh nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh. Trong đó, đa số những người được thuê là lao động nhàn rỗi, có khi là đồng hương với bệnh nhân. Nhưng đáng chú ý, 50% trong số những người nuôi bệnh thuê này có trình độ văn hoá thấp, hoặc mù chữ.
Do đó, không biết gì về kiến thức, kĩ năng chăm sóc người bệnh. Từ thực trạng dịch vụ hình thành tự phát này, cũng dẫn tới việc sử dụng điện, nước và các dịch vụ khác trong BV không kiểm soát được, lãng phí, gây gánh nặng tài chính cho BV.
Chưa kể, khi nhàn rỗi, không có người thuê, những người này đã giăng mùng, ăn, ngủ, vạ vật ngay trong BV, gây mất mỹ quan cũng như tạo điều kiện cho kẻ xấu trà trộn vào thực hiện hành vi trộm cắp, lừa đảo bệnh nhân. Ngoài ra, đã có không ít lần BV phải can thiệp do xảy ra mâu thuẫn giành nhau trong việc làm, hay bắt ép bệnh nhân phải chi trả tiền cao, lấy bớt thuốc của bệnh nhân đem bán...
Do đó, thời gian qua, BV Thống Nhất đã triển khai quản lý, lên danh sách và cùng phối hợp với Công an, chính quyền địa phương nắm lý lịch, hồ sơ của 500 người nuôi bệnh thuê trong BV; tổ chức phỏng vấn, cấp giấy chứng nhận, tập huấn chuyên môn chăm sóc người bệnh cho những người này.
Vụ bảo vệ Viện Nhi Trung ương chặn xe cấp cứu đã gây bức xúc dư luận. |
TS Thanh cho biết, BV Thống Nhất cũng vừa chính thức đưa vào khai thác sử dụng công trình nhà tang lễ của BV với mục tiêu phục vụ là chủ yếu, không vì mục đích kinh tế cho bất kì một tập thể, cá nhân nào, phục vụ đối tượng cán bộ đang điều trị tại BV không may qua đời, và phục vụ nhân dân trên địa bàn khi có nhu cầu.
Cũng theo ông Thanh, đây là một trong những dịch vụ phải được quản lý nghiêm ngặt tại BV vì là một hoạt động nhạy cảm, rất dễ gây bức xúc dư luận nếu để xảy ra sai sót. Các đơn vị cung cấp dịch vụ tang lễ (nhà đòn) có hoạt động rất phức tạp, đã từng xảy ra việc tranh giành, môi giới, có biểu hiện côn đồ bắt ép gia đình sử dụng dịch vụ. Đối tượng môi giới đa dạng từ xe ôm, bảo vệ, người nuôi bệnh, có cả nhân viên y tế.
Ngoài ra, nếu quản lý không tốt còn gây tình trạng mất kiểm soát trong nhiễm khuẩn môi trường, lây lan mầm bệnh. Do đó, ngoài việc đưa công trình phục vụ tang lễ vào hoạt động, BV cũng cử Phòng hành chính có trách nhiệm giới thiệu đơn vị cung cấp dịch vụ tang lễ có uy tín, trách nhiệm, ban hành nội qui, qui chế hoạt động chặt chẽ, công khai nhất là về giá dịch vụ, lựa chọn đội ngũ nhân sự có tinh thần trách nhiệm, đạo đức tốt xử lý khéo léo các tình huống xảy ra...
TS Thanh khẳng định: "Nếu quản lý không tốt những loại hình dịch vụ nhạy cảm trên sẽ là nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng tới việc quản lý chất lượng mỗi BV".
10 loại hình được sử dụng nhiều nhất trong BV hiện nay (theo báo cáo từ 102 BV trên cả nước) gồm: trông giữ xe, căng tin BV, bảo vệ, vệ sĩ, bán sách báo và gọi điện thoại công cộng; nhà thuốc, taxi nhượng quyền, vệ sinh công nghiệp, ăn uống và xe cứu thương. Theo dự thảo, trong thời gian tới; cần thông qua việc công khai đường dây nóng, có phương án xử lý, chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp để người bệnh phàn nàn. Các BV phải nhanh chóng tiến hành nghiên cứu thực trạng các dịch vụ thuê khoán ngoài, từ đó tiến hành xây dựng và ban hành hướng dẫn quản lý, tiến tới xây dựng hợp đồng mẫu đối với từng loại dịch vụ cũng như hệ thống quản lý những dịch vụ này. |