Sản phụ "thập tử nhất sinh" được cứu sống ngoạn mục

Thứ Ba, 29/06/2021, 20:29
Chiều 29/6, BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết, các BS của BV vừa phối hợp cứu sống sản phụ bị hội chứng HELLP “thập tử nhất sinh”.


Theo đó, sản phụ Đ.T.T. (SN 2001, ngụ huyện Năm Căn, Cà Mau), mang thai 35 tuần đi khám thai định kỳ ở địa phương phát hiện huyết áp tăng cao, được chỉ định nhập viện theo dõi. Trong thời gian theo dõi, sản phụ có dấu hiệu nhau bong non nên các BS chỉ chỉ định phẫu thuật bắt thai khẩn cấp cứu mẹ và bé. 

Sau mổ 14 giờ, sản phụ lơ mơ, mạch khó bắt, huyết áp thấp, vàng da toàn thân, được chuyển khẩn cấp đến BV cấp tỉnh. Sau 2 ngày điều trị tích cực, truyền 6 đơn vị hồng cầu lắng, bệnh nhân không khá hơn. Kết quả xét nghiệm ghi nhận bệnh nhân bị suy đa cơ quan nên chuyển đến BVĐKTƯCT điều trị.

Các BS đang phẫu thuật cho sản phụ T. 

Khi đến BVĐKTƯCT, bệnh nhân lơ mơ, mạch nhanh, huyết áp thấp, da niêm vàng, bụng chướng căng, sonde dạ dày ra 250ml máu đỏ tươi. Các BS tiến hành nội soi dạ dày cấp cứu (có nhiều ổ loét nông ở tâm vị), hồi sức nội khoa tích cực, truyền máu và chuyển Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tiếp tục truyền máu và các chế phẩm máu, kháng sinh.

BS liên tục hội chẩn các chuyên khoa để đưa ra hướng xử trí tốt nhất cho bệnh nhân. Sau quá trình hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, siêu âm ghi nhận nhiều dịch trong ổ bụng dạng máu. 

Các BS chẩn đoán, nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan, suy gan cấp, suy thận cấp, rối loạn đông máu, xuất huyết nội - hậu phẫu mổ lấy thai ngày thứ 5 do nhau bong non, hội chứng HELLP. Bệnh nhân chỉ định phẫu thuật cấp cứu trong tình trạng cực nặng.

Sức khỏe sản phụ T. hiện đã ổn định. 

Ê kíp Ths-BS Nguyễn Hữu Thời; Ths-BS Trần Thị Kim Luyến thực hiện đường mổ vào ổ bụng thấy có khối máu tụ khoảng 400gr sau lớp cân trước phúc mạc; mở phúc mạc thành bụng hút ra 3.000ml máu đỏ sậm không đông. 

Tiến hành thắt hai động mạch tử cung; 2 dây chằng tròn; 2 động mạch buồng trứng trong, rửa sạch ổ bụng, cầm máu các điểm chảy máu ở phúc mạc thành bụng và đoạn dưới tử cung… được chỉ định lọc máu liên tục. 

Sau 6 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân ổn định dần, các chỉ số xét nghiệm dần trở về bình thường. Quá trình cấp cứu và điều trị, bệnh nhân được truyền 46 đơn vị máu và chế phẩm máu.

Hiện, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, sinh hiệu ổn định, bụng mềm, vết mổ khô, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Nội Tiêu hóa – Huyết học truyền máu. Riêng cháu bé sức khỏe ổn định, đã được xuất viện về nhà.

Văn Đức
.
.
.