Sáng 9/4, không ghi nhận thêm ca mắc mới, dự kiến 2 bệnh nhân công bố khỏi bệnh
Theo Bộ Y tế, tính đến 6h sáng 9/4, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới. Đến thời điểm này, Việt Nam ghi nhận 251 trường hợp mắc COVID-19 tại 26 tỉnh, thành phố (156 người từ nước ngoài chiếm 62,6%; 95 người lây nhiễm thứ phát).
- Thủ tướng: Sát cánh bên nhau chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19
- Cặp song sinh chào đời trong phòng cách ly COVID-19
- Thêm 4 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh
- Thêm 4 bệnh nhân COVDI-19 công bố khỏi bệnh
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện có 5 bệnh nhân nặng phải thở oxy.
Tính đến 18h hôm qua, Việt Nam đứng thứ 104 trong 210 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19, trong đó có 126 bệnh nhân công bố khỏi bệnh (50,2%), 125 bệnh nhân đang được điều trị trong 16 cơ sở y tế.
Dự kiến trong ngày 9/4, Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ công bố 2 bệnh nhân BN203, BN234 được điều trị khỏi.
Đến sáng nay, ghi nhận 25 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 và 17 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính.
Đến 6h sáng nay có 77.298 người đang cách ly tại bệnh viện, cách ly tập trung và tại nhà.
Tiếp theo chỉ đạo về xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 (tại Công văn số 2673/VPCP-KGVX ngày 6/4/2020), Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với một số Bộ như sau:
1. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tập trung chỉ đạo cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, kịp thời; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly; không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân cũng như các biện pháp khác về phòng, chống bệnh dịch truyền nhiễm.
2. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế và các Bộ, cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu như trang thiết bị vật tư y tế và nhu yếu phẩm cần thiết cho phòng, chống dịch bệnh.
3. Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo cơ quan, người có thẩm quyền tập trung phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi đưa tin không đúng sự thật về dịch bệnh, người nhiễm dịch bệnh, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội.
Trong quá trình xem xét, xử lý các hành vi vi phạm, nếu phát hiện có dấu hiệu của tội phạm hình sự, các cơ quan nêu tại các mục 1,2,3 trên đây phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự.
4. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khẩn trương xác minh, điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhất là các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi (như đầu cơ, buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho việc phòng, chống dịch bệnh…); trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc áp dụng quy định của Bộ luật hình sự trong quá trình xử lý các hành vi phạm tội.
5. Bộ Tư pháp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định của pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 và các hành vi khác có liên quan; đồng thời chủ động phối hợp với TAND tối cao xây dựng, ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn việc áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về một số tội phạm có liên quan, tạo cơ sở cho việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.