Sẽ điều chỉnh 88 mức giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
- Các bệnh viện ở Hà Nội tăng giá viện phí
- Người có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng về tăng giá viện phí
- Tăng giá viện phí bước 2 không ảnh hưởng đến đối tượng chính sách và người nghèo
- Viện phí sẽ tăng 5 đợt trong 6 tháng cuối năm 2016
Sau một thời gian thực hiện, Thông tư liên tịch số 37 giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế quy định giá khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) đã bộc lộ nhiều bất cập. Vì thế, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) cùng đại diện Bộ Tài chính đã họp để lấy ý kiến sửa đổi Thông tư này.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thông tư ban hành năm 2015 nhưng phần lớn chi phí trực tiếp vẫn tính theo Thông tư 04 xây dựng từ 2011 nên nhiều chi phí đầu vào KCB đã lạc hậu.
Sẽ điều chỉnh nhiều mức giá KCB BHYT |
Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXHVN đồng ý cần điều chỉnh bổ sung Thông tư 37 và việc điều chỉnh trên nguyên tắc đảm bảo mức giá dịch vụ phù hợp thực tế, không mang tính cào bằng; phải thật sự minh bạch, khách quan từ hai phía: BHXH và cơ sở y tế; phải khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện Thông tư 37.
Theo đó, định mức phải căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội từng địa phương. Việc sửa đổi Thông tư lần này nhằm cơ cấu lại quỹ bảo hiểm hợp lý, để đáp ứng được chi phí tiền lương, công nghệ thông tin và chi phí quản lý.
Đại diện Bộ Tài chính cũng đề nghị Tổ soạn thảo rà soát kỹ các loại giá khi điều chỉnh, đảm bảo tính chuẩn mực từ thực tế và chuẩn mực của ngành y tế, để ban hành mức giá định mức với hệ số K cho từng tuyến, hạng bệnh viện (BV).
Sau khi bàn thảo, lãnh đạo Bộ Y tế và BHXHVN thống nhất sẽ điều chỉnh 88 mức giá, trong đó 6 giá khám bệnh theo 5 hạng BV và trạm y tế xã, 42 giá ngày giường theo hạng BV và trạm y tế, 40 giá dịch vụ kỹ thuật chủ yếu là các dịch vụ chẩn đoán như: Siêu âm, Xquang, MRI, CT scanne, PET-CT, Nội soi TMH,YHCT, PHCN…).
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng việc điều chính giá dịch vụ KCB hàng năm nhằm giải quyết bất cập trong thực tế, cũng như việc điều chỉnh giá Thông tư 37 lần này giúp cân đối quỹ và chất lượng KCB. Trước mắt, do chưa thể điều chỉnh mức đóng BHYT nên để bảo đảm cân đối quỹ, Bộ Y tế sẽ điều chỉnh giá một số dịch vụ thông thường như khám bệnh, chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, giường...
Việc điều chỉnh được thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, tháng 5-2018 hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37. Giai đoạn 2 xây dựng định mức phải có hệ số. Điều này cần sự đồng thuận và phối hợp trong công tác chỉ đạo giữa lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh BHXHVN.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị tăng mức chi cho y tế cơ sở, trong đó có Đề án làm mẫu 26 trạm y tế, đồng thời, ưu tiên hơn cho y học cổ truyền; tăng cường tổ chức liên ngành giám sát, kiểm tra. Bộ Y tế sẽ có Chỉ thị để chỉ đạo thực hiện nghiêm về giá; các cơ quan cần có cơ chế kiểm soát hiện tượng lạm dụng, lợi dụng kỹ thuật cao, thuốc biệt dược; kiểm soát tốt đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, tăng cường y tế dự phòng…